Đợt nắng nóng khốc liệt tuần tới ở Anh diễn ra sớm hơn 28 năm so với dự báo

Đợt nắng nóng khốc liệt vào ngày 18 và 19/7 sắp tới ở Anh đã xảy ra sớm hơn so với dự báo 28 năm.

Chú thích ảnh
Dự báo thời tiết cho năm 2050 (trên) và dự báo thời tiết tuần tới ở Anh. Ảnh: CNN

Theo kênh CNN, khủng hoảng khí hậu đang khiến thời tiết trở nên khắc nghiệt trên toàn thế giới. Nhiệt độ ở các khu vực vĩ độ phía bắc đặc biệt nhạy cảm với những thay đổi này. Do đó, các nhà khí tượng học tại Cơ quan Khí tượng Anh đã nghiên cứu các mô hình khí hậu siêu dài vào mùa hè năm 2020 để xem nhiệt độ sau khoảng ba thập kỷ nữa sẽ như thế nào.

Cơ quan Khí tượng Anh cho biết: “Đây không phải dự báo thời tiết thực tế. Đây là các ví dụ về thời tiết có thể xảy ra dựa trên dự báo khí hậu”.

Tuy nhiên, vào ngày 18 và 19/7 tới, điều có thể xảy ra ở Anh sau 30 năm nữa sắp trở thành hiện thực, sớm 28 năm so với dự báo.

Ông Simon Lee, một nhà khoa học khí quyển tại Đại học Columbia ở New York, đã nhận thấy sự giống nhau giữa dự báo thời tiết cho năm 2050 với dự báo thời tiết đầu tuần tới ở Anh. Ông đã đăng bức ảnh dự báo năm 2050 và bức ảnh dự báo thời tiết tuần tới ở Anh để so sánh. Theo đó, hai dự báo giống nhau khá nhiều ở nhiều nơi tại Anh.

Ông Simon cho rằng những gì sắp diễn ra vào ngày 19/7 tới sẽ là thông tin sâu về thời tiết tương lai. Sau 30 năm nữa, thời tiết kiểu này sẽ dường như khá điển hình.

Dự báo nhiệt độ sẽ cao hơn bình thường từ 10 đến 15 độ F vào đầu tuần tới ở Anh. Nhiệt độ cao nhất có thể lên tới 40 độ C (khoảng 104 độ F) lần đầu tiên. Đây là dự báo khiến các nhà khí tượng học Anh đưa ra cảnh báo nhiệt màu đỏ lần đầu tiên. 

Cảnh báo đỏ (cấp độ 4) được ban bố khi nắng nóng quá khắc nghiệt và/hoặc kéo dài đến mức gây ra những ảnh hưởng không chỉ đối với các hệ thống chăm sóc sức khỏe và xã hội mà lan rộng ra các hệ thống khác. Ở cấp độ này, không chỉ những người thuộc nhóm nguy cơ cao mới có thể bị ốm và tử vong do ảnh hưởng của nắng nóng mà cả những người khỏe mạnh cũng có thể gặp nguy hiểm.

Rõ ràng, 40 độ C sẽ là mức nhiệt thực sự kỷ lục. Nhiệt độ nóng nhất từng đo được của Anh là 38,7 độ C tại Vườn Bách thảo Cambridge vào năm 2019.

Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng khí hậu đang thay đổi thời tiết nhanh chóng như thế nào.

Nhà khoa học khí hậu Nikos Christidis của Cơ quan Khí tượng Anh cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng sẽ không gặp phải tình huống này. Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến hiện tượng nhiệt độ cực đoan ở Anh. Nguy cơ Anh sẽ trải qua những ngày 40 độ C có thể cao hơn 10 lần so với khi khí hậu tự nhiên không bị ảnh hưởng bởi tác động của con người”.

Mức nhiệt này không chỉ là một vài ngày không thoải mái. Nắng nóng khắc nghiệt là một trong những hiện tượng thời tiết gây chết người nhiều nhất. Hiện nay, chúng ta thường chỉ coi sốc nhiệt và tử vong do nhiệt là do các bệnh tiềm ẩn như bệnh tim hoặc bệnh hô hấp.

Các báo cáo gần đây cho thấy chưa đầy 5% ngôi nhà ở Anh có máy điều hòa không khí làm mát.

Tình huống tương tự đáng kinh ngạc diễn ra ở Mỹ vào mùa hè năm ngoái, khi Tây Bắc Thái Bình Dương phải chịu đựng nắng nóng khắc nghiệt trong nhiều ngày. Hàng trăm người đã chết trong đợt nắng nóng đó.

Các quan chức ở British Columbia (Canada) lưu ý rằng số người chết ngoài dự kiến là 800 người trong thời gian nắng nóng.

Bà Kristie Ebi, một nhà nghiên cứu khí hậu và sức khỏe tại Đại học Washington, cho rằng khác với lũ lụt hoặc cháy rừng tàn phá một thị trấn, mức độ khẩn cấp liên quan một đợt nắng nóng không cao như vậy.

Chú thích ảnh
Người dân tránh nóng bên đài phun nước tại Quảng trường Trafalgar ở thủ đô London, Anh, ngày 17/6/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Bà Ebi từng nhận định với CNN: “Khi trời nóng, bên ngoài chỉ là nắng nóng đơn thuần và vì vậy nắng nóng là kẻ giết người tương đối thầm lặng. Mọi người nói chung không nhận thức được và không nghĩ về những rủi ro liên quan đến nhiệt độ cao này”.

Bà cũng nói rằng điều quan trọng là phải hiểu rằng khí hậu không giống như những gì đã xảy ra chỉ vài năm trước đây. Cuộc khủng hoảng khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta ngày nay và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương nhất.

Trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt, ngày 16/7, Chính phủ Anh tiến hành cuộc họp khẩn cấp bàn về kế hoạch đối phó với đợt nắng nóng kỷ lục được dự báo diễn ra trong tuần sau.

Cơ quan quản lý đường sắt tại London khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài trong ngày 18-19/7, trừ trường hợp cần thiết. Trường học và các cơ sở dưỡng lão được yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho học sinh và người cao tuổi, những đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao.

Nhiều nước châu Âu đang trải qua những ngày nắng nóng bất thường, nhiệt độ ở một số nơi thậm chí vượt quá 40 độ C, gây nhiều khó khăn cho sinh hoạt thường nhật của người dân. Cháy rừng hoành hành tại nhiều quốc gia như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Croatia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổ chức Khí tượng thế giới ngày 15/7 cảnh báo đợt nắng nóng đang xảy ra tại châu Âu sẽ khiến nhiều vật chất gây ô nhiễm mắc kẹt trong bầu khí quyển, làm giảm chất lượng không khí, đặc biệt là ở các khu vực thành thị.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Anh ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì nắng nóng
Anh ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì nắng nóng

Ngày 15/7, Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Anh (Met Office) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, theo đó cảnh báo đỏ "nắng nóng đỉnh điểm" tại nhiều vùng ở xứ England trong đầu tuần tới khi nhiệt độ được dự báo có thể lên đến các mức cao kỷ lục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN