Đảm bảo chính sách cho người có uy tín

Báo Tin tức Cuối tuần số 48 đăng chuyên đề “Phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng”. Bà Hoàng Thị Hạnh (ảnh), Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã trao đổi với PV báo Tin tức về những chính sách cho người có uy tín.

Thưa bà, Nhà nước đã có những chính sách cụ thể gì đối với người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số?

Theo Quyết định 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ “Về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ”thì người có uy tín được cung cấp thông tin từ cấp ủy, chính quyền địa phương định kì, đột xuất, phổ biến thông tin về các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Người có uy tín được cấp phát không thu tiền báo Dân tộc và phát triển, báo của Đảng bộ tỉnh... Người có uy tín còn được nhận một số báo khác của Trung ương, tùy từng địa phương vận dụng và chuyển cho người có uy tín. 

Về vật chất và tinh thần, để động viên người có uy tín, chính quyền nơi cư trú cũng thăm hỏi, tặng quà dịp Tết của đồng bào dân tộc thiểu số, mức chi không quá 400.000 đồng/người/năm. Được thăm hỏi, hỗ trợ vật chất khi người có uy tín ốm đau, mức chi không quá 400.000 đồng/người/năm.

Được hỗ trợ, thăm hỏi khi người có uy tín, bố, mẹ, chồng, con của họ bị thiệt hại do thiên tai, với mức chi không quá 2.000.000 đồng/gia đình của cơ quan Trung ương; 1.000.000 đồng của cơ quan cấp tỉnh và 500.000 đồng của cơ quan cấp huyện, cấp xã thì không có. 

Người uy tín có tham gia đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn an ninh quốc gia không may bị thương và hi sinh được cấp có thẩm quyền xem xét công nhận là thương binh, liệt sĩ và được hưởng các chế độ, chính sách như những người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật hiện hành. 

Nếu họ lập được thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn trật tự xã hội, quốc phòng, an ninh được xét khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng Nhà nước.

Về kinh phí thực hiện chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số do ngân sách nhà nước đảm bảo; các cơ quan Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và thực hiện chính sách này. 

Địa phương đảm bảo thực hiện các chế độ chính sách địa phương, và được cân đối trong dự toán ngân sách hàng năm của tỉnh, thành phố theo phân cấp quy định tại Luật Ngân sách nhà nước. 

Đối với các địa phương có khó khăn không thể bố trí được kinh phí để thực hiện chính sách với người có uy tín thì ngân sách trung ương hỗ trợ để thực hiện. Việc tổ chức thực hiện do Ủy ban Dân tộc chủ trì, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, bộ, ngành liên quan phối hợp, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc này. Theo tôi được biết, bên cạnh Quyết định 18/2011/QĐ-TTg, thì một số địa phương cũng có chính sách hỗ trợ riêng. 

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh với đại biểu người có uy tín tiêu biểu vùng Tây Bắc tại Lễ tuyên dương người có uy tín tiêu biểu vùng Tây Bắc tổ chức ngày 5/12/2016. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN.

Việc ban hành và thực hiện các chính sách cho người có uy tín của các địa phương ra sao, thưa bà?

Bên cạnh chính sách chung của Nhà nước, việc thực hiện chính sách riêng đối với người có uy tín tùy vào tình hình cụ thể của mỗi tỉnh. Qua thực tế kiểm tra ở các tỉnh Hoà Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng... tôi thấy các tỉnh này có văn bản chỉ đạo rất cụ thể. Ở các tỉnh khó khăn như Lai Châu, Bắc Kạn do ngân sách còn hạn hẹp nên vẫn thực hiện theo chính sách chung của Chính phủ. 

Tuy nhiên, cũng có nhiều tỉnh trong khu vực việc thực hiện chính sách của Chính phủ đối với người có uy tín theo Quyết định 18/QĐ-TTg  đôi khi cũng chưa được như mong muốn. Mỗi tỉnh lại vận dụng theo cách riêng từ nhiều nguồn khác nhau. 

Nhưng tựu chung lại, đa số các địa phương thực hiện nghiêm túc, chính sách riêng của các địa phương cũng có nhưng còn hạn chế. 

Chúng tôi mong muốn Nhà nước, các địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ người có uy tín bằng nhiều nguồn khác để việc thăm hỏi, động viên hỗ trợ họ nâng cao hoạt động. Mặc dù các ngành liên quan ở Trung ương cũng đã tranh thủ vận động được nhiều nguồn kinh phí đặc biệt, nhưng việc này cũng rất khó khăn; đặc biệt là ở cấp tỉnh, cấp huyện càng khó, nhất là ở cấp xã thì luôn luôn bị động.

Việc phát huy vai trò của người có uy tín trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở rất quan trọng. Bởi trước hết phải khẳng định họ có vai trò quan trọng; người có uy tín là thành viên của các tổ chức, chính trị, xã hội, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc các cấp; đồng thời họ là những người đi đầu trong mọi lĩnh vực. 

Đặc biệt, có những nghệ nhân ở cơ sở đã phát huy vai trò trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống… Họ là những hội viện Hội Cựu chiến binh, là đảng viên, là những quần chúng ưu tú tin cậy của Đảng và chính quyền gửi gắm trong việc vận động quần chúng.

Xin cảm ơn bà!



Viết Tôn (thực hiện)
Phát huy vai trò của người có uy tín trong giữ gìn văn hóa truyền thống
Phát huy vai trò của người có uy tín trong giữ gìn văn hóa truyền thống

Báo Tin tức Cuối tuần số 47 đăng chuyên đề “Thách thức với bảo tồn di sản văn hóa Tây Nguyên”. Bà Bùi Thị Thanh (ảnh)̣̣̣, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về vai trò của già làng, người có uy tín trong bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa truyền thống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN