EU siết chặt các quy định về quảng cáo chính trị trực tuyến

Theo quy định mới của Liên minh châu Âu (EU), các công ty công nghệ lớn sẽ phải gắn nhãn nội dung quảng cáo chính trị trên các nền tảng, minh bạch thông tin về bên trả tiền và số tiền quảng cáo, cũng như các cuộc bầu cử nào được nhắm tới. Quy định mới được đưa ra trước khi cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu dự kiến diễn ra vào năm 2024.

Chú thích ảnh
Quang cảnh một phiên họp Nghị viện châu Âu (EP) ở Strasbourg, Pháp ngày 12/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Các quy định mới về quảng cáo chính trị đã được Quốc hội các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu thông qua ngày 6/11.

Cụ thể, quy định này sẽ cấm các thực thể ở nước thứ ba tài trợ quảng cáo chính trị ở EU trong 3 tháng trước khi diễn ra bầu cử hoặc cuộc trưng cầu dân ý, đồng thời cấm quảng cáo dựa trên sắc tộc, tôn giáo hoặc xu hướng giới tính.

Quy định mới buộc các công ty truyền thông xã hội như Google thuộc Tập đoàn Alphabet hay Meta phải có trách nhiệm và minh bạch hơn. Nếu vi phạm, công ty đó có thể bị phạt với số tiền lên tới 6% doanh thu quảng cáo hằng năm. Tất cả quảng cáo chính trị trực tuyến sẽ có sẵn trong kho lưu trữ trực tuyến.

Trong một tuyên bố, thành viên Nghị viện châu Âu Sandro Gozi cho rằng các quy định mới sẽ khiến những đối tượng ngoài EU khó phát tán tin sai, tin giả và can thiệp vào tiến trình tự do và dân chủ của khu vực. Ông Gozi nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng đảm bảo môi trường thuận lợi cho chiến dịch vận động bầu cử xuyên quốc gia kịp thời cho cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sắp tới”. 

Các nước EU và các nhà lập pháp EU đã đạt được thỏa thuận sau khi thống nhất về chi tiết trong dự thảo được Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất năm ngoái. Các quy định toàn khối sẽ được áp dụng từ năm 2025, tức 18 tháng sau khi có hiệu lực. Trong thời gian đó, các biện pháp kiểm soát hoạt động quảng cáo chính trị xuyên biên giới sẽ được áp dụng đối với cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2024.

Theo kế hoạch, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sẽ diễn ra vào tháng 6/2024. Nhiều ý kiến lo ngại tin sai, tin giả sẽ tràn lan và những nước ngoài châu Âu sẽ can thiệp quá trình bầu cử.

Nguyễn Hằng (TTXVN)
EU tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu thô từ Nga
EU tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu thô từ Nga

Các hoạt động thương mại giữa 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Nga vẫn tiếp tục diễn ra, bất chấp các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN