Các nhà tù ở Mỹ tận dụng sức lao động của tù nhân như thế nào?

Mức lương rẻ mạt, lợi nhuận cao, không phải lo bảo hiểm y tế là những lợi ích mà các doanh nghiệp và chính phủ Mỹ thu được từ việc tận dụng lao động là tù nhân. Tuy nhiên nhiều ý kiến đánh giá đây thực chất là một hình thức nô lệ.

Cây bút Vijay Das tại Washington và ông David A Love là nhà báo tự do, trợ giảng tại Trường Thông tin và Truyền thông thuộc Đại học Rutgers (Mỹ) đã đưa ra những nhận định liên quan tới hiện trạng này trên tờ Al Jazeera (Qatar).

Tù nhân lắp đặt ống nước trong một dự án lao động tại California năm 2014. Ảnh: Reuters

Quốc hội Mỹ vào năm 1979 đã ban hành Chương trình Nâng cao Chứng nhận Công nghiệp Nhà giam trong đó cho phép các công ty Mỹ sử dụng tù nhân làm lao động. Với số lượng tù nhân tăng mạnh trong thời kỳ này, các công ty tham gia chương trình đã thu được lợi nhuận và chính phủ Mỹ cũng có nguồn tiền mới về cho ngân khố.

Hiện tại, Cục nhà giam Liên bang Mỹ đã thực hiện chương trình có tên Công nghiệp Nhà giam Quốc gia (UNICOR) theo đó trả cho mỗi tù nhân 1 USD/giờ lao động. Chương trình đã thu được 500 triệu USD trong năm 2016 với phần nhỏ số tiền được chuyển đến tay các tù nhân.

Các chương trình tại tiểu bang cũng diễn ra tình trạng tương tự. Điển hình là chương trình lao động trong nhà giam tại California cũng dự kiến tạo ra doanh thu 232 triệu USD trong năm 2017.

Mặc dù Tu chính án thứ 13 của Mỹ cấm tình trạng nô lệ dù là chủ đích hay vô tình nhưng vẫn tồn tại một ngoại lệ cho phép tù nhân trở thành lao động.

Trong cuộc nội chiến Mỹ (1861-1865), kinh tế ở khu vực miền Nam (phe thất bại) gặp nhiều khó khăn. Với chế độ nô lệ bị bãi bỏ, nguồn lao động rẻ trở thành nhu cầu cấp thiết, từ đó hệ thống cho thuê tù nhân đã được sáng tạo. Các bang để tù nhân làm việc tại đường ray, mỏ than, đồn điền trong khi chủ thầu mua và bán những hợp đồng cho thuê này.

Với số vốn đầu tư ít và không cần phải quan tâm tới sức khỏe của tù nhân, hệ thống này đã trở thành nguồn lợi nhuận cao cho các tiểu bang và nhà kinh doanh. Tới nay, nhiều hố chôn bí mật thi thể tù nhân bị tra tấn hoặc đánh đến chết trong thời kỳ đó đã được phát hiện tại Mỹ.

Ngày nay, lao động trong nhà giam được coi là ngành công nghiệp tỉ USD với cái bắt tay của nhiều tập đoàn và thương hiệu nổi tiếng. Đơn cử, chuỗi siêu thị Walmart đã mua nhiều nông phẩm từ trang trại nơi nữ tù nhân làm việc với mức lương thấp. Hay hãng đồ ăn nhanh McDonald cấp cho nhân viên đồng phục được sản xuất bởi các tù nhân.


UNICOR quản lý 83 nhà máy và hơn 12.000 lao động là tù nhân trong đó họ nhận được 23 cent cho một giờ làm việc tại trung tâm chăm sóc khách hàng, cơ sở sản xuất hàng hóa... Trong năm 2013, tù nhân liên bang đã sản xuất số quân phục trị giá 100 triệu USD.

UNICOR từng cung ứng lao động tù nhân để sản xuất bộ phận tên lửa Patriot cho các nhà thầu quốc phòng Raytheon và Lockheed Martin, bên cạnh đó là các thiết bị cho Boeing. Những cái tên khác được nhắc tới là Starbucks, AT&T, Target và Nordstrom.

Nhiều ý kiến đã phản đối bản chất của hệ thống nhà tù Mỹ và gọi đây là trại nô lệ.

Hà Linh/Báo Tin Tức
Nghi phạm IS ngộp thở trong nhà tù, 8 tháng mới thấy Mặt Trời một lần
Nghi phạm IS ngộp thở trong nhà tù, 8 tháng mới thấy Mặt Trời một lần

Các nghi phạm IS ở Iraq bị nhồi nhét vào các trại giam chật chội, nóng bức tới 45 độ C và có người sau 8 tháng bị giam mới nhìn thấy ánh Mặt Trời một lần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN