Giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 31/10/2023, với các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh đã giải ngân được 363,491 tỷ đồng, đạt 34,03% kế hoạch năm 2023. Trong đó, chương trình có tỷ lệ giải ngân vốn thấp nhất là Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mới giải ngân được 10,22% so với kế hoạch.

Chú thích ảnh
Đắk Lắk phát triển hệ thống giao thông, tạo động lực cho “huyện 30a” thoát nghèo. 

Cụ thể, đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã giải ngân đạt 65,32%; Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giải ngân đạt 41,71% kế hoạch; Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân đạt 10,22% kế hoạch.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai còn chậm do quy định tránh chồng chéo, trùng lắp nguồn vốn đầu tư của các chương trình giai đoạn 2021 - 2025 và việc chậm phê duyệt, phân bổ vốn thực hiện các chương trình. Đây là những nguyên nhân chính gây khó khăn cho địa phương trong triển khai đầu tư các chương trình.

Các cơ quan Trung ương chậm ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai cũng gây khó khăn trong quá trình thực hiện của địa phương. Ngoài ra, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều chỉ tiêu tăng thêm và yêu cầu cao hơn nên việc triển khai gặp khó khăn; nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu theo Bộ tiêu chí mới (giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Đắk Lắk được Trung ương phân bổ vốn đầu tư phát triển bình quân cho một xã là 7,5 tỷ đồng/5 năm nhưng trong giai đoạn 2021 - 2025 chỉ được phân bổ vốn đầu tư phát triển bình quân là 4,69 tỷ đồng/xã/5 năm).

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, nhằm khắc phục khó khăn và tăng hiệu quả triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, trong thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách giảm nghèo, ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số nhằm giảm nghèo nhanh, bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần nâng cao mức sống của người dân. Tỉnh quyết liệt chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện chương trình; triển khai hiệu quả công tác dân tộc trong tình hình mới.

Địa phương kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách đã được tỉnh Đắk Lắk đề xuất; đồng thời sớm có văn bản hướng dẫn triển khai đối với nội dung còn vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh thực hiện.

Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Đắk Lắk giảm 1,75%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3,5%. Đến cuối năm 2023, lũy kế có 78/151 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 51,66%, tăng 4 xã so với năm 2022.

Tin, ảnh: Tuấn Anh (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh nỗ lực thực hiện giải ngân vốn đầu tư công
TP Hồ Chí Minh nỗ lực thực hiện giải ngân vốn đầu tư công

Theo đại diện UBND TP Hồ Chí Minh, tính đến nay, đã có 18/22 địa phương cam kết giải ngân trên 95%; 4/22 địa phương (Hóc Môn, Gò Vấp, Tân Bình, Thủ Đức) cam kết giải ngân từ 80- 95%. Các đơn vị đều đang đẩy nhanh tiến độ bố trí tái định cư để sớm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN