Facebook đối mặt với vụ khủng hoảng có ý nghĩa sống còn

Trang mạng xã hội hàng đầu thế giới Facebook đang đối mặt với vụ khủng hoảng lớn nhất từ trước tới nay liên quan tới cáo buộc để một công ty tư vấn tư nhân có tên Cambridge Analytica thu thập trái phép thông tin cá nhân của hơn 50 triệu khách hàng.

Facebook bị đặt dấu hỏi về trách nhiệm bảo vệ thông tin của khách hàng. Ảnh: Gettyimage

Cuối tuần qua, Facebook ra thông cáo với nội dung Cambridge Analytica, một công ty tư vấn và phân tích dữ liệu có quan hệ với Tổng thống Mỹ Donald Trump, bị xóa tài khoản trên mạng xã hội này vì đã thu thập trái phép thông tin cá nhân của khoảng 50 triệu người sử dụng Facebook.  

Điều gì đã xảy ra?       
 
Facebook đưa ra thông báo trên ngay sau khi tờ “Thời báo New York” và truyền thông Anh đồng loạt đưa tin Cambridge Analytica đã tìm cách tác động tới người Mỹ như thế nào trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 bằng việc sử dụng thông tin thu thập trái phép của hàng chục triệu người sử dụng Facebook.  

Facebook cho phép Giáo sư Tâm lý học Aleksandr Kogan tại Trường Đại học Cambridge (Anh) có quyền thu thập thông tin của những khách hàng tải ứng dụng có tên "thisisyourdigitallife" do vị giáo sư này viết.       

Tuy nhiên, qui định thiếu chặt chẽ của Facebook cũng cho phép Giáo sư Aleksandr Kogan thu thập luôn thông tin về vị trí, danh sách bạn bè, nội dung yêu thích và các thông tin khác của những người tải ứng dụng "thisisyourdigitallife". 

Vụ việc bị phanh phui sau khi “Thời báo New York” đăng phóng sự điều tra kết luận Giáo sư Kogan đã cung cấp thông tin của hơn 50 triệu khách hàng Facebook cho các công ty thứ 3, trong đó có Cambridge Analytica. Hành động đó vi phạm các qui định của Facebook, song mạng xã hội này đã không có bước đi hiệu quả nào để ngăn chặn.  


Dù Cambridge Analytica cam đoan rằng công ty này không hề sử dụng các thông tin nói trên khi được Tổng thống Trump thuê trong chiến dịch vận động tranh cử 2016. Song nhiều người đã nghi ngờ cam kết của Cambridge Analytica vì đây là công ty chuyên nghiên cứu và phát triển các ứng dụng phân tích dữ liệu hay công nghệ nhằm tác động tới quyết định của cử tri.

Facebook tuyên bố mạng xã hội này đã yêu cầu Giáo sư Kogan và Cambridge Analytica xóa dữ liệu khách hàng Facebook, nhưng “Thời báo New York” và kênh truyền hình Channel-4 của Anh ngày 20/3 khẳng định công ty nói trên đã không xóa bỏ tất cả thông tin.

Cambridge Analytica - tâm điểm của vụ bê bối mà Facebook đang đối mặt. Ảnh: Reuters

Trách nhiệm và uy tín của Facebook ở đâu?   

Vụ bê bối đã khiến dư luận lập tức đặt câu hỏi trách nhiệm bảo mật thông tin của Facebook đối với khách hàng. Facebook cũng đang đối mặt với áp lực rất lớn của dư luận, nhất là tại Mỹ, về việc mạng xã hội này đóng vai trò như thế nào trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.  

Cambridge Analytica cũng là công ty con của Tổ chức Truyền thông chiến lược (SCL), một công ty nổi tiếng có trụ sở tại Vương quốc Anh. SCL được coi có quan hệ mật thiết với phe ủng hộ Brexit tại Anh và có nhiều hoạt động trong những tháng trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 tại “xứ sở sương mù” về việc nước này có rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay  không.

Nhiều người hoài nghi liệu Facebook đã đủ minh bạch với chính khách hàng của mình về việc thông tin cá nhân của họ được dùng như thế nào? Hay Facebook có hành động đủ quyết liệt và trách nhiệm trong việc kiểm soát các công ty thứ 3 sử dụng dữ liệu cá nhân của khách hàng Facebook.  

Facebook, một khi vượt qua cơn sóng gió này, có lẽ sẽ phải tiến hành nhiều điều chỉnh lớn về mô hình kinh doanh, vốn trước này sống dựa vào việc bán dữ liệu của khách hàng cho các nhà phát triển ứng dụng và quảng cáo.   

Hậu quả nhãn tiền      

Hậu quả nhãn tiền không chỉ uy tín của Facebook bị sụt giảm, trách nhiệm bị hoài nghi mà giá trị thương mại của “người khổng lồ” này trên sàn chứng khoán cũng lao dốc nghiêm trọng. Chốt phiên giao dịch ngày 20/3 trên Sàn Chứng khoán New York, cổ phiếu của Facebook giảm gần 7% và 40 tỷ USD đã “không cánh mà bay”. 

Chính giới Anh và Mỹ cũng bắt đầu lên tiếng. Các nghị sĩ Anh đã yêu cầu Cambridge Analytica và Facebook cung cấp thêm chứng cứ. Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang Massachusetts (Mỹ) Maura Healey tuyên bố bang này sẽ mở một cuộc điều tra đối với Facebook và công ty nói trên.          

Trong ngày 20/3, Facebook đã tổ chức một cuộc họp khẩn các lãnh đạo cao nhất của mình, song không hiểu vì sao Giám đốc Điều hành Mark Zuckerberg lại không tham dự.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Điện Kremlin phản hồi việc Tổng thống Mỹ chậm chúc mừng Tổng thống Putin
Điện Kremlin phản hồi việc Tổng thống Mỹ chậm chúc mừng Tổng thống Putin

Điện Kremlin đã bình luận về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump lặng thinh và chậm chúc mừng ông Vladimir Putin tái đắc cử vị trí Tổng thống Nga với số phiếu bầu cao kỷ lục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN