Cặp oanh tạc cơ hạt nhân Nga 'khoá chặt' bầu trời Belarus giữa căng thẳng Ukraine

Quân đội Nga đã điều một cặp máy bay ném bom hạt nhân tầm xa Tu-22M3 tuần tra bầu trời đồng minh Belarus trong bối cảnh căng thẳng gia tăng liên quan đến Ukraine.

Chú thích ảnh
Ngày 5/2, cặp máy bay ném bom hạt nhân tầm xa Tu-22M3 đã tiến hành sứ mạng tuần tra bầu trời Belarus. Ảnh minh hoạ

Theo ABC News, Bộ Quốc phòng Nga cho biết hai máy bay ném bom Tu-22M3 đã thực hành tương tác với lực lượng phòng không và không quân Belarus trong nhiệm vụ kéo dài 4 giờ đồng hồ vào ngày 5/2. Chuyến bay này diễn ra sau một số cuộc tuần tra tương tự trên bầu trời Belarus, quốc gia có chung biên giới với Ukraine về phía bắc.

Sứ mạng mới nhất diễn ra sau khi Điện Kremlin điều chuyển quân từ Siberia và Viễn Đông tới Belarus để tiến hành các cuộc tập trận chung. Hoạt động triển khai này đã tăng cường thêm lực lượng Nga gần Ukraine, làm dấy lên lo ngại của phương Tây về một “cuộc xâm lược” bất chấp Điện Kremlin liên tục bác bỏ.

Nga đã phủ nhận mọi kế hoạch tấn công Ukraine, đồng thời kêu gọi Mỹ và các đồng minh đưa ra cam kết ràng buộc rằng họ sẽ không chấp nhận Ukraine gia nhập NATO, không triển khai vũ khí tấn công và sẽ rút lại các hoạt động triển khai của NATO tới Đông Âu. Washington và NATO từ chối các yêu cầu này.

Xem video cặp oanh tạc cơ Tu-22M3 tuần tra bầu trời Belarus vào tháng 11/2021 (Nguồn: Combat Approved)

Phương Tây đã kêu gọi Nga rút khoảng 100.000 binh sĩ từ các khu vực gần Ukraine, nhưng Điện Kremlin đáp trả bằng cách tuyên bố sẽ đóng quân ở bất cứ nơi nào họ cần trên lãnh thổ Nga. Trong lúc căng thẳng về Ukraine tăng cao, quân đội Nga đã tiến hành một loạt các cuộc tập trận quân sự, từ Bắc Cực đến Biển Đen.

Việc Nga triển khai quân đội đến Belarus đã làm dấy lên lo ngại ở phương Tây rằng Moskva có thể mở một cuộc tấn công vào Ukraine từ phía bắc. Thủ đô Kiev (Kyiv) của Ukraine chỉ cách biên giới Belarus 75 km.

Trong những tháng gần đây, Nga đã tiến hành một loạt cuộc tập trận chung với Belarus và liên tục cử máy bay ném bom tầm xa có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân tuần tra phía trên lãnh thổ Belarus, quốc gia có biên giới với các thành viên NATO là Ba Lan, Litva và Latvia.

Nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko cũng đã kêu gọi quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với Moskva và gần đây còn đề nghị sở hữu vũ khí hạt nhân của Nga.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với truyền hình nhà nước Nga phát sóng hôm 5/2, ông Lukashenko cho rằng liên minh an ninh do Nga dẫn đầu đã chứng tỏ khả năng triển khai nhanh chóng khi các thành viên nhanh chóng cử lực lượng vào tháng trước để giúp ổn định tình hình Belarus sau các cuộc bạo động chết người.

Chú thích ảnh
Xe tăng tham gia tập trận chung Nga-Belarus trong ảnh được Bộ Quốc phòng Nga công bố hôm 2/2/2022.

Cùng ngày 5/2, tờ Bild của Đức đã đăng một bài báo cáo buộc rằng Nga đã sẵn sàng tấn công Ukraine từ nhiều hướng, chiếm các thành phố lớn và thành lập một chính phủ bù nhìn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lập tức bác bỏ thẳng thừng những cáo buộc này.

Trong khi đó, lo ngại chiến tranh, chính quyền Ukraine đã phát động một loạt cuộc tập trận phòng thủ dân sự cho người dân.

“Tôi đến đây để học cách tự vệ, bảo vệ người thân và cũng hiểu cách hành động trong các tình huống”, Ilya Goncharov, cư dân Kiev, nói sau khi tham gia một cuộc diễn tập ở ngoại ô thủ đô Ukraine.

Giữa căng thẳng về Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điều 2.000 binh sĩ đến Ba Lan và Đức, đồng thời chuyển thêm 1.000 quân khác từ Đức sang Romania, thể hiện cam kết của Mỹ đối với sườn phía Đông của NATO.

Đầu tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã báo hiệu Moskva sẵn sàng đàm phán thêm với Washington và các đồng minh NATO. Trong một hoạt động ngoại giao cấp cao nhằm xoa dịu căng thẳng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến tới Moskva và Kiev vào ngày 7 và 8/2, trong khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ đến Kiev và Moskva vào ngày 14-15/2.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Putin dự lễ khai mạc Olympic Mùa Đông Bắc Kinh hôm 4/2 theo lời mời của nhà lãnh đạo nước chủ nhà Tập Cận Bình. Ảnh: Insider

Hôm 5/2, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có cuộc điện đàm với nhà lanh đạo Pháp Macron và “họ nhất trí rằng việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho những căng thẳng hiện tại vẫn phải là ưu tiên hàng đầu”.

Văn phòng của Thủ tướng Johnson cho biết ông và Tổng thống Pháp “cũng nhấn mạnh rằng NATO phải đoàn kết” trước Nga và “nhất trí tiếp tục phối hợp cùng nhau để đưa ra một gói trừng phạt có hiệu lực ngay lập tức nếu Nga xâm lược Ukraine.”

Trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây, Tổng thống Putin hôm 4/2 đã tham dự Lễ khai mạc Thế vận hội Mùa Đông ở Bắc Kinh và gặp gỡ nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình để củng cố quan hệ đồng minh hai nước. Trong một tuyên bố chung, ông Putin và ông Tập Cận Bình phản đối bất kỳ sự mở rộng nào của NATO đồng thời khẳng định đảo Đài Loan là một phần của Trung Quốc.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo ABC)
Nhóm lính Mỹ tăng cường đầu tiên đáp xuống châu Âu giữa căng thẳng Ukraine
Nhóm lính Mỹ tăng cường đầu tiên đáp xuống châu Âu giữa căng thẳng Ukraine

Nhóm lính Mỹ đầu tiên trong hàng ngàn quân được Tổng thống Biden cử đến để tiếp viện cho các đồng minh NATO đã đáp xuống Đức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN