Quy mô tín dụng chính sách xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn

Quy mô tín dụng chính sách xã hội hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết Trung ương về chính sách xã hội.

Vẫn còn nhiều lao động và người khó khăn chưa tiếp cận được nguồn vốn chính thống. Chỉ dấu rõ nét nhất là nhiều người lao động hiện vẫn phải "vay nóng", vay từ "tín dụng đen". 

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Đây là nhận định của ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội” diễn ra sáng 16/8 tại Hà Nội. Hội thảo do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.

Cũng theo Thứ trưởng, quy mô nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cần được tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi trong thời gian 5 năm, 10 năm tới. Đồng thời, cần nghiên cứu nâng định mức vay cao hơn, thời gian vay dài hơn, mở rộng đối tượng cho vay sang người có thu nhập rất thấp, cho vay phát triển kinh tế hộ gia đình...

Bổ sung vốn chăm lo các đối tượng yếu thế

Không riêng Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, vấn đề gia tăng nguồn lực, bổ sung vốn chăm lo các đối tượng yếu thế cũng được nhiều đại biểu khác đưa ra tại hội thảo.

Ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội; một số nhiệm vụ đề ra chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời và triệt để; việc bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH có lúc chưa kịp thời, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của các đối tượng thụ hưởng

Từ thực tiễn triển khai tại địa phương, ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết, khi phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh, khả năng đáp ứng về lao động nhất là lao động qua đào tạo rất khó khăn, đòi hỏi phải đẩy mạnh đào tạo nghề cho người lao động. Trong khi đó, nguồn vốn tín dụng hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động hiện nay chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của nhân dân.

Do vậy, ông Thái đề nghị các bộ, ngành trung ương quan tâm, báo cáo và đề xuất với Chính phủ bổ sung nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, mở rộng đối tượng cho vay để đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái chia sẻ tại Hội nghị. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Song song với đó, theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, hiện có nhiều quỹ hỗ trợ được ngân sách nhà nước cấp vốn để thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi do nhiều cơ quan nhà nước quản lý dẫn đến tình trạng chồng chéo. Vì vậy, đề nghị Trung ương cho chủ trương cơ chế cấp tín dụng ưu đãi của nhà nước về một đầu mối là NHCSXH để đảm bảo sự tập trung, thống nhất trong quản lý tổ chức thực hiện và nâng cao hiệu quả. 

"Với hệ thống mạng lưới xuống đến tận thôn, xã, nếu có nguồn lực tập trung để triển khai thực hiện và mở rộng đối tượng, hiệu quả đồng vốn cho vay sẽ tốt hơn", ông Thái nhấn mạnh.

Liên quan đến việc bổ sung nguồn vốn chính sách, PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Học viện ngân hàng đề xuất nâng hạn mức bảo lãnh của Chính phủ đối với trái phiếu của NHCSXH lên cao hơn nghĩa vụ trả nợ của ngân hàng này hàng năm nhằm góp phần tăng quy mô tín dụng chính sách xã hội, tăng nguồn vốn cho NHCSXH.

Nhận định việc làm sao nâng cao nguồn lực cho NHCSXH là một trong những vấn đề chính đặt ra với tín dụng chính sách và NHCSXH, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng lâu nay, nguồn vốn chính sách dựa chủ yếu vào nguồn tiền từ 2% số dư tiền gửi của các ngân hàng thương mại Nhà nước, chiếm hơn 60% tổng nguồn vốn của NHCSXH. Ngoài ra, còn có nguồn từ tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, vốn ngân sách từ chính quyền địa phương và phát hành trái phiếu. 

"Dù vậy, nguồn vốn này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của nhiều địa phương và cơ chế bố trí nguồn vốn cũng chưa được nhanh nhạy, kịp thời... Do đó, cần có những chỉ đạo từ Trung ương về bố trí nguồn lực vốn cho NHCSXH chủ động hơn, có tính lâu dài hơn", Phó Thống đốc nhấn mạnh. 

Ngoài ra, theo Phó Thống đốc, nguồn lực về con người cũng là vấn đề đặt ra khi bộ máy cán bộ NHCSXH tại nhiều địa phương làm việc với cường độ lớn, quá tải nhất là tại vùng sâu, xa... Ngoài ra, việc hoàn thiện thể chế, chính sách cũng cần phải quan tâm.

Hoàn thiện chính sách phù hợp thực tiễn

Chú thích ảnh
Các chuyên gia, nhà quản lý tham luận tại hội thảo. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH cho biết trong nhiều năm qua, nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời góp phần ngăn chặn các tệ nạn cho vay nặng lãi, tín dụng “đen”. Từ đó, giúp đảm bảo an sinh, trật tự và an toàn xã hội tại các địa phương, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

"Với chức năng bổ sung cho nhau, tín dụng chính sách và tín dụng thương mại là hai kênh tài chính song hành mang đặc trưng riêng có của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần vừa thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, vừa thực hiện các mục tiêu về phát triển xã hội, nổi bật nhất là đưa tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam từ mức gần 60% trong những năm 1990 xuống còn 4,3% năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều", Tổng Giám đốc NHCSXH thông tin.

Cập nhật đến ngày 31/7/2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt gần 325 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 190 nghìn tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,4%. Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay với nguồn vốn nhận ủy thác đến nay đạt gần 35 nghìn tỷ đồng, tăng 30.863 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị.

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến 31/7/2023 đạt trên 305 nghìn tỷ đồng, tăng gần 176 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 6,6 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 10%. 

Số liệu từ NHCSXH cho thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong những năm qua đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động, hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh sinh viên được vay vốn đi học...

Nguồn vốn cũng đã giúp xây dựng gần 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ vốn mua/thuê mua hơn 29,7 nghìn căn nhà ở xã hội, gần 2 nghìn doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động... 

Chú thích ảnh
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng phát biểu. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Tuy nhiên, ông Dương Quyết Thắng thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc triển khai tín dụng chính sách xã hội vẫn còn những khó khăn, bất cập. Trong đó, nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách khác; cơ cấu nguồn vốn tuy đã đa dạng hơn nhưng vẫn chưa thực sự hợp lý và bảo đảm bền vững. Đồng thời, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương tại một số tỉnh còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo hiện nay vẫn còn bị phân tán, chưa tập trung triệt để về một đầu mối là Ngân hàng Chính sách xã hội; nhiều quy định không còn phù hợp về mức cho vay, thời hạn cho vay của một số chương trình tín dụng chậm được điều chỉnh... 

Do đó, Tổng Giám đốc NHCSXH đề nghị các bộ, ngành chức năng của Trung ương, các địa phương tiếp tục quan tâm, ưu tiên tập trung bố trí nguồn lực từ ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách; sửa đổi những bất cập, những quy định không còn phù hợp với thực tiễn mới, như: các vấn đề về đối tượng cho vay, thời hạn cho vay, định mức vay, đẩy mạnh xã hội hoá, khắc phục việc phân tán, dàn trải nguồn lực… góp phần nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...

Ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc kiến nghị tăng phối hợp các bộ, ban ngành; hệ thống chính sách hỗ trợ tín dụng cần được thiết kế đồng bộ về đối tượng thụ hưởng, định mức, thời hạn phù hợp với các chính sách khác nhằm phát huy hiệu quả cao nhất.

Lê Phương (TTXVN)
Tín dụng chính sách xã hội bảo đảm sinh kế và sự phát triển của người dân
Tín dụng chính sách xã hội bảo đảm sinh kế và sự phát triển của người dân

"Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội", đây là chủ đề Hội thảo khoa học quốc gia do Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức sáng 16/8.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN