Phát triển chăn nuôi đại gia súc vùng Tây Bắc

Nâng tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp

Những năm gần đây, với lợi thế về đồng cỏ, nguồn thức ăn tận dụng tại chỗ nên vùng Tây Bắc bước đầu hình thành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi trang trại vừa và nhỏ. Tuy nhiên, quá trình phát triển chăn nuôi của vùng này trong những năm qua bộc lộ nhiều bất cập như chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng cao cả về số lượng đầu con và sản lượng thịt; tập quán chăn nuôi gia súc, gia cầm thả rông và chưa chủ động được thức ăn, việc tự đảm bảo về con giống còn yếu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), Cao Đức Phát nhận định, Tây Bắc là vùng có nhiều điều kiện thiên nhiên ưu đãi, diện tích toàn vùng chiếm tới 28,6% diện tích cả nước, diện tích đất nông nghiệp chiếm 15,8% quỹ đất nông nghiệp của cả nước. Tuy nhiên, quá trình phát triển chăn nuôi của vùng trong những năm qua còn bộc lộ nhiều bất cập như: Chăn nuôi chủ yếu theo phương thức truyền thống, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao, do đó dễ chịu rủi ro cao do ảnh hưởng lớn bởi thiên tai, dịch bệnh. Tập quán chăn nuôi gia súc, gia cầm thả rông và chưa chủ động được thức ăn, chủ yếu là tận dụng thức ăn tại chỗ, chăn nuôi tăng trưởng chậm và thiếu bền vững.

Giảm tổng đàn trâu, bò

Trong giai đoạn 2011 - 2015, do tốc độ đô thị hóa, cơ giới hóa trong khu vực các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc tăng lên, diện tích chăn thả, trồng cỏ ngày càng thu hẹp nên số lượng trâu giảm bình quân khoảng 7,0% trong cả giai đoạn. Nếu như năm 2011, tổng đàn trâu có 1.506 ngàn con thì đến năm 2014 giảm xuống còn 1.401 ngàn con, chiếm 55,78% tổng đàn trong cả nước (giảm hơn 105.000 con). Trong khi đó chăn nuôi bò chủ yếu là giống bò bản địa, tỷ lệ bò lai ngoại (Zêbu) chưa nhiều. Tuy nhiên giống bò Việt Nam tầm vóc nhỏ, tỷ lệ thịt xẻ, thịt tinh thấp nhưng có khả năng chịu đựng tốt, thích nghi với điều kiện thời tiết khí hậu. Đa số các tỉnh có đàn bò lớn như Sơn La, Cao Bằng, Hà Giang… đều thực hiện tốt chương trình thụ tinh nhân tạo và coi đây là giải pháp quan trọng trong việc “Zêbu hóa” đàn bò bản địa phương kết hợp với chăm sóc và nuôi dưỡng nhằm cải thiện cả chất lượng và số lượng bò tại địa phương. Tỷ lệ đàn bò lai vùng trung du và miền núi phía Bắc cũng đã tăng lên đáng kể, đạt 29%, trong đó Phú Thọ là tỉnh có tỷ lệ bò lai cao nhất, tiếp đến là Tuyên Quang, Thái Nguyên…

Người dân xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) chăm sóc đàn bò trong ngày thời tiết rét đậm. Ảnh: Trung Kiên – TTXVN

Bàn về chăn nuôi đại gia súc vùng Tây Bắc, lãnh đạo các tỉnh trong vùng Tây Bắc cho rằng, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm xóa đói, giảm nghèo bền vững trên địa bàn Tây Bắc, năm 2016 và giai đoạn 2016 - 2020 cần triển khai mạnh mẽ và hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hình thành các khu chăn nuôi gia súc ăn cỏ với quy mô trang trại, gia trại gắn với công nghiệp chế biến thực phẩm nhằm tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi trong nông nghiệp. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hồ Đức Phớc cho rằng chăn nuôi đại gia súc rất phù hợp với đặc điểm điều kiện tự nhiên trong vùng. Cần có quy định ưu đãi cho nhà đầu tư vào không chỉ vùng đặc biệt khó khăn mà cả vùng miền núi với các chính sách đặc thù như tiền thuê đất, tiền thuế để kéo doanh nghiệp về vùng miền núi. 

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn 2011-2014, tổng đàn bò trong vùng giảm 1,7%/năm, từ 924,64 ngàn con năm 2011 xuống còn 909,24 ngàn con năm 2014 (chiếm 17,37% tổng đàn bò cả nước). Tuy nhiên, sản lượng thịt bò hơi tăng trưởng 4,24%, từ 28,88 ngàn tấn năm 2011 lên 30,10 ngàn tấn năm 2014. Đến thời điểm tháng 4/2015, tổng đàn bò thịt của các tỉnh trong vùng đạt khoảng 982,28 ngàn con, chiếm 17,64% so với tổng đàn của cả nước.

Ông Hồ Đức Phớc đề nghị, Chính phủ cho phép mỗi tỉnh Tây Bắc xây dựng một mô hình chăn nuôi để trình diễn, đưa các con giống tốt nhất vào với sự hỗ trợ của các chuyên gia giỏi để người dân, doanh nghiệp đến tham quan, góp phần lan tỏa mô hình ra toàn vùng. Còn Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh đề xuất cần phải hướng dẫn người dân bỏ tập tính nuôi chăn thả năng suất thấp, chất lượng kém. Ông Tỉnh cũng cho rằng, Ban Chỉ đạo Tây Bắc cần có chủ trương đẩy mạnh chăn nuôi, nên xây dựng một đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phải có cơ chế, chính sách cho vùng có đề án, cơ chế phải đầu tư mạnh hơn so với hỗ trợ cho nông nghiệp đơn thuần, có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, bỏ đất lúa hiệu quả thấp, người nông dân chỉ trồng cỏ bán cho doanh nghiệp nuôi bò, như vậy sẽ chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu nông nghiệp.

Quy hoạch chăn nuôi

Tiềm năng là rất lớn nhưng các tỉnh vẫn chủ yếu quan tâm đến trồng trọt, mà chưa chú ý đến chăn nuôi, đó là nhận định của lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc. Trong thời gian tới các tỉnh trong vùng cần quy hoạch chăn nuôi ở địa phương, có đề án phát triển chăn nuôi, để tăng số lượng và nâng cao chất lượng, giảm tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán. Cải tạo đàn gia súc, gia cầm, đưa chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán thành gia trại, trang trại, với năng suất, công nghệ mới, thú y tốt, thực phẩm sạch, các cơ sở giống, thú y, thức ăn chăn nuôi phải chủ động hơn, cần nhận thức rõ hơn việc liên kết tiêu thụ sản phẩm. Các địa phương trong vùng Tây Bắc phải coi chăn nuôi đại gia súc là chủ trương quan trọng, Bộ NN&PTNT cần phối hợp với các địa phương xây dựng đề án phát triển chăn nuôi giai đoạn tới trình Chính phủ phê duyệt với cơ chế chính sách tạo điều kiện cho lĩnh vực này, có trung tâm sản xuất giống công nghệ cao, quy mô cấp vùng, đảm bảo cung cấp đủ giống cho vùng Tây Bắc; chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến các loại thức ăn từ nguyên liệu sẵn có, đặc biệt là việc ngâm ủ thức ăn cho trâu bò trong mùa đông, tạo điều kiện phát triển chăn nuôi cả 4 mùa.

Ban Chỉ đạo Tây Bắc thảo luận với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu chính sách phát triển nông lâm nghiệp trên địa bàn, triển khai các đề án phát triển nông nghiệp chất lượng cao, chăn nuôi đại gia súc, trình Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương vùng Tây Bắc phải chủ động hơn, không trông chờ vào Bộ NN&PTNT, coi lợi thế về chăn nuôi trong vùng là lợi thế phải tận dụng tối đa để hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó cần có đề án chăn nuôi cho từng địa phương, nhân rộng mô hình VietGap trong chăn nuôi, chú trọng nâng cao chất lượng giống, quảng bá sản phẩm tốt hơn, gắn sản xuất với tiêu thụ, sản xuất những sản phẩm mà thị trường cần, trong đó phải phát huy mô hình nhập khẩu giống bò sữa, phối giống năng suất cao.
Viết Tôn
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN