Iran: Các biện pháp trừng phạt của Mỹ là 'phi pháp'

Chỉ ít giờ sau khi các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Iran có hiệu lực, ngày 6/11, trên trang YouTube, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã lên án các biện pháp trừng phạt và những yêu sách của Mỹ đòi hỏi sự thay đổi từ Tehran là "lố bịch, phi pháp và sai lầm một cách cơ bản".

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một thông điệp video bằng tiếng Anh và tiếng Iran, ông Zarif nhấn mạnh: "Chính quyền Mỹ dường như cho rằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc đối với Iran sẽ mang lại sự đau khổ như vậy cho đất nước của chúng tôi, từ đó sẽ buộc chúng tôi phải nghe theo ý họ".

Theo ông Zarif, Iran đã vượt qua những thời kỳ khó khăn khi đối mặt với 40 năm thù địch của Mỹ mà chỉ hoàn toàn dựa vào những nguồn lực nội địa. Ông khẳng định Iran cùng các đối tác toàn cầu sẽ đảm bảo rằng nhân dân Iran sẽ ít bị ảnh hưởng nhất từ hành động của Mỹ.

Ngoại trưởng Zarif cho biết những người tiền nhiệm của Tổng thống Mỹ Donald Trump ban đầu cũng định hình chính sách của họ về Iran một cách cứng rắn, nhưng khi có nhiều kinh nghiệm hơn trên chính trường, họ đã thay đổi quan điểm và tôn trọng thực tế về Iran.

Trong khi đó, liên quan đến lệnh trừng phạt Iran, Ấn Độ thông báo muốn ký một thỏa thuận sơ bộ với Tehran trong tháng này nhằm thanh toán tất cả những giao dịch dầu mỏ giữa hai bên bằng đồng rupees thông qua Ngân hàng UCO của Ấn Độ.

Kế hoạch này liên quan việc Tập đoàn dầu mỏ Ấn Độ (IOC) và Công ty Hóa, Lọc dầu Mangalore (MRPL) đặt mua tổng số 9 triệu thùng dầu trong tháng 12 của Công ty Dầu mỏ quốc gia Iran. Việc thanh toán bằng đồng rupees cũng sẽ thúc đẩy đồng nội tệ của Ấn Độ đối với đồng USD.

Trước đó, Ấn Độ - vốn được hưởng quyền miễn trừ đối với các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Tehran, đã tận dụng một cơ chế tương tự trong vòng trừng phạt trước, nhưng mới chỉ thanh toán 45% các giao dịch dầu mỏ bằng đồng nội tệ rupees. Iran đã sử dụng số tiền này để nhập khẩu hàng hóa của Ấn Độ, một quyết định giúp thúc đẩy xuất khẩu của Ấn Độ sang Iran.

Hồi tháng 5 vừa qua, Mỹ đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời áp đặt trở lại hai vòng trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo.

Vòng trừng phạt đầu tiên diễn ra cách đây hai tháng nhằm vào các lĩnh vực như chế tạo ôtô, buôn bán vàng và những kim loại quý hiếm khác.

Vòng trừng phạt mới lần này nhằm vào lĩnh vực năng lượng và các giao dịch liên quan dầu mỏ cũng như các giao dịch của Ngân hàng Trung ương Iran.

Hơn 700 cá nhân và thực thể của Iran đã bị liệt vào danh sách trừng phạt của Mỹ, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6/11.

Phương Hoa  (TTXVN)
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giao dịch với Iran bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giao dịch với Iran bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ

Ngày 6/11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố nước này sẽ không tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran, đồng thời cho rằng động thái này của Washington là nhằm làm "mất cân bằng" thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN