Ấn Độ đối mặt với rủi ro thảm họa kép về y tế

Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng kết hợp với dịch bệnh COVID-19 sẽ trở thành thảm họa y tế kép có nguy cơ tạo gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Ấn Độ.

Chú thích ảnh
Một người nông dân lửa đốt rơm rạ tại Amritsar ở bang Punjab. Ảnh: CNN

Một cảnh tượng quen thuộc lại đang diễn ra tại miền Bắc Ấn Độ. Khói đốt rơm rạ từ các cánh đồng “chu du” đến nhiều thành phố, thị trấn và vượt qua cả lãnh thổ các bang. Tập quán đốt rơm rạ trên cánh đồng chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo là một trong những lý do chính dẫn đến ô nhiễm thường niên tại Ấn Độ, thường diễn ra vào mỗi mùa Đông.

Kênh CNN (Mỹ) cho biết tình trạng này đặc biệt tồi tệ lại những thành phố như thủ đô New Delhi nơi khói từ việc đốt rơm rạ, khí thải xe cộ, nhà máy năng lượng, công trình xây dựng cùng kết hợp lại hình thành những đám mây độc hại “vương vấn” đến tận mùa Xuân.

Giới chức Ấn Độ trong nhiều năm đã cố gắng giải quyết rủi ro sức khỏe này nhưng năm nay có thêm động lực do lo ngại về ô nhiễm có thể gia tăng nguy hiểm khi dịch COVID-19 vẫn hoành hành. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, đã có gần 7,6 triệu người mắc COVID-19 và trên 115.000 người thiệt mạng. Hiện tại Ấn Độ đang đứng thứ 2 thế giới về số ca mắc COVID-19, sau Mỹ.

Các chuyên gia và chính khách lo ngại rằng mùa ô nhiễm có thể gây rủi ro kép, tạo áp lực đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe công cộng.

Vấn đề ô nhiễm

Ô nhiễm là bài toán khó giải tại Ấn Độ trong thời gian dài. Theo nghiên cứu của tổ chức IQAir AirVisual năm 2019, có tới 21 thành phố Ấn Độ trong danh sách 30 thành phố có tình trạng ô nhiễm tồi tệ nhất thế giới.

New Delhi cũng được xếp là thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới và chất lượng không khí tại đây năm 2019 đã đạt đến ngưỡng cao gấp 20 lần mức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi là “an toàn”. Theo Đại học Chicago, người dân New Delhi có thể sống thêm 10,2 năm nếu chất lượng không khí tại đây đạt mức tiêu chuẩn của WHO.

Dưới đây là video về ô nhiễm tại New Delhi (nguồn: RT):

Trong thời gian phong tỏa vì dịch COVID-19 vào tháng 3, bầu trời tại New Delhi chuyển trong xanh và người dân tại bang miền Bắc Punjab lần đầu tiên trong nhiều thập niên có thể nhìn thấy cả dãy Himalaya cách đó 160 km. Dữ liệu cho thấy mức ô nhiễm tại New Delhi đã giảm khi các nhà máy đóng cửa và đường xá vắng người qua lại.

Nhưng tình trạng này lại không kéo dài, đặc biệt từ khi Ấn Độ dỡ bỏ phong tỏa vào đầu mùa Hè. Ngày 20/10, chất lượng không khí tại New Delhi chạm mức tồi tệ nhất kể từ tháng 2.

Mối đe dọa kép

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Ấn Độ. Ảnh: CNN

Bác sĩ Suranjit Chatterjee tại bệnh viện Indraprastha Apollo ở New Delhi cho biết: “Khi dịch COVID-19 vẫn hoành hành trên toàn thế giới và ô nhiễm không khí tiếp tục tăng, chắc chắn có nguy cơ ca mắc COVID-19 nghiêm trọng hơn”.

Đại học Harvard trong mùa Xuân năm nay đã công bố nghiên cứu cho thấy tại hơn 3.000 hạt khắp nước Mỹ, nơi có mức ô nhiễm cao hơn thường có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao.

Bác sĩ Suranjit Chatterjee cũng cảnh báo về mối liên kết này, ô nhiễm không khí có thể gây bệnh tim, tiểu đường, hen suyễn… tăng nguy cơ tử vong đối với bệnh nhân COVID-19. Ngoài ra, bác sĩ Suranjit Chatterjee cũng nhận định rằng ô nhiễm không khí còn gây tổn hại đến hệ miễn dịch của con người.

Nhưng tình thế vẫn chưa đến mức quá cực đoan khi người dân đã chuẩn bị tốt hơn trong mùa Đông năm nay bởi họ đeo khẩu trang và áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Điều này bảo vệ họ khỏi ô nhiễm và COVID-19.

Nhà hoạt động xã hội Vimlendu Jha tại New Delhi nhận định: “Các bệnh viện đang chật vật vì COVID-19. Nếu có thêm bệnh nhân mới, người cao tuổi và trẻ nhỏ nhập viện vì vấn đề hô hấp liên quan đến ô nhiễm không khí thì đây thực sự là khủng hoảng lớn”.

Giải pháp của chính phủ

Chú thích ảnh
Người nông dân đốt rơm rạ trên cánh đồng. Ảnh: CNN

Chính phủ Ấn Độ đang tìm cách xử lý cả 2 mối nguy hại này. Thống đốc New Delhi Arvind Kejriwal đã công bố “cuộc chiến chống ô nhiễm”. Ngày 5/10, ông Arvind Kejriwal nói: “Đặc biệt năm nay có COVID-19, vì trẻ em, gia đình, chúng ta phải giảm ô nhiễm. Phổi chịu nhiều ảnh hưởng bởi virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) do vậy ô nhiễm có thể là ‘tự sát’ đối với căn bệnh như vậy”.

Giới chức Delhi đã thành lập đơn vị giám sát biện pháp kiểm soát ô nhiễm. Họ cũng thiết lập ứng dụng di động cho công dân khiếu nại, đưa ra thước đo để giảm bụi xây dựng. Chính quyền Delhi cũng chi 200 triệu rupee để xây 2 tòa tháp đóng vai trò như “máy lọc không khí khổng lồ”. Thống đốc Arvind Kejriwal cho biết 2 tòa tháp này sẽ được hoàn thành trong 10 tháng tới và nếu có hiệu quả sẽ xây dựng thêm nhiều tòa tháp khác.

Chính phủ Ấn Độ cũng thông báo biện pháp chống ô nhiễm mới trong tháng 10 như đóng cửa một số nhà máy năng lượng, cấm sử dụng dầu đốt lò trong một số ngành công nghiệp nhất định.

Hà Linh/Báo Tin tức
Gần 500.000 trẻ sơ sinh trên thế giới tử vong do không khí ô nhiễm
Gần 500.000 trẻ sơ sinh trên thế giới tử vong do không khí ô nhiễm

Trong năm 2019, ô nhiễm không khí đã cướp đi sinh mạng của 476.000 trẻ sơ sinh trên toàn thế giới, trong đó Ấn Độ và vùng Nam sa mạc Sahara ở châu Phi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN