Australia cho phép mở rộng khu vực thăm dò dầu khí ngoài khơi

Chính phủ Australia thông báo cho phép ngành công nghiệp dầu khí nội địa được mở rộng diện tích thăm dò dầu khí trong một khu vực rộng 46.758 km2 ở ngoài khơi bang Tây Australia, Victoria và các quần đảo Ashmore và Cartier.

Chú thích ảnh
Một cơ sở khai thác dầu khí ngoài khơi bờ biển phía tây bắc Australia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Tuần lễ Tài nguyên bang Tây Australia ở thành phố Darwin hôm 24/8, Bộ trưởng Tài nguyên Madeleine King cho biết dầu khí là nguồn tài nguyên rất quan trọng đối với nền kinh tế “xứ chuôt túi”, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn cung nhiên liệu thế giới ngày càng khan hiếm. Việc cho phép mở rộng các khu vực thăm dò dầu khí ngoài khơi là giải pháp hỗ trợ mà Canberra duy trì hàng năm, dành cho lĩnh vực dầu khí quốc gia, để đảm bảo tính đầu tư liên tục cho ngành này.

Bà King nhấn mạnh mặc dù xác định hoạt động thăm dò dầu khí ở các vùng biển của Australia là trọng tâm để giảm bớt sự thiếu hụt khí đốt nội địa trong tương lai, nhưng ngành công nghiệp dầu khí nói riêng và các ngành công nghiệp khai khoáng nói chung cần chú trọng tới mục tiêu giảm lượng khí phát thải để bảo vệ môi trường.

Cũng trong hội nghị này, Bộ trưởng King đã công bố hai “giấy phép lưu trữ carbon” mới dành cho các nhà khai thác dầu khí lớn nhất của Australia, bao gồm Tập đoàn Woodside Energy và Liên doanh Inpex. Ngoài ra sẽ có ba giấy phép khác dự kiến sẽ sớm được cấp cho các dự án khai thác năng lượng khác trong vài ngày tới.

Bà khẳng định đây là “tấm giấy thông hành” cho phép Woodside Energy và Inpex thúc đẩy các dự án thu giữ và lưu trữ carbon ngoài khơi (CCS). Hai tập đoàn này là nhà tiên phong trong việc giải quyết vấn đề vận chuyển khí đốt an toàn và “sạch”. Họ có đủ năng lực để khám phá tiềm năng của hoạt động CCS tại Australia.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài nguyên Australia cũng lưu ý CCS không phải là giải pháp toàn diện cho mục tiêu giảm khí phát thải. Đây chỉ là một trong nhiều phương tiện để Canberra hướng tới mục tiêu đưa khí phát thải ròng về 0 vào năm 2050, theo cam kết của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Bà King cho biết các dự án năng lượng tái tạo tiếp tục là một phần chính trong nỗ lực của Chính phủ, nhằm đạt được mục tiêu giảm 43% lượng khí thải vào năm 2030 và tiến tới mức phát thải ròng 0% vào năm 2050. Mục tiêu này đã nhận được sự hoan nghênh của các công ty tài nguyên và Woodside Energy cũng như nhiều công ty khai khoáng khác đều đang nỗ lực xây dựng các chương trình giảm khí phát thải thông qua nhiều biện pháp khác nhau.

Diệu Linh (P/v TTXVN tại Sydney)
Tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới sẽ tăng mạnh công suất
Tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới sẽ tăng mạnh công suất

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng khổng lồ Saudi Aramco của Saudi Arabia, ông Amin Nasser cho biết Aramco dự kiến từ năm 2025 sẽ tăng đáng kể công suất sản xuất với mục tiêu đạt 13 triệu thùng/ngày vào năm 2027, trong bối cảnh công suất dự phòng của thế giới ngày càng sụt giảm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN