Áp lực với đồng USD thúc đẩy Mỹ hàn gắn quan hệ với Trung Quốc?

Các nhà phân tích cho rằng Ngoại trưởng Antony Blinken có thể đã tìm cách cải thiện quan hệ với Bắc Kinh vì Washington đang cảm thấy áp lực từ việc Trung Quốc rút hỗ trợ đồng USD và Chính phủ Mỹ đang đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách khổng lồ.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP

Theo đài Sputnik (Nga) trong hai ngày 18 và 19/6, Ngoại trưởng Blinken đã đến Trung Quốc để hội kiến với Chủ tịch Tập Cận Bình, làm việc với Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị, và các quan chức cấp cao khác. Trong chuyến thăm, ông Blinken đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các kênh liên lạc mở, khẳng định “Mỹ sẽ quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm để mối quan hệ không dẫn đến xung đột”.

Ông Alex Krainer, người sáng lập Krainer Analytics, nhận định Mỹ đang cảm thấy áp lực và có lẽ cần phải xoa dịu căng thẳng với Trung Quốc. Ông lập luận rằng giờ đây, Trung Quốc và Nga đang thúc đẩy chuyển sang sử dụng đồng nội tệ trong thương mại và điều này có thể dẫn đến việc nhiều quốc gia khác từ bỏ đồng USD, gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính lớn ở Mỹ.

“Nếu Trung Quốc tiếp tục phá giá trái phiếu kho bạc Mỹ, họ có thể khiến trái phiếu giảm giá, đẩy lãi suất lên cao hơn và gây ra làn sóng bán tháo ở các quốc gia khác. Đây là một trong những rủi ro lớn nhất mà Mỹ đang phải đối mặt”, ông Krainer nói.

Theo ông Ivan Eland, Giám đốc Trung tâm hòa bình và tự do thuộc Viện Độc lập có trụ sở tại Mỹ, chuyến thăm Trung Quốc của ông Blinken nhằm ngăn chặn mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh xấu đi hơn nữa.

“Chính quyền của Tổng thống Joe Biden lo ngại quan hệ của Mỹ với Trung Quốc đang chìm xuống mức nguy hiểm. Cuộc gặp của ông Blinken với Chủ tịch Tập Cận Bình rất đáng chú ý, dù không tạo ra nhiều đột phá hữu hình, nhưng dường như nó đã ngăn chặn sự rơi tự do trong quan hệ song phương”, ông Ivan nhận định .

Ông Eland cảnh báo mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tan băng nhẹ, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy đột phá lớn trong việc xoa dịu các “nguyên nhân gốc rễ” khiến quan hệ hai bên đi xuống.

“Hiện tại có khả năng quan hệ kinh tế Mỹ - Trung sẽ cải thiện hơn. Tuy nhiên, vẫn chưa có thỏa thuận nào của Trung Quốc về việc cải thiện quan hệ giữa quân đội với quân đội - bao gồm cả việc giảm xung đột trong các hoạt động quân sự”, ông Eland bình luận.

Nhà xuất bản Tạp chí Nghiên cứu Xu hướng và cựu Giám đốc Quỹ phòng hộ Phố Wall Gerald Celente cho biết Mỹ phải xuống thang trước áp lực của Trung Quốc vì họ cho rằng kinh doanh quan trọng hơn là “đẩy mạnh xung đột”.

Về tương lai, ông Michael Brenner, Giáo sư chuyên nghiên cứu các vấn đề quốc tế thuộc trường Đại học Pittsburgh, tin rằng sẽ không có cuộc đối thoại nghiêm túc nào nếu Mỹ tiếp tục “cuộc chiến” kinh tế chống lại Trung Quốc. Song ông Brenner cho hay dù nỗ lực đó đòi hỏi Mỹ phải có cách tiếp cận mới, phe diều hâu trong Quốc hội và Nhà Trắng sẽ tiếp tục đi theo đường lối cũ.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Sputnik)
Trung Quốc vẫn chưa chấp thuận khôi phục liên lạc quân sự với Mỹ
Trung Quốc vẫn chưa chấp thuận khôi phục liên lạc quân sự với Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kết thúc chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 2 ngày trong đó ông và Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết ổn định mối quan hệ Washington-Bắc Kinh. Nhưng Trung Quốc đã khước từ đề nghị của Mỹ về khôi phục liên lạc giữa quân đội hai nước để giảm thiểu rủi ro hiểu nhầm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN