Bùng nổ nạn tảo hôn tại Bangladesh do đại dịch COVID-19

Bangladesh đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ các cuộc hôn nhân ở tuổi vị thành niên trong bối cảnh đại dịch COVID-19, khi các gia đình nghèo khó buộc phải ép con gái của họ kết hôn để giảm áp lực tài chính.

Chú thích ảnh
Sharolika Parvin, 16 tuổi, đã kết hôn vào đầu năm nay. Ảnh: Handout

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Sharolika Parvin - 16 tuổi, sống tại Kurigram, một huyện biên giới ở Bangladesh - rất thích chơi bóng đá và đã tham gia nhiều cuộc thi đấu cấp quốc gia. Ba năm trước, Sharolika thậm chí còn được vinh danh là cầu thủ xuất sắc nhất giải bóng đá học sinh Bangamata Gold Cup. Nhưng giờ đây, ước mơ tốt nghiệp đại học và niềm đam mê chơi bóng của cô đã tan thành mây khói.

Đầu năm nay, bố mẹ của Sharolika đã gả cô cho một thợ cơ khí 17 tuổi. Chồng của Sharolika không cho phép cô tiếp tục chơi bóng và sẽ sớm đưa cô đến thủ đô Dhaka, gần nơi làm việc của anh, để sinh sống.

“Tình trạng tài chính của cha mẹ tôi trở nên tồi tệ trong thời kỳ dịch COVID-19. Không ai giúp chúng tôi cả. Vì vậy, họ đã ép tôi kết hôn”, Sharolika nói.

Cha của Sharolika,  Shahidul Islam, một nông dân, cho biết ông đang phải vật lộn để nuôi sống gia đình trong thời kỳ đại dịch bùng phát: “Tôi phải nuôi 2 người con trai nữa. Con gái kết hôn đã giúp tôi giảm bớt áp lực tài chính”.

Tại ngôi làng hẻo lánh nơi Sharolika sinh sống, ít nhất 6 thiếu niên khác chơi bóng cùng cô cũng đã kết hôn trong năm nay. Những câu chuyện tảo hôn trong thời kỳ đại dịch cũng đã xuất hiện ở nhiều khu vực khác trên khắp đất nước.

Rumi, 15 tuổi, sống tại quận Rajbari, miền trung Bangladesh, đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở hồi tháng 2. Nếu không phải vì đại dịch, bây giờ cô đã lên cấp 3. Thay vào đó, Rumi đã trở thành “cô dâu nhí” và đang sống với bố mẹ chồng.

Đại dịch COVID-19 lần đầu tấn công Bangladesh hồi tháng 3/2020. Vào thời điểm đó, tất cả các trường học đã phải đóng cửa trong đợt phong toả đầu tiên. Bằng cách nào đó, nền kinh tế của nước này đã vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về sự sụp đổ kinh tế, ngành giáo dục của Bangladesh đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng.

Nạn tảo hôn bùng nổ 

Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Brac, một trong những tổ chức phi chính phủ lớn nhất của đất nước, trong thời gian các cơ sở giáo dục đóng cửa, Bangladesh đã chứng kiến tỉ lệ tảo hôn tăng ít nhất 13%.

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) cũng cho biết Bangladesh là một trong 10 quốc gia có tỉ lệ tảo hôn cao nhất thế giới. Đất nước này cũng là quê hương của khoảng 38 triệu "cô dâu nhí", những đứa trẻ dưới tuổi vị thành niên, với tỉ lệ tảo hôn cao trên 50%.

Chú thích ảnh
Unicef cho biết trên 50% trẻ em gái ở Bangladesh kết hôn trước 18 tuổi. Ảnh: Twitter

Manusher Jonno Foundation, một tổ chức phi chính phủ khác, cho biết đã có 13.886 cuộc hôn nhân trẻ em ở 84 trong số 495 khu vực hành chính của đất nước trong 7 tháng đầu tiên của đại dịch. Gần một nửa trong số những người đã kết hôn chỉ ở độ tuổi 10-15.

Hôn nhân trẻ em không chỉ là vấn nạn nổi cộm ở Bangladesh mà còn trên khắp Nam Á. Tháng 10 năm ngoái, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã ghi nhận 191.000 trường hợp tảo hôn xảy ra ở khu vực trong năm 2020.

Bà Sabina Ferdous, Phó thư ký Bộ Phụ nữ và Trẻ em Bangladesh, cho biết bộ không có dữ liệu về sự gia tăng các cuộc tảo hôn, giới chức chỉ theo dõi số lượng các cuộc tảo hôn đã được ngăn chặn. Bà Ferdous nói rằng tỉ lệ ngăn chặn các cuộc tảo hôn đã tăng lên trong dịch COVID-19. Điều này cho thấy các cuộc hôn nhân trẻ em đã gia tăng vào thời kỳ này.

Dữ liệu của Brac cũng chỉ ra xu hướng trẻ em kết hôn tăng vọt. Tổ chức đã ngăn chặn 670 cuộc hôn nhân trẻ em vào năm 2019 và 1.091 cuộc hôn nhân vào năm 2020.

Tỉ lệ bỏ học cũng tăng cao

Tuy nhiên, sự gia tăng các cuộc tảo hôn không phải là vấn đề duy nhất mà Bangladesh đang phải đối mặt. Tỉ lệ bỏ học ở cấp trung học cơ sở của nước này là 36% trước đại dịch. Nhưng năm 2020, Mạng lưới Mô hình Kinh tế Nam Á (Sanem) phát hiện ra rằng trên 45% học sinh cấp 2 có nguy cơ không đi học lại nếu trường học mở cửa sau tháng 8. Hiện các trường học vẫn đóng cửa.

Bộ Giáo dục Bangladesh đang do dự về việc mở cửa trở lại các trường học khi đất nước hiện phải đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ 3. Các nhà khoa học lo ngại việc nghỉ học vô thời hạn sẽ làm tăng tỉ lệ học sinh bỏ học. Theo báo cáo của WB, tình trạng bỏ học dự kiến sẽ tăng đáng kể, ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất. 

“Tác động kinh tế là rất lớn. Chúng tôi gọi giai đoạn mà Bangladesh đang trải qua hiện nay là
lợi tức dân số. Nếu chúng ta phải đối mặt với đòn giáng mạnh vào giáo dục trong giai đoạn này, khi các hộ gia đình tiếp tục áp dụng tảo hôn như một chiến lược đối phó khó khăn, bằng cách tước đi quyền được giáo dục của trẻ em gái, tiềm năng và năng lực của các em sẽ bị mất đi. Điều này sẽ gây tổn thất lớn về năng suất và nguồn nhân lực của cả một thế hệ”, Giáo sư Selim Raihan, Giám đốc điều hành Sanem, nhận định.

Chú thích ảnh
 Hôn nhân trẻ em đang là một vấn đề nhức nhối trên khắp Nam Á. Ảnh: Shutterstock

Về biện pháp đối phó, ông Raihan cho hay lẽ ra Bangladesh cần phải có bảo trợ xã hội nhắm vào giáo dục và các chương trình bảo vệ đặc biệt lấy tảo hôn làm trọng tâm, nhưng nước này chưa đưa ra các biện pháp như vậy. 

“Đó là lý do tại sao tôi lo sợ tác động tiêu cực của điều này đến nền kinh tế sẽ rất lớn”, ông nói.

Trở về vạch xuất phát

Tiến sĩ Umme Busra Fateha Sultana, Chủ nhiệm Khoa Phụ nữ và Giới tại Đại học Dhaka, cho biết đại dịch đã phá hỏng những tiến bộ mà Bangladesh đạt được trong việc ngăn chặn nạn tảo hôn.

“Chúng tôi sẽ phải bắt đầu lại các nỗ lực của mình từ đầu với sự chuẩn bị kỹ càng và mạnh mẽ hơn để ngăn chặn xu hướng tảo hôn trong đại dịch”, bà nói.

Bà Sultana cho biết rằng cha mẹ hoặc người giám hộ dễ dàng cho con gái của họ kết hôn sớm vì họ không đăng ký khai sinh đúng tuổi, điều này giúp che giấu tuổi thật của các bé gái. Thực trạng này cũng cho thấy số lượng các cuộc hôn nhân trẻ em thực tế cao hơn gấp 5 lần so với những cuộc hôn nhân được đưa ra ánh sáng.

Cầu thủ bóng đá đầy khát vọng Sharolika Parvin trả lời phỏng vấn khi bố chồng cô đứng cạnh. Nhiều câu trả lời của Sharolika cũng phải thông qua chồng của cô ấy.

“Tôi 18 tuổi,” Sharolika nói. Nhưng khi được hỏi về ngày sinh của mình, cô lại trả lời là ngày 25/12/2005, nghĩa là Sharolika thực sự chỉ 16 tuổi. Vẻ thất vọng hiện rõ trên khuôn mặt cô.

“Các bạn của tôi sẽ chơi trong giải bóng đá thiếu niên U17 vào năm nay,” Sharolika nói sau khoảng thời gian trầm ngâm. “Nhưng chồng của tôi không cho tôi chơi bóng nữa. Nếu họ không cho phép tôi chơi bóng hay đi học, tôi có thể làm được gì? ”

Hải Vân/Báo Tin tức
Thế giới tuần qua: Cuộc chiến chống COVID-19 thay đổi; Lũ lụt nghiêm trọng tại châu Á
Thế giới tuần qua: Cuộc chiến chống COVID-19 thay đổi; Lũ lụt nghiêm trọng tại châu Á

Tuần qua, dư luận thế giới đặc biệt chú ý đến tuyên bố của giới chức Mỹ rằng cuộc chiến chống COVID-19 đã thay đổi do biến thể Delta, cùng với tình trạng mưa lũ khiến hàng trăm người thiệt mạng ở châu Á. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN