DỰ BÁO THẾ GIỚI 2023: Mỹ có khả năng trở thành nước xuất khẩu dầu thô ròng

Mỹ đã dần trở thành cường quốc xuất khẩu dầu thô toàn cầu trong những năm gần đây nhưng kể từ Chiến tranh Thế giới II đến nay, hoạt động xuất khẩu dầu Mỹ vẫn chưa thể vượt qua nhập khẩu. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng cán cân xuất - nhập dầu thô của Mỹ sẽ đổi chiều trong năm 2023.

Chú thích ảnh
Bể chứa dầu tại Cushing, Oklahoma, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Doanh số dầu thô Mỹ xuất sang các nước khác hiện ở mức kỷ lục là 3,4 triệu thùng/ngày, trong đó các sản phẩm đã qua tinh chế như xăng và dầu diesel là 3 triệu thùng/ngày. Nước này cũng đang dẫn đầu về xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Tuy nhiên, nước Mỹ tiêu thụ 20 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, nhiều nhất thế giới, trong khi sản lượng dầu thô trong nước chưa bao giờ vượt mức 13 triệu thùng/ngày.

Hồi tháng trước, Chính phủ Mỹ công bố các dữ liệu cho thấy nhập khẩu ròng dầu thô của nước này giảm xuống 1,1 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ khi các dữ liệu được ghi chép năm 2001. Con số này cũng đánh dấu mức giảm mạnh so với 5 năm trước khi Mỹ còn nhập khẩu hơn 7 triệu thùng/ngày.

Những yếu tố khiến tình hình thay đổi trong năm nay phải kể đến như các biện pháp trừng phạt cản trở hoạt động xuất khẩu dầu thô và LNG của Nga và việc Chính phủ Mỹ giải phóng một lượng lớn dầu trong kho dự trữ quốc gia để đối phó với tình trạng giá xăng tăng

Nhà phân tích thị trường Rohit Rathod, từ hãng phân tích Vortexa, nhận định các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan cuộc xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy nhu cầu năng lượng từ các nhà sản xuất Mỹ và dự báo xuất khẩu sẽ vượt nhập khẩu vào cuối năm 2023, với điều kiện sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ tiếp tục tăng.

Để trở thành nước xuất khẩu dầu thô ròng, Mỹ cần phải đẩy mạnh sản xuất hoặc kiềm chế tiêu thụ. Nhu cầu xăng dầu tại Mỹ được dự báo sẽ tăng 0,7% lên mức 20,51 triệu thùng/ngày trong năm tới. Do đó, sản lượng dầu cũng phải tăng để trở thành nước xuất khẩu.

Hiện Mỹ sản xuất nhiều dầu hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, kể cả Saudi Arabia và Nga. Dù vậy, các khu khai thác dầu đá phiến của Mỹ đang dần trở nên lạc hậu, tốc độ tăng trưởng sản lượng trong năm nay cũng đáng thất vọng. Nhìn chung, sản lượng dầu phải đạt mức kỷ lục là 12,34 triệu thùng vào năm tới nhưng điều này cũng chỉ xảy ra khi giá dầu đủ hấp dẫn để khuyến khích các nhà khai thác tăng sản lượng.

Trong nửa đầu năm 2022, Mỹ đã vượt Qatar và Australia trở thành nước xuất khẩu LNG nhiều nhất thế giới, nhờ nhu cầu từ châu Âu tăng và giá cả tăng. Nhà phân tích Matt Smith từ Kpler cho rằng xuất khẩu LNG của Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023 khi các nước châu Âu tìm cách nâng mức dự trữ cho mùa Đông.

Xuất khẩu các sản phẩm đã qua tinh chế của Mỹ giảm do các nhà máy đóng cửa và nhu cầu giảm. Theo dữ liệu của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tính đến hết tháng 9, nước này xuất khẩu trung bình 3,1 triệu thùng/ngày các sản phẩm đã qua tinh chế, giảm từ mức 3,2 triệu thùng/ngày của cùng kỳ năm 2019.

Dữ liệu của Kpler cho thấy mặt hàng dầu diesel không theo xu hướng này khi xuất khẩu dầu dieasel Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 3 năm vào tháng 7 vừa qua, với 1,3 triệu thùng/ngày.

Biện pháp cấm nhập khẩu nhiên liệu Nga cũng góp phần giúp xuất khẩu dầu diesel từ Mỹ sang châu Âu tăng lên mức 330.000 thùng/ngày trong 15 ngày đầu tiên của tháng 12, tức là tăng hơn 5 lần so với mức trung bình hằng tháng tính từ đầu năm 2022.

Lê Ánh (TTXVN)
Xuất khẩu dầu của Mỹ sang Pháp lần đầu giảm bằng 0
Xuất khẩu dầu của Mỹ sang Pháp lần đầu giảm bằng 0

Lần đầu tiên trong 4 năm, sản lượng xuất khẩu dầu thô từ Mỹ sang Pháp đã giảm bằng 0, do ảnh hưởng từ phong trào đình công tại các nhà máy lọc dầu của Pháp hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN