Các bà mẹ đơn thân Trung Quốc đấu tranh giành quyền lợi

Li Meng là một người mẹ tận tâm cố gắng chăm nuôi con gái 2 tuổi. Tuy nhiên, giống như hàng triệu người mẹ đơn thân khác tại Trung Quốc, Li Meng đối mặt với nhiều bất lợi như không được hưởng trợ cấp thai sản.

Chú thích ảnh
Theo mọt báo cáo năm 2019, Trung Quốc hiện có trên 19 triệu bà mẹ đơn thân. Ảnh: AFP 

Không được hưởng chế độ nghỉ thai sản vì chưa kết hôn, Li Meng buộc phải nghỉ việc trong ngành bất động sản. Li Meng cũng cho biết chính mẹ cô còn phản đối việc cô trở thành mẹ đơn thân vì cho rằng điều này không chấp nhận được đối với một gia đình truyền thống tại Trung Quốc.

Hãng thông tấn AFP (Pháp) cho biết vào năm 2016, chính phủ Trung Quốc đã loại bỏ chính sách một con và khuyến khích người dân sinh con do tỷ lệ sinh tại nước này giảm mạnh, dẫn đến nguy cơ già hóa dân số kéo theo nhiều hệ lụy. Nhưng những chính sách phúc lợi như nghỉ thai sản hưởng lương và bảo hiểm y tế vẫn chỉ dành cho phụ nữ đã có gia đình.

Khi Li Meng cố gắng đảm bảo quyền thai sản của mình, cô đã bị cản trở vì không có giấy đăng ký kết hôn. Điều này buộc cô phải tìm đến nhiều cơ quan chính phủ. Cô nói: “Dường như họ đang đẩy trách nhiệm cho lẫn nhau”. Quá thất vọng, Li Meng quyết định đệ đơn lên tòa án.

Báo cáo năm 2019 của cơ quan nghiên cứu trực thuộc chính phủ Trung Quốc ước tính nước này có trên 19 triệu bà mẹ đơn thân, bao gồm cả những người đã ly hôn hoặc góa phụ.

Luật sư Dong Xiaoying, người hình thành một mạng lưới hỗ trợ các bà mẹ đơn thân, đánh giá họ mắc kẹt bởi các quy tắc và giới hạn. Bà nói: “Không có luật trực tiếp nào xác định sinh con ngoài giá thú là bất hợp pháp... nhưng cũng không có khẳng định rõ ràng”.

Điều này khiến những người mẹ đơn thân mắc kẹt trong những cách giải thích khác nhau của các cấp chính quyền địa phương. Năm 2017, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thậm chí tuyên bố rằng sinh con ngoài giá thú là "chống lại trật tự công cộng và chống lại đạo đức".

Phải đến năm 2016, con cái của những ông bố bà mẹ đơn thân cuối cùng cũng được phép đăng ký hộ khẩu tại địa phương, điều rất cần thiết để được tiếp cận với các dịch vụ như giáo dục và y tế.

Chú thích ảnh
Trung Quốc đã loại bỏ chính sách một con vào năm 2016. Ảnh: AFP

Tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC), đã có 2 đại biểu lên tiếng đề nghị có biện pháp hỗ trợ cho các bà mẹ đơn thân. Tuy nhiên, chưa rõ liệu điều này có tạo được tác động. Luật sư Dong Xiaoying nhận định rằng thay đổi văn hóa cơ bản là điều cần thiết và không thể thay đổi tất cả cùng một lúc.

Nhiều bà mẹ đơn thân Trung Quốc đã tìm được cảm hứng từ câu chuyện của vận động viên giành huy chương vàng tại Olympic mùa Đông Bắc Kinh Eileen Gu. Mẹ của Eileen Gu là bà Yan Gu đã tự nuôi dậy con gái thành công. Bà Yan Gu đã trở thành tấm gương với các bà mẹ đơn thân tại Trung Quốc về sự thành công mà con cái họ có thể đạt được.

Chính phủ Trung Quốc còn hướng đến khuyến khích người dân lập gia đình và sinh con sau khi nước này vào năm 2020 ghi nhận tỷ lệ đăng ký kết hôn thấp nhất trong 17 năm.

Theo dữ liệu điều tra dân số được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vào đầu năm 2022, tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm năm thứ 5 liên tiếp, xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2021, với chỉ 10,62 triệu ca sinh, giảm 11,6% so với năm 2020. Số ca sinh gần như không cao hơn số người tử vong, khiến dân số nước này chỉ tăng 480.000 người, lên 1,4126 tỷ người. Với đà hiện tại, tốc độ già hóa dân số ở Trung Quốc sẽ vượt qua tốc độ già hóa dân số ở Nhật Bản vào năm 2025.

Hà Linh/Báo Tin tức
Trung Quốc dỡ bỏ phong tỏa một phần thành phố Thâm Quyến
Trung Quốc dỡ bỏ phong tỏa một phần thành phố Thâm Quyến

Tối 17/3, chính quyền thành phố Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông (miền Nam Trung Quốc) đã nới lỏng một phần các biện pháp phong tỏa, sau khi Chủ tịch nước này Tập Cận Bình nhấn mạnh tới sự cần thiết phải “giảm thiếu tối đa tác động” của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN