Lần đầu tiên tổ chức Ngày hội sầu riêng ở Đồng Tháp

Trong hai ngày 13 và 14/6, tại xã Phú Hựu, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp diễn ra Ngày hội sầu riêng với chủ đề “Sầu riêng Châu Thành kết nối - vươn xa”. Đây là lần đầu tiên Ngày hội sầu riêng được tổ chức trên địa bàn huyện Châu Thành cũng như tỉnh Đồng Tháp.

Chú thích ảnh
Nhà vườn bày bán sầu riêng trong Ngày hội sầu riêng.

Trong khuôn khổ chương trình Ngày hội sầu riêng diễn ra các hoạt động gồm: trưng bày, bán sản phẩm sầu riêng, sản phẩm OCOP của huyện Châu Thành; hội thi chế biến món ăn từ sầu riêng; tọa đàm về tiềm năng xuất khẩu và kết nối tiêu thụ sầu riêng...

Sự kiện này góp phần nâng cao chất lượng và từng bước xây dựng thương hiệu sầu riêng Châu Thành; giới thiệu sản phẩm đến thị trường trong và ngoài nước; nâng cao nhận thức từ hệ thống chính trị đến người dân về phát huy tiềm năng, khơi dậy nguồn lực và khát vọng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao.

Đây còn là dịp quảng bá, giới thiệu nhiều loại trái cây trên địa bàn thị trấn Cái Tàu Hạ và các xã trong huyện Châu Thành, đặc biệt là trái sầu riêng gắn với quảng bá rộng rãi hình ảnh địa phương đến doanh nghiệp, người dân. Từ đó, khẳng định tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, nông sản theo chiều sâu và bền vững.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Phan Thanh Dũng cho biết, đến nay, diện tích sầu riêng toàn huyện đạt trên 986 ha; trong đó, 305 ha đang cho trái ổn định, hơn 681 ha trồng được từ 1-4 năm. Vùng trồng sầu riêng tập trung nhiều nhất ở các xã Phú Hựu, An Khánh, An Phú Thuận và thị trấn Cái Tàu Hạ.

Tuy là loại cây có mức đầu tư tương đối lớn nhưng sầu riêng mang lại lợi nhuận khá cao, hơn 700 triệu đồng/ha. Cây sầu riêng góp phần đáng kể cải thiện đời sống cho người dân, mang lại thu nhập ngày càng tăng.

Để nâng cao giá trị trái sầu riêng và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước lân cận, ngành nông nghiệp huyện Châu Thành đã hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng theo hướng an toàn cho hộ sản xuất; triển khai nhiều mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ an toàn. Qua đó, giúp nông dân nắm vững quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng. Đến nay, toàn huyện có 27,8 ha được cấp chứng nhận VietGAP, có 39 mã số vùng trồng với diện tích hơn 333 ha, phục vụ xuất khẩu.

Đến nay, tổng diện tích trồng sầu riêng tại Đồng Tháp đạt hơn 2.450 ha, phân bố chủ yếu ở các huyện: Châu Thành, Cao Lãnh, Tháp Mười và Lấp Vò. Ước tính sản lượng bình quân 12.000 tấn/năm. Các giống sầu riêng được trồng chủ yếu là Mongthong chiếm 60%, Ri6 35%, Musang King 5%. Dự kiến, đến năm 2025, diện tích trồng sầu riêng ở tỉnh Đồng Tháp sẽ tăng lên 3.000 ha.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Điền cho biết, Châu Thành có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất tỉnh Đồng Tháp. Việc tổ chức ngày hội ngay tại khu vực trồng sầu riêng là dịp để giới thiệu vùng nguyên liệu sầu riêng, kết nối tiêu thụ giữa nhà vườn với doanh nghiệp và quảng bá hình ảnh địa phương, thu hút khách du lịch gần xa.

Ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp đang quan tâm quản lý vùng trồng sầu riêng, xây dựng vùng trồng chuyên canh và kêu gọi nhà đầu tư chế biến sâu nhằm tăng giá trị; tập huấn khoa học kỹ thuật canh tác sầu riêng để đảm bảo chất lượng, giúp nhà vườn làm chủ kỹ thuật trồng “né” vụ, tránh ứ hàng, dội chợ.

Nhựt An (TTXVN)
Xuất khẩu sầu riêng tăng đột biến
Xuất khẩu sầu riêng tăng đột biến

Bốn tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 190 triệu USD, tăng gần 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm trên 84%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN