Công bằng xã hội để chấm dứt lao động trẻ em

Trang thống kê Theworldcounts.com ước tính trên toàn cầu hiện có tới 218 triệu lao động trẻ em từ 5 - 17 tuổi, trong đó 152 triệu em phải làm việc ở những điều kiện hết sức nguy hiểm.

Chú thích ảnh
Trẻ em tại Lilongwe, Malawi. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Cô bé Pinky 10 tuổi ở Bangladesh đã phải bỏ học đi làm trong thời gian phong tỏa phòng dịch COVID-19. Tại xưởng sản xuất, em loay hoay vận hành những máy móc quá lớn so với bàn tay nhỏ bé của mình, một điều kiện không an toàn, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Không chỉ riêng Pinky, trang thống kê Theworldcounts.com ước tính trên toàn cầu hiện có tới 218 triệu lao động trẻ em từ 5 - 17 tuổi, trong đó 152 triệu em phải làm việc ở những điều kiện hết sức nguy hiểm.

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020 khiến số lao động trẻ em trên toàn thế giới tăng lên tới 160 triệu, gấp 19 lần so với mức 8,4 triệu hồi năm 2016. Xét theo khu vực, gần 50% lao động trẻ em ở châu Phi (72 triệu trẻ), tiếp theo là châu Á - Thái Bình Dương (62 triệu trẻ), châu Mỹ (11 triệu), châu Âu và Trung Á (6 triệu) và các quốc gia Arab (1 triệu trẻ). Lao động trẻ em không chỉ giới hạn ở các nước nghèo. Khoảng 84 triệu em ở các nước có thu nhập trung bình và 2 triệu trẻ ở các quốc gia thu nhập cao cũng phải lao vào mưu sinh, dù ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”.

Kể từ năm 2020 đến nay, tổng số lao động trẻ em trên toàn cầu vẫn tiếp tục tăng thêm khoảng 58 triệu em, do tác động của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, nghèo đói, thu nhập thấp… Hầu hết trẻ làm việc trong các trang trại sản xuất ca cao, cà phê, bông, cao su... 20 triệu trẻ làm trong các nhà máy may mặc, thảm, đồ chơi, diêm và thuốc lá cuộn bằng tay. Thậm chí, trẻ em phải lao động trong những điều kiện rất nguy hiểm và độc hại tại các xưởng phá dỡ tàu ở châu Á. Riêng tại Bangladesh, gần 50% trẻ em làm nghề phá tàu chỉ dưới 12 tuổi. Lao động trẻ em làm việc trung bình 64 giờ một tuần, thậm chí có những em phải làm việc tới 110 giờ/tuần.

Lao động trẻ em gây ra nhiều hậu quả cho chính các em như bỏ học sớm, không được đào tạo nghề; ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới sức khỏe, sự phát triển thể chất, thậm chí trẻ có thể bị tàn tật hoặc nguy hiểm tính mạng do tai nạn lao động hay bị bạo hành. Đối với gia đình, cộng đồng và xã hội, lao động trẻ em sẽ tăng gánh nặng kinh tế khi bị tai nạn, tổn thương, bị xâm hại; nguy cơ mất trật tự, các vấn đề phức tạp cho xã hội khi trẻ bị sa ngã, từ đó tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội của quốc gia; khiến nguồn nhân lực chất lượng tương lai giảm…

Giám đốc Ban Bảo trợ Xã hội của ILO, bà Shahra Razavi, cho rằng tăng cường nỗ lực nhằm đảm bảo đầu tư đầy đủ vào bảo trợ xã hội toàn cầu cho trẻ em - mà lý tưởng nhất là thông qua phúc lợi phổ cập cho trẻ để hỗ trợ các gia đình mọi lúc - là lựa chọn phù hợp và đạo đức, đồng thời là lựa chọn mở đường cho sự phát triển bền vững và công bằng xã hội.

Tổng giám đốc ILO Gilbert F. Houngbo nhận định gốc rễ của lao động trẻ em bắt nguồn từ sự thiếu công bằng xã hội. Giải pháp để chấm dứt lao động trẻ em là việc làm bền vững, nghĩa là tạo ra nơi làm việc an toàn và lành mạnh cho người trưởng thành, đảm bảo các phúc lợi đầy đủ, bao gồm thất nghiệp, ốm đau, thai sản, khuyết tật và lương hưu, để từ đó họ có thể hỗ trợ gia đình và cho con cái đi học thay vì phải đi làm. Đây cũng chính là một trong 6 cam kết lớn và là một trong 49 biện pháp cụ thể của văn kiện “Kêu gọi hành động Durban” được thông qua tại Hội nghị toàn cầu lần thứ năm về xóa bỏ lao động trẻ em tại Durban (Nam Phi) vào năm ngoái. Phó Tổng giám đốc phụ trách chính sách của ILO, bà Martha Newton, đánh giá văn kiện này là phương tiện quan trọng để đạt được mục tiêu xóa bỏ lao động trẻ em.

“Công bằng xã hội cho tất cả. Chấm dứt lao động trẻ em!” chính là chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống Lao động trẻ em 12/6 năm nay. Nhân dịp này, ILO tổ chức hội thảo cấp cao bên lề Hội nghị Lao động quốc tế lần thứ 111 đang diễn ra tại trụ sở LHQ ở Geneva (Thụy Sĩ). Hội thảo tập trung thảo luận mối liên hệ giữa công bằng xã hội và xóa bỏ lao động trẻ em, cũng như các biện pháp để thúc đẩy công bằng xã hội.

Tại Việt Nam, sau Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, nhân Năm Quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em 2021, Chính phủ đã ban hành Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm thúc đẩy tiến độ trong cuộc chiến chống lao động trẻ em. Chính phủ đã và đang đang tập trung vào một số giải pháp cơ bản như thực hiện phổ cập giáo dục phổ thông, chính sách xóa mù chữ và các chính sách bảo đảm công bằng về tiếp cận giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, trẻ trong các hộ nghèo và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khác; tăng cường các chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo trong đó trẻ em là đối tượng ưu tiên; tạo nguồn sinh kế cho các gia đình; hỗ trợ các em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em tiếp cận dịch vụ giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm phù hợp; tập trung giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 làm gián đoạn việc học tập và gia tăng nguy cơ lao động trẻ em của trẻ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, hải đảo...

Trang Theworldcounts.com ước tính với tốc độ như hiện nay, nguy cơ đến năm 2025 sẽ có tới 121 triệu lao động trẻ em trên toàn cầu. Trong khi đó, thế giới chỉ còn 2 năm nữa để đạt được Mục tiêu số 8 trong các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ, đó là xóa bỏ mọi hình thức lao động trẻ em vào năm 2025. Vì vậy, Tổng giám đốc ILO F. Houngbo kêu gọi các quốc gia, chính phủ và các tổ chức quốc tế cần chung tay đẩy mạnh cuộc chiến chống lao động trẻ em, bằng cách hỗ trợ công bằng xã hội lớn hơn. Nếu làm được điều này, việc chấm dứt lao động trẻ em không chỉ là điều có thể mà còn trong tầm với.

Minh Tâm (TTXVN)
Pakistan cam kết nỗ lực ngăn chặn vấn nạn sử dụng lao động trẻ em
Pakistan cam kết nỗ lực ngăn chặn vấn nạn sử dụng lao động trẻ em

Tổng thống Pakistan Arif Alvi ngày 12/6 tuyên bố Islamabad cam kết thực hiện các nghĩa vụ quốc tế trong việc ngăn chặn sử dụng lao động trẻ em, đồng thời kêu gọi các bên liên quan lên tiếng chống lại tệ nạn xã hội này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN