Chuỗi cung ứng chip đối mặt với rủi ro khi Trung Quốc đáp trả phương Tây

Trung Quốc và phương Tây đang đẩy mạnh cuộc chiến thương mại và các công ty phải tìm cách thích nghi.

Chú thích ảnh
Mỹ và EU đã triển khai các chương trình trợ cấp trị giá hàng tỷ USD để thu hút đầu tư tư nhân từ các tập đoàn công nghệ lớn như Intel. Ảnh: AP

Ngành công nghiệp chip đang phải đối mặt với "nắng nóng mùa hè" khác: Trung Quốc và phương Tây đang tăng cường can thiệp vào chuỗi cung ứng trong lĩnh vực này. 

Từ 1/8, Trung Quốc sẽ ngừng xuất khẩu hai kim loại quan trọng để sản xuất chip – gali và germani – để trả đũa việc Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản hạn chế xuất khẩu một số máy in chip tiên tiến. Các hạn chế của Hà Lan, được công bố trước mùa hè, sẽ được áp dụng từ ngày 1/9 tới.  

Cuộc chiến thương mại "ăn miếng trả miếng" này đang diễn ra trong bối cảnh cuộc chạy đua trợ cấp toàn cầu để tái sản xuất và đảm bảo sản xuất vi mạch.

Bất chấp sự kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc đối với nguyên liệu thô - ví dụ, với 95% nguồn cung gali ban đầu của thế giới, các công ty chip vẫn khá im lặng về những biện pháp hạn chế sắp tới trong báo cáo thu nhập hàng quý gần đây.

Các nhà sản xuất chip hàng đầu của châu Âu, như NXP Semiconductors, hiếm khi đề cập đến các hạn chế nguyên liệu thô sắp tới của Trung Quốc trong các bản báo cáo thu nhập.

Cũng có sự "thờ ơ" tương tự đối với những biện pháp hạn chế của phương Tây, vốn kích động động thái đáp trả của Trung Quốc. ASML, nhà cung cấp thiết bị chip của Hà Lan, là mục tiêu chính của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Hà Lan, cho biết các biện pháp này sẽ không có "tác động đáng kể" đối với triển vọng năm 2023 của công ty, cũng như các kịch bản dài hạn.

Nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ không có bất kỳ hậu quả nào, bởi vì các nhà sản xuất gali và germani của Trung Quốc sẽ phải xin giấy phép xuất khẩu, phần lớn sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm ngặt của thủ tục cấp phép, như các nhà phân tích từ công ty nghiên cứu Wood Mackenzie đã viết trong một báo cáo vào đầu tháng 7 với tiêu đề đáng lo ngại: "Cuộc chiến chip: một dấu hiệu đang xuất hiện?".

Báo cáo viết: “Nếu quy trình cấp phép hạn chế việc cung cấp nguyên liệu thô cho các nhà sản xuất chip bên ngoài Trung Quốc, điều này sẽ ảnh hưởng đến các thị trường sử dụng cuối, chẳng hạn như xe điện”. Điều đó gợi lại ký ức về tình trạng thiếu chip vào năm 2020 và 2021, khiến thời gian chờ giao xe tăng lên.

Các quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương ở châu Âu: Đức - nhà nhập khẩu gali lớn thứ 2 sau Nhật Bản - và Hà Lan.

Tuy nhiên, một mối lo ngại lớn hơn là những hạn chế hiện tại chỉ là khởi đầu của một cuộc chiến thương mại leo thang tiếp theo. Theo báo cáo của Wood Mackenzie: “Mối lo ngại là chủ nghĩa bảo hộ này có thể lan sang các lĩnh vực nguyên vật liệu quan trọng khác”.

Giám đốc điều hành ASML, Peter Wennink, đã phải bình luận rằng sắp có thêm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip từ Mỹ: Có sự không chắc chắn đáng kể trên thị trường với lý do "môi trường địa chính trị, trong đó kiểm soát xuất khẩu" là một trong những nguyên nhân.

Thông điệp rút ra ở đây là: "Ngành công nghiệp chip đang thức tỉnh trước thực tế là các chính phủ coi chất bán dẫn có tầm quan trọng chiến lược và không còn ngần ngại can thiệp để đảm bảo lợi ích an ninh quốc gia".

Cả Mỹ và EU đã triển khai các chương trình trợ cấp trị giá hàng tỷ USD - Đạo luật Chip của EU (43 tỷ euro) và Đạo luật Khoa học và chip của Mỹ (52 tỷ USD) - để thu hút đầu tư tư nhân từ Intel có trụ sở tại Mỹ, Samsung của Hàn Quốc hay TSMC của Đài Loan (Trung Quốc).

Chris Miller, Phó Giáo sư lịch sử quốc tế tại Đại học Tufts, cho biết trong một sự kiện diễn ra ở Washington mới đây rằng ông "ngạc nhiên trước thành công" trong nỗ lực do Mỹ đứng đầu nhằm xây dựng một liên minh về kiểm soát xuất khẩu.

 

Phó Giáo sư Miller nói: “Trở lại 5 năm trước, vào năm 2018, hãy hỏi bất kỳ ai: Liệu có thể thiết lập một chế độ kiểm soát xuất khẩu quy tụ các quốc gia từ châu Âu và châu Á lại với nhau không? Hầu hết mọi người sẽ nghi ngờ điều đó”.

Nhưng đó là một thực tế mới đối với các công ty liên quan - và một thực tế có thể gây ra những hậu quả không lường trước được. Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger đã tổng kết tại Diễn đàn An ninh Aspen hồi đầu tháng 7 năm nay: "Hiện tại, Trung Quốc chiếm 25 đến 30% xuất khẩu chất bán dẫn. Nếu tôi có thị trường nhỏ hơn 25 hoặc 30%, tôi sẽ xây dựng ít nhà máy hơn".

Nhận xét đó đã bị Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo chỉ trích, nói rằng bà không thấy "bất kỳ sự mâu thuẫn nào" giữa các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sang Trung Quốc và kế hoạch trị giá hàng tỷ USD của Mỹ nhằm tái sản xuất chip.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Politico.eu)
Nhật Bản chính thức hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip tiên tiến
Nhật Bản chính thức hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip tiên tiến

Các biện pháp hạn chế của Nhật Bản đối với việc xuất khẩu thiết bị sản xuất chip tiên tiến đã chính thức có hiệu lực từ ngày 23/7.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN