Tiền Giang: Vận hành cống ngăn mặn, bảo vệ các vùng sản xuất trọng điểm

Nhằm ứng phó hạn mặn, bảo vệ các vùng sản xuất trọng điểm tại địa phương, trong mùa khô 2023 – 2024, Tiền Giang đã cơ bản hoàn thành, đưa vào vận hành 7 cống ngăn mặn trên đầu các kênh rạch thông ra sông Tiền có tổng kinh phí đầu tư trên 1.380 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Cống Rạch Gầm vận hành tự do, tranh thủ trữ ngọt trong nội đồng. 

Đó là các cống Nguyễn Tấn Thành, cống Rạch Gầm, cống Phú Phong, cống Cây Cồng, cống Hai Tân, cống Mù U, cống Cái Sơn.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, cống Nguyễn Tấn Thành tại đầu kênh Nguyễn Tấn Thành thông ra sông Tiền có nhiệm vụ ngăn mặn, trữ ngọt bảo vệ gần 100.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho gần 1,1 triệu người dân vùng Đồng Tháp Mười và Dự án Bảo Định của 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.

Sáu cống ngăn mặn còn lại tại đầu các kênh, rạch ra sông Tiền kết hợp hoàn thiện tuyến đê dọc sông Tiền đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt trong mùa khô 2023 - 2024 phục vụ vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản nằm trong vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh tiếp giáp sông Tiền là sầu riêng, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, sa pô chê…; trong đó có trên 20.000 ha sầu riêng xuất khẩu giá trị kinh tế cao.

Ngoài ra, để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, phục vụ bơm tát chống hạn, bảo vệ cây trồng, các địa phương trong tỉnh còn thi công 242 công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương nội đồng với tổng chiều dài trên 355.000 m và khối lượng đất đào đắp lên đến gần 1,1 triệu m3.

Theo đánh giá, các công trình thủy lợi đầu mối kể trên đang phát huy hiệu quả ứng phó thiên tai, giúp nông dân an tâm thâm canh, chăm sóc vườn cây ăn quả trong mùa khô 2023 - 2024.

Cụ thể, đầu tháng 3/2024, Tiền Giang đã cho vận hành đóng cống Nguyễn Tấn Thành tại đầu kênh Nguyễn Tấn Thành do độ mặn đang tăng cao phía sông Tiền, không để xâm nhập vào nội đồng gây hại.

Đồng thời, 6 cống ngăn mặn tại đầu các kênh, rạch thông ra sông Tiền còn lại cũng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng ngay từ đầu mùa khô 2023 - 2024, sẵn sàng vận hành đóng ngăn triều cường và xâm nhập mặn, bảo vệ các vùng trọng điểm kinh tế vườn phía Tây tỉnh khi cần thiết.

Trong trường hợp diễn biến triều cường và xâm nhập mặn phức tạp trong những ngày tới đe dọa vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản các huyện, thị phía Tây, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai phương án đắp 3 đập thép tại đầu các sông: Trà Tân, Ba Rày và Phú An thông ra sông Tiền nhằm ngăn không cho nước nhiễm mặn xâm nhập vào nội đồng đồng thời trữ ngọt, phòng chống hạn, đảm bảo sản xuất.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cũng khuyến cáo nông dân theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước, độ mặn trên kênh rạch và nội đồng trong mùa khô hạn nhằm kịp thời ứng phó hữu hiệu.

Đồng thời, rà soát, củng cố hệ thống đê bao đảm bảo phòng, chống hạn hán và triểu cường, chống xâm nhập mặn tại các địa phương trong tỉnh.

Huyện Cai Lậy nằm trong vùng kiểm soát lũ phía Tây, có trên 15.700 ha vườn cây ăn trái, tập trung tại các xã phía Nam Quốc lộ 1; trong đó riêng diện tích vườn chuyên canh sầu riêng trên 9.000 ha; là địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn từ hướng sông Hàm Luông (Bến Tre) sang và hạ lưu sông Tiền lấn lên uy hiếp.

Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Trần Quốc Bình cho biết, trong mùa khô 2023 - 2024, huyện đầu tư gần 5,5 tỷ đồng nạo vét 45 tuyến kênh mương nội đồng lấy nước tưới tiêu, phỏng chống hạn, có tổng chiều dài trên 46.000 m và khối lượng đất đào đắp trên 157.000 m3.

Đồng thời, địa phương cũng dành gần 21 tỷ đồng đầu tư ứng phó triều cường và xâm nhập mặn bao gồm đắp 10 đập ngăn mặn, sửa chữa 44 cửa cống, thi công 8 cống mới, tổ chức các điểm đo mặn và tuyên truyền nhân dân chủ động trong việc ứng phó hạn mặn, bảo vệ sản xuất và đời sống.

Các xã cù lao trên sông Tiền là Tân Phong và Ngũ Hiệp của huyện Cai Lậy cũng đắp 19 đập tạm ngăn mặn với tổng kinh phí đầu tư 16,6 tỷ đồng bảo vệ gần 3.000 ha vườn cây ăn quả đặc sản tại địa phương.

Ngoài ra, trước dự báo triều cường và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp trong những ngày tới, có khả năng xâm nhập sâu và kéo dài, UBND huyện Cai Lậy đã xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp, thường xuyên cập nhật tình hình xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và chung tay phòng chống một cách hữu hiệu.

Hiện nay, trên sông Tiền đang vào đợt triều cường mới, dự báo kéo dài từ ngày 10/3/2024 đến 13/3/2024. Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, đây là đợt triều cường cao, mực nước các nơi dự báo cao hơn báo động 3. Thông thường, triều cường sẽ kết hợp với xâm nhập mặn sâu ảnh hưởng Tiền Giang theo hai hướng từ hạ lưu sông Tiền lên và từ hướng sông Hàm Luông phía tỉnh Bến Tre lấn qua uy hiếp các vùng trồng sầu riêng xuất khẩu giá trị kinh tê cao tại các huyện, thị phía Tây. Để ứng phó, cùng với cống Nguyễn Tấn Thành, 6 cống ngăn mặn tại đầu các kênh rạch thông ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 cũng đã vận hành đóng ngăn mặn triệt để, không để mặn xâm nhập vào nội đồng, giảm nhẹ thiên tai.

Theo lãnh đạo tỉnh, do vậy, với việc tập trung đầu tư thi công hoàn thiện mạng lưới thủy lợi trọng điểm, nhất là sớm đưa các cống đập ngăn mặn vào phục vụ sản xuất kịp thời cùng với chủ động triển khai các phương án ứng phó thích hợp với từng vùng, từng địa bàn, Tiền Giang quyết tâm bảo vệ an toàn các vùng sản xuất trọng điểm của địa phương, giúp người dân an cư lạc nghiệp, giảm nhẹ thiên tai đến mức thấp nhất.

Bài và ảnh: Minh Trí (TTXVN)
Các địa phương cần tích trữ nước ngọt ứng phó xâm nhập mặn
Các địa phương cần tích trữ nước ngọt ứng phó xâm nhập mặn

Nhận định về xu thế xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 11 - 20/3, ngày 11/3, Trưởng phòng Dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Phùng Tiến Dũng cho biết, xâm nhập mặn ở khu vực trên tăng dần đến giữa tuần sau đó giảm dần. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức cao hơn độ mặn cao nhất tháng 3/2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN