Đường băng bí ẩn trên hòn đảo ở Biển Đỏ

Xuất hiện đường băng bí ẩn trên một hòn đảo nhỏ án ngữ lối vào Biển Đỏ kèm dòng chữ “I love UAE” (Tôi yêu UAE) bên cạnh, có thể nhìn thấy từ không gian.

Chú thích ảnh
Hình ảnh vệ tinh cho thấy các công nhân đã xếp dòng chữ "I love UAE" bằng các đống đất bên cạnh đường băng mới trên đảo Abd al-Kuri. Ảnh: PLANET LABS

Theo tờ The Telegraph ngày 28/3, không có quốc gia nào nhận đang xây dựng trên đảo Abd al-Kuri nói trên. Đây là một dải đất của Yemen nhô ra khỏi Ấn Độ Dương, gần cửa Vịnh Aden.

Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh cho thấy các công nhân đã tạo nên dòng chữ “Tôi yêu UAE” bằng những đống đất cạnh đường băng. UAE là tên viết tắt của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất.

Đường băng và dòng chữ trên xuất hiện trong bối cảnh lực lượng Houthi của Yemen tiếp tục tấn công các tàu bè trên Biển Đỏ. Cả Vịnh Aden và Biển Đỏ đều đã trở thành một chiến trường quốc tế. Một đường băng có khả năng giúp một quốc gia thể hiện sức mạnh trong khu vực.

Trước đây, hiện diện của binh sĩ UAE tại chuỗi đảo Socotra, trong đó có đảo Abd al-Kuri, đã gây ra các cuộc đụng độ.

Ngày 28/3, UAE tuyên bố: “Nếu UAE hiện diện tại Socotra thì đều dựa trên cơ sở nhân đạo và hợp tác với chính phủ Yemen và chính quyền địa phương. UAE vẫn kiên định cam kết ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nối lại tiến trình chính trị của Yemen, từ đó thúc đẩy an ninh, ổn định và thịnh vượng mà người dân Yemen đang mong muốn”.

Abd al-Kuri có chiều dài khoảng 35km và điểm rộng nhất khoảng 5km. Đảo này nằm gần vùng Sừng châu Phi hơn là Yemen.

Dọc theo điểm rộng nhất đó là công trình xây dựng đường băng nói trên. Các bức ảnh vệ tinh của Planet Labs cho thấy xe tải và các phương tiện khác đang san đất trên đường băng vào ngày 11/3. Các hình ảnh chụp địa điểm này từ ngày 25 đến 27/3 cho thấy các phương tiện ở các vị trí khác nhau, công nhân đang tích cực thi công, có thể đang lát đường khu vực này.

Chú thích ảnh
Ảnh vệ tinh của Planet Labs cho thấy đường băng chạy từ Bắc xuống Nam, dài khoảng 3km. Ảnh: PLANET LABS

Đường băng này chạy từ Bắc xuống Nam, dài 3km. Một đường băng có chiều dài như vậy có thể chứa được các máy bay tấn công, máy bay giám sát và máy bay vận tải, thậm chí cả một số máy bay ném bom nặng nhất.

Theo hình ảnh của Planet Labs, dấu hiệu đầu tiên cho thấy đường băng đang được xây dựng xuất hiện từ tháng 1/2022. Khi đó, đường băng chéo và ngắn hơn xuất hiện trên cát. Đường băng này đã dài hơn vào tháng 7/2022. Trong tháng này, các công nhân gia tăng hoạt động trên đảo, xây dựng ở rìa phía Bắc của đường băng, gần mặt biển và sử dụng các phương tiện hạng nặng.

Trong một bản tin hồi tuần trước, của đài truyền hình Sky News Arabia dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên nói rằng, Mỹ đã tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa trên đảo Socotra, đề phòng các cuộc tấn công căn cứ của Mỹ. Socotra là hòn đảo chính của chuỗi Socotra, cách Abd al-Kuri khoảng 130km.

Quân đội Mỹ khẳng định họ không liên quan đến công trình xây dựng ở Abd al-Kuri và cũng không có hiện diện quân sự ở nơi nào khác ở Yemen. Trước đây, lực lượng đặc biệt Mỹ đã tiến hành các cuộc tấn công ở Yemen. Mỹ cũng thực hiện chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái kéo dài hai thập kỷ nhằm vào chi nhánh al-Qaeda ở Yemen.

Chú thích ảnh
Ảnh: PLANET LABS

Qua các hình ảnh vệ tinh, cũng không thấy rõ có khẩu đội phòng không nào xung quanh khu vực đảo Abd al-Kuri, chỉ thấy những đống đất được sắp xếp thành dòng chữ “Tôi yêu UAE” ngay phía Đông đường băng.

Đảo Socotra là một Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, có cây máu rồng quý hiếm. Đảo này từ lâu đã trở thành một cảng chiến lược nhờ vị trí nằm trên tuyến đường thương mại Đông - Tây quan trọng từ châu Á và Trung Đông đến châu Âu. Liên Xô từng sử dụng Socotra làm nơi neo đậu cho cả hạm đội tàu mặt nước và tàu ngầm. Còn quốc gia Nam Yemen khi đó quản lý hòn đảo này từ năm 1967 đến năm 1990.

Hòn đảo này đứng ngoài hỗn loạn bao trùm Yemen trong nhiều thập kỷ qua. Một liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu, trong đó có UAE, đã tham gia cuộc chiến Yemen vào năm 2015 thay mặt cho chính phủ lưu vong của nước này và đã bị cuốn vào một cuộc xung đột kéo dài gần một thập kỷ.

Năm 2018, UAE triển khai quân tới đảo Socotra, gây ra tranh cãi với chính phủ lưu vong của Yemen. Hai năm sau, xung đột nổ ra giữa phe ly khai Yemen được UAE hậu thuẫn và các lực lượng khác ở đó.

Trong khi đó, các phương tiện truyền thông ở Iran và lực lượng Houthi đã cáo buộc rằng UAE đã cho phép Israel hoạt động từ đảo Socotra. Israel chưa thừa nhận hiện diện ở đó.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Tàu chiến Hạm đội Thái Bình Dương Nga tiến vào Biển Đỏ
Tàu chiến Hạm đội Thái Bình Dương Nga tiến vào Biển Đỏ

Một nhóm tàu chiến thuộc Hạm đội Thái Bình Dương Nga đã vượt Eo biển Bab-el-Mandeb để vào Biển Đỏ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN