EU cảnh báo Anh không nên gây căng thẳng liên quan Nghị định thư Bắc Ireland

Ngày 31/10, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Maros Sefcovic, kêu gọi Anh không nên “bước vào con đường đối đầu” với Liên minh châu Âu (EU), giữa lúc căng thẳng hai bên gia tăng do vấn đề liên quan đến Nghị định thư Bắc Ireland và quyền đánh bắt cá hậu Brexit (chỉ việc Anh rời khỏi EU).

Chú thích ảnh
Các thuyền đánh cá Pháp trên vùng biển ngoài khơi đảo Jersey của Anh ngày 6/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo Telegraph, ông Sefcovic đã hối thúc Bộ trưởng phụ trách Brexit của Anh, ông David Frost, chấp nhận nhượng bộ và xem xét lại những đề xuất của EU về giảm các khâu kiểm tra đối với hàng hóa Anh vào Bắc Ireland theo Nghị định thư trong thỏa thuận Brexit. Ông Sefcovic cũng bày tỏ lo ngại Chính phủ Anh sẽ từ chối cách tiếp cận này và chọn cách đối đầu với EU.

Trong trả lời phỏng vấn riêng với báo Policy Exchange, ông Frost cho rằng việc EU khắt khe trong thực thi Nghị định thư Bắc Ireland có thể "phá hủy sự đồng thuận chung" tại khu vực này, dù mục đích của của Thỏa thuận Brexit là bảo vệ Hiệp định hòa bình ngày thứ Sáu tốt lành (Good Friday Agreement) được ký từ năm 1998 nhằm chấm dứt cuộc xung đột giáo phái kéo dài nhiều thập kỷ trên đảo Ireland.

Nghị định thư Bắc Ireland là một phần trong quá trình giải quyết vụ “ly hôn” giữa Vương quốc Anh và EU. Đầu tháng 10, phía Anh cho rằng các bên cần cùng nhau viết lại nghị định này chỉ chưa đầy 1 năm sau khi có hiệu lực do những rào cản mà các doanh nghiệp gặp phải khi nhập khẩu hàng hóa của nước Anh vào Bắc Ireland.

Liên quan đến căng thẳng giữa London và Paris về quyền đánh bắt cá, cùng ngày, Anh đã kêu gọi Pháp rút lại lời đe dọa có động thái đáp trả trước đó, đồng thời bác bỏ những tuyên bố của Pháp rằng lãnh đạo hai nước đã nhất trí có các biện pháp để giảm căng thẳng liên quan tranh cãi về quyền đánh bắt cá. Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh vấn đề tùy thuộc Paris có động thái trước.

Hai bên đã đưa ra quan điểm trái ngược sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rome, Italy ngày 31/10. 

Thủ tướng Anh Boris Johnson nhắc lại rằng quan điểm của London về việc đánh bắt cá không thay đổi, đồng thời cho rằng việc Paris yêu cầu biện pháp trừng phạt đối với Anh vì lý do rời khỏi EU cũng không nhất quán với Thỏa thuận Hợp tác và Thương mại  (TCA) giữa Anh và EU, hay còn gọi là thỏa thuận hậu Brexit. 

Vấn đề quyền đánh bắt cá hậu Brexit đã khiến mối quan hệ giữa Anh và Pháp trở nên căng thẳng thời gian qua. Theo TCA giữa Anh và EU - ký ngày 30/12/2020 - ngư dân các nước EU được tiếp tục đánh bắt ở một số vùng biển của Anh với điều kiện họ phải có giấy phép, được cấp nếu họ có thể chứng minh đã đánh bắt tại những ngư trường này trước Brexit. Tuy nhiên, Paris cho rằng London đang gây khó khăn, chỉ cấp giấy phép "nhỏ giọt" cho ngư dân Pháp và các nước khác thuộc EU.

Sau khi cảnh báo sẽ có các biện pháp trả đũa đối với ngành đánh bắt cá và các hoạt động thương mại khác của Anh, ngày 28/10 vừa qua, Pháp đã bắt giữ một tàu đánh cá của Anh và đưa ra cảnh báo đối với một tàu khác.

Hoàng Châu  (TTXVN)
Lãnh đạo Pháp, Anh nhất trí giảm căng thẳng liên quan vấn đề quyền đánh cá
Lãnh đạo Pháp, Anh nhất trí giảm căng thẳng liên quan vấn đề quyền đánh cá

Ngày 31/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhất trí phối hợp đưa ra "các biện pháp thiết thực và khả thi" để giải quyết tranh cãi giữa hai nước về quyền đánh cá sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN