Đoàn kết thế giới phòng, chống tham nhũng

Cách đây 20 năm, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua Công ước về chống tham nhũng (UNCAC) và lấy ngày 9/12 hằng năm là Ngày Quốc tế phòng, chống tham nhũng. Để kỷ niệm cột mốc quan trọng này, chủ đề năm nay của Ngày Quốc tế phòng, chống tham nhũng là Đoàn kết thế giới phòng, chống tham nhũng.

Theo đánh giá của LHQ, thế giới ngày nay phải đối mặt với một số thách thức lớn nhất trong nhiều thế hệ - những thách thức đe dọa sự thịnh vượng và ổn định của người dân trên toàn cầu. Hầu hết những thách thức đó đều có liên quan đến nạn tham nhũng. Tham nhũng đã tác động tiêu cực đến mọi khía cạnh của xã hội, gắn liền với xung đột và bất ổn, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây suy giảm lòng tin đối với các thể chế và pháp quyền, làm xói mòn công bằng xã hội. Cũng theo LHQ, ngăn chặn tham nhũng, thúc đẩy tính minh bạch và củng cố các thể chế có vai trò rất quan trọng nếu các nước muốn đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững.

Tính đến tháng 10/2023, UNCAC có 190 thành viên, trong đó có 185 quốc gia là thành viên của LHQ cùng Đảo Cook, Nieu, Vatican, Nhà nước Palestine và Liên minh châu Âu. Năm nay, LHQ nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết tham nhũng và những hậu quả sâu rộng của nó bằng cách huy động các cá nhân, chính phủ và tổ chức cùng tham gia. Việc tham gia Ngày Quốc tế phòng chống tham nhũng bao gồm thực hiện các bước nhằm nâng cao nhận thức về tham nhũng, thúc đẩy tính minh bạch và hỗ trợ các sáng kiến chống tham nhũng, trong đó cần sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, diễn đàn giáo dục và thảo luận cộng đồng để nâng cao nhận thức về tác động tiêu cực của tham nhũng và tầm quan trọng của việc chống tham nhũng; kêu gọi sự đóng góp hoặc tình nguyện cho các tổ chức hoạt động chống tham nhũng ở địa phương hoặc quốc tế; Ủng hộ sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các hoạt động của chính phủ và doanh nghiệp; Hỗ trợ các nỗ lực cải thiện tính minh bạch trong cộng đồng hoặc nơi làm việc; tăng cường bảo vệ những người tố cáo tham nhũng.

Theo Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, tệ nạn tham nhũng đang hiện hữu ở mọi quốc gia, từ giàu tới nghèo, từ Bắc tới Nam, cả các nước phát triển lẫn nước đang phát triển, nước nghèo, với các số liệu thống kê gây quan ngại. Người đứng đầu LHQ dẫn số liệu của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy, các hành vi tham nhũng đã gây tổn thất ít nhất 2,6 nghìn tỷ USD, tương đương với 5% GDP toàn cầu. Trong khi đó, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), trung bình mỗi năm, số tiền "đưa lối hộ" trên toàn cầu ước tính khoảng 1 nghìn tỷ USD.

Mức độ tham nhũng được thể hiện rõ qua Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) do Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố hồi đầu năm nay. Có tới 124 quốc gia không có tiến bộ trong chống tham nhũng; hơn 2/3 số quốc gia (68%) có điểm dưới 50 và điểm trung bình toàn cầu không thay đổi - ở mức 43. Cũng theo TI, hầu hết quốc gia đều có những bất cập trong luật pháp và thể chế. Điều này cản trở việc thực thi chống tham nhũng. Những đánh giá trên cho thấy những thách thức và yêu cầu cấp thiết phải hành động trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Ông Guterres nhấn mạnh thực tế này đòi hỏi các bộ máy chính trị phải hoạt động một cách minh bạch và có trách nhiệm. Các quốc gia thành viên LHQ phải ở tuyến đầu trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng. Trong đó, việc tăng cường năng lực của các ủy ban quốc gia về phòng, chống tham nhũng có vai trò đặc biệt quan trọng. Cộng đồng quốc tế có thể góp phần bổ sung cho những nỗ lực này thông qua việc hành động hiệu quả hơn nhằm ngăn chặn các hành vi rửa tiền, trốn thuế cũng như chặn đứng các dòng tiền bất hợp pháp có nguy cơ làm suy kiệt nguồn lực cần thiết của các nước và tiếp tay cho những hành vi tham nhũng tiếp theo

Trước thực tế vấn nạn tham nhũng đã mang tính toàn cầu, các nước đều cho rằng tham nhũng là một trong những hiểm họa của quốc gia, là kẻ thù của quá trình phát triển và lên án mạnh mẽ tham nhũng, cũng như đề ra các giải pháp phòng, chống tham nhũng. Đối với nhiều nước, công khai chi tiết thu chi ngân sách, công khai trong mua sắm tài sản công, công khai trong lĩnh vực xây dựng, công khai việc kê khai tài sản, thu nhập và tiền đóng thuế của quan chức là yêu cầu bắt buộc. Một số quốc gia như Anh, Mỹ, Đức, Singapore, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc... đã thành lập các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng, có vị trí độc lập với cơ quan hành pháp và các cơ quan khác.

Thực tế phòng, chống tham nhũng của các nước cho thấy rõ phải có quyết tâm cao. Cho dù có các mô hình tổ chức, phương pháp phòng, chống tham nhũng khác nhau, song hiệu quả chống tham nhũng ở các quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm, lập trường và thái độ đấu tranh chống tham nhũng của những người lãnh đạo, nhất là hàng ngũ lãnh đạo cấp cao.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng được xác định là công việc khó khăn, lâu dài và chỉ có hiệu quả khi áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng. Trong đấu tranh chống tham nhũng, cần coi trọng sức mạnh của người dân và các cơ quan báo chí truyền thông. Ngoài ra, hệ thống chính sách, pháp luật đầy đủ, đồng bộ và rõ ràng, minh bạch, công khai, hạn chế đến mức thấp nhất các kẽ hở để lợi dụng có hành vi tham nhũng, tiêu cực. 

Tại Việt Nam, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tổ chức 3 hội nghị toàn quốc về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ban hành trên 100 văn bản để tăng cường công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (tăng hai lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng). Quốc hội đã thông qua 24 luật, pháp lệnh và ban hành nhiều nghị quyết quan trọng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 335 nghị định, 86 quyết định. Các bộ, ngành ban hành gần 1.800 thông tư, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực. Những kết quả đó thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “không kể đó là ai”.

Công cuộc phòng, chống tham nhũng được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đồng bộ, đi vào chiều sâu, với sự vào cuộc của nhân dân và cả hệ thống chính trị, đã có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả tích cực, rõ rệt, thực chất. Chỉ số CPI của Việt Nam năm 2022 tăng 3 điểm và lên 10 bậc trong bảng xếp hạng. Tổ chức Minh bạch thế giới đánh giá Việt Nam là một trong 5 quốc gia cải thiện chỉ số CPI nhiều nhất trong 5 năm liên tục. Việt Nam cũng đá ký kết UNCAC từ năm 2003 và chính thức phê chuẩn, tổ chức thực thi UNCAC năm 2009 nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng, đồng thời cũng thể hiện quyết tâm và cam kết của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế trong công cuộc phòng, chống tham nhũng.

LHQ nhấn mạnh không chỉ các quốc gia cần đoàn kết trong vấn đề toàn cầu này mà ở mỗi quốc gia, từ lãnh đạo cấp cao, quan chức chính phủ, công chức, nhân viên thực thi pháp luật, tới truyền thông, khu vực tư nhân, người dân, bất kể già hay trẻ, đều có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn và chống tham nhũng. Thông điệp của LHQ kêu gọi tất cả đoàn kết, cùng quyết tâm, kiên trì phòng, chống tham nhũng để xây dựng thế giới tốt đẹp hơn.

Trần Thanh Bình (TTXVN)
Luận điệu lừa bịp không thể ảnh hưởng tới công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam
Luận điệu lừa bịp không thể ảnh hưởng tới công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam

Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, các cơ quan phòng, chống tham nhũng, bảo vệ tư pháp là yêu cầu cấp thiết từ thực tế công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN