Doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách mua dầu, khí đốt giá rẻ của Nga

Các nhà nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) của Trung Quốc đang thận trọng tìm cơ hội mua khí đốt từ Nga, nguồn năng lượng giá rẻ hiện bị nhiều nước phương Tây xa lánh.

Chú thích ảnh
Tổ hợp Yamal LNG ở phía bắc Siberia, Nga. Ảnh: Bloomberg

Mạng tin Bloomberg ngày 4/4 dẫn nguồn thạo tin cho biết nhiều tập đoàn nhà nước như Sinopec và PetroChina đang mở các cuộc thương thảo với các nhà cung ứng để đặt mua các chuyến hàng LNG giao ngay từ Nga với mức chiết khấu cao. Một số nhà nhập khẩu tại đại lục đang tính đến khả năng sử dụng tư cách pháp nhân Nga để thay mặt tham gia các đợt mở thầu chào bán LNG từ Nga, nhằm tránh bị chính phủ nước ngoài phát hiện.

Đa phần các nhà nhập khẩu LNG trên thế giới sẽ không mua nguồn khí này của Nga, do lo ngại các lệnh cấm vận có thể được tung ra trong thời gian tới, cũng như sợ bị ảnh hưởng uy tín liên quan đến xung đột Ukraine, cũng như động thái của Liên minh châu Âu (EU) gây sức ép với Nga. Các công ty Trung Quốc đang nổi lên là khác hàng thuộc nhóm số ít sẵn sàng mạo hiểm mua LNG từ Nga.

Đây cũng là xu thế xuất hiện trên thị trường dầu mỏ, nơi mà nhiều tổ hợp lọc dầu tại Trung Quốc cũng đang lặng lẽ thu gom dầu thô giá rẻ của Nga, trong bối cảnh nguồn dầu này bị nhiều khách hàng quốc tế xa lánh. Giới giao dịch cho biết một số chuyến tàu chở LNG đã được các nhà nhập khẩu Trung Quốc đặt mua trong vài tuần trở lại đây.

LNG của Nga đang được giao dịch trên thị trường hàng hóa giao ngay với mức giá thấp hơn 10% so với LNG từ khu vực Bắc Mỹ. Giá mặt hàng nhiên liệu này đã tăng lên mức cao kỉ lục trong tháng trước do cuộc chiến tại Ukraine – tác nhân khiến nguồn cung bị co hẹp trong bối cảnh cầu tiêu thụ phục hồi trở lại.

Trên thực tế, nhu cầu nhập khẩu LNG của Trung Quốc tại thời điểm này không đến mức cấp bách, khi thời tiết bắt đầu ấm lên, trong khi các lệnh phong tỏa được ban bố để ngăn chặn lây lan COVID-19 làm dấy lên lo ngại về đà suy yếu trong nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Tuy nhiên, LNG của Nga với mức giá chiết khấu sâu vẫn là nguồn bổ sung hợp lý cho các kho chứa tại Trung Quốc, trước khi giá mặt hàng này sẽ tăng trong mùa hè tới đây.

Chú thích ảnh
Một cơ sở tiếp nhận LNG đặt tại một địa điểm ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Nguồn tin ẩn danh trong giới giao dịch cho biết khác hàng nhập khẩu LNG tại đại lục đang tìm kiếm các hợp đồng mua bán thông qua đàm phán song phương với phía Nga nhằm tránh những ồn ào, dư luận không đáng có trên thị trường giao ngay. Các công ty Trung Quốc cũng chọn cách hành động cẩn trọng, tránh các đơn hàng khối lượng lớn.

Thay vì tham gia trực tiếp vào các phiên chào thầu do phía Nga tổ chức, các công ty Trung Quốc tìm cách sử dụng một thực thể “vỏ bọc”, hoặc công ty bình phong để thay mặt thực hiện các hợp đồng mua bán. Hình thức này giúp che giấu vết trong các hoạt động mua hàng giao ngay. Trên bình diện công khai, có vẻ như các công ty Trung Quốc có thể đang tiếp nhận khí đốt từ Nga thông qua các hợp đồng dài hạn, điều mà các công ty trên thế giới vẫn đang tiếp tục giao dịch với phía Nga bất chấp xung đột tại Ukraine.

Các công ty Trung Quốc cũng né tránh việc tham gia mua bán thông qua các văn phòng vệ tinh trên các sở giao dịch hàng hóa từ London cho tới Singapore, để không vướng phải những rắc rối tiềm ẩn với chính phủ những nước sở tại. Đa phần các bàn giao dịch cho các công ty Trung Quốc đều được đặt ở nước ngoài.

Tuy nhiên, vẫn còn đó một số trở ngại nhất định. Các nhà nhập khẩu LNG quy mô nhỏ của Trung Quốc gặp khó khăn trong tiếp cận bản lãnh tín dụng từ ngân hàng để mua bổ sung LNG giao ngay từ nhà cung cấp nga, khi mà phần lớn các thực thể tại Singapore đều không sẵn lòng cung cấp nguồn hỗ trợ này. Chỉ có những nhà nhập khẩu hàng đầu Trung Quốc mới được quyền sử dụng cái gọi là hệ thống tín dụng mở, hình thức cấp tín dụng được ngân hàng phê duyệt từ trước.

Hiện cả PetroChina và Sinopec đều chưa lên tiếng phản hồi trước thông tin mà Bloomberg đăng tải.

Nga là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu LNG lớn của thế giới. Trong năm 2021, Nga xuất khẩu 30,3 triệu tấn LNG bằng đường biển, tương đương với 7,8% lượng LNG xuất khẩu toàn cầu. Phần lớn LNG này được xuất đi từ tổ hợp Yamal LNG ở phía bắc Siberia, gần cảng Sabetta của Nga ở Bắc Cực. Tại dự án này, Nga đang sử dụng đội tàu chuyên chở 15 chiếc, có khả năng phá băng và mỗi chuyến có thể chở được 170.000 tấn LNG.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo Bloomberg)
Nga vẫn chuyển khí đốt tới châu Âu qua Ukraine
Nga vẫn chuyển khí đốt tới châu Âu qua Ukraine

Ngày 3/4, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga tuyên bố tập đoàn này đang đáp ứng yêu cầu của các khách hàng châu Âu, cung cấp hơn 108 triệu mét khối khí đốt tự nhiên qua Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN