Australia thuê cựu Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ xây dựng chiến lược an ninh mạng

Chính phủ Australia đã thuê cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kirstjen Nielsen tham gia xây dựng chiến lược an ninh mạng của nước này.

Chú thích ảnh
Bà Kirstjen Nielsen giữ chức Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ tới tháng 4/2019 trước khi nhận lời làm cố vấn về an ninh mạng cho chính phủ Australia. Ảnh: Bloomberg/Getty Images

Tờ The Australian ngày 24/6 dẫn xác nhận từ Văn phòng Bộ Nội vụ Australia cho biết, từ tháng 12/2018, cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kirstjen Nielsen đã được chính phủ Australia thuê làm cố vấn để cùng với Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Công nghiệp của chính phủ Australia, Andy Penn xây dựng Chiến lược An ninh mạng 2020. Ông Andy Penn cũng chính là Giám đốc điều hành của tập đoàn viễn thông Telstra.

Trong vai trò này, bà Kirstjen Nielsen đã phối hợp chặt chẽ với các chính trị gia Australia, các quan chức an ninh quốc gia, và còn tham dự cuộc họp với nhóm tình báo Five Eyes (Ngũ nhãn) do Bộ trưởng Nội vụ Australia Peter Duttton chủ trì tại Gold Coast vào năm 2018.

Bà Kirstjen Nielsen được chỉ định làm Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ vào cuối năm 2017. Bà được cho là một trong những nhân vật đi đầu trong chiến dịch của Mỹ nhằm vận động thế giới chống lại tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc.

Theo tờ Daily Mail (Anh), đầu năm 2018, Kirstjen Nielsen từng vận động hành lang Thủ tướng Australia khi đó là Malcolm Turnbull cấm Huawei triển khai công nghệ di động 5G tại nước này. Bà Nielsen đã rời vị trí Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ vào tháng 4/2019, và cuối năm đó nhận lời làm cố vấn cho chính phủ Australia.

Chú thích ảnh
Bà Kirstjen Nielsen, cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ, hiện đang làm cố vấn về an ninh mạng cho chính phủ Australia. Ảnh: AP

Trong thông báo của mình, Người phát ngôn của Bộ trưởng Nội vụ Australia Peter Dutton khẳng định: “Với kinh nghiệm làm việc trong vị trí bảo vệ chính quyền Mỹ và cũng như các hạ tầng cơ sở quan trọng tại Mỹ trước những vụ tấn công mạng, bà Kirstjen Nielsen cung cấp nhiều thông tin về an ninh mạng cho Hội đồng cố vấn Công nghiệp của Australia. Bà Nielsen cũng cung cấp những hiểu biết có giá trị về cách thức Australia có thể hợp tác với các đối tác quốc tế trong việc giải quyết các mối đe dọa an ninh mạng toàn cầu từ một số quốc gia và tổ chức tội phạm”.

Hiện tại, Hội đồng Cố vấn Công nghiệp Australia đang soạn thảo Chiến lược An ninh mạng 2020 và dự kiến công bố vào tháng 10/2020. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp của Australia đã đề nghị Hội đồng này nâng cấp hạ tầng an ninh mạng và xây dựng năng lực mạnh hơn nữa để có thể bảo vệ các doanh nghiệp cũng như người dân Australia.

Thủ tướng Australia Scott Morrison hôm 19/6 đã có bài phát biểu cảnh báo về “một diễn viên tinh vi được nhà nước hậu thuẫn” đang tiến hành tấn công mạng nhằm vào các công ty, bệnh viện, trường học và quan chức chính phủ. Ông Morrison không nêu tên Bắc Kinh đứng sau cuộc tấn công mạng này nhưng các chuyên gia tình báo đã nhanh chóng cho rằng Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Australia, phải chịu trách nhiệm, cho rằng đó là hành động trả đũa lệnh cấm Huawei lắp đặt 5G tại Australia.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Scott Morrison thông báo Australia đang hứng chịu một cuộc tấn công mạng trên một loạt lĩnh vực, nhưng ông không nêu cụ thể thủ phạm. Ảnh: Sky news

Việc thuê bà Nielsen được Chính phủ Australia cho công bố sau khi cuộc thăm dò do Viện Lowy tiến hành cho thấy chỉ 23% người Australia tin tưởng Trung Quốc, bằng một nửa so với năm trước.
Tờ Daily Mail cho hay, chính phủ của cựu Thủ tướng Julia Gillard từng cấm Huawei lắp đặt Mạng băng thông rộng quốc gia vào tháng 3/2012.

Giám đốc Chiến lược an ninh quốc gia của Viện Chiến lược Australia Michael Shoebridge cho rằng luật pháp Trung Quốc buộc các công ty công nghệ hợp tác với các cơ quan chính phủ cho các mục đích thu thập thông tin tình báo. 'Thực tế là một diễn viên nhà nước tinh vi, gần như chắc chắn là Bắc Kinh, đang tiến hành các cuộc tấn công mạng dai dẳng chống lại một loạt các tổ chức của Australia trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quan trọng của Australia', ông Shoebridge phát biểu với tờ Daily Mail Australia.

Ông Shoebridge cũng cho biết những tiết lộ của những ngày gần đây đã chứng minh cho sự đúng đắn của lệnh cấm Huawei tham gia lắp đặt mạng 5G tại Australia vào năm 2018, một chính sách mà Mỹ cũng tiến hành.

Hiện tại Bắc Kinh chưa đưa ra bình luận chính thức về phát ngôn của Thủ tướng Morrison cũng như Giám đốc Chiến lược an ninh quốc gia của Viện Chiến lược Australia.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Mỹ nới lỏng quy định hợp tác với Huawei về các tiêu chuẩn 5G
Mỹ nới lỏng quy định hợp tác với Huawei về các tiêu chuẩn 5G

Mỹ đang nới lỏng quy định để các công ty nước này có thể hợp tác với Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc vốn được Washington đưa vào "danh sách đen", nhằm thiết lập những tiêu chuẩn cho mạng lưới 5G. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN