Khách hàng châu Á quan tâm tới hệ thống phòng thủ trước khủng hoảng Biển Đỏ

Chuyên gia và các quan chức ngành sản xuất quốc phòng cho biết việc lực lượng Houthi ở Yemen sử dụng tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) tại Biển Đỏ trong thời gian gần đây đã thu hút sự quan tâm của các nước châu Á về các hệ thống dùng để bắn hạ chúng.

Chú thích ảnh
Các loại vũ khí của lực lượng Houthi ở Yemen. Ảnh cắt từ video

Dẫn các báo cáo truyền thông của Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), nguồn tin nước ngoài đưa tin từ ngày 27/11 - lần đầu tiên thế giới ghi nhận việc sử dụng ASBM trong chiến đấu - đến ngày 20/2, tổng cộng 48 ASBM được sử dụng và Mỹ triển khai 12 lần đánh chặn ở Biển Đỏ. Tuy nhiên, những thông cáo này lưu ý nhiều ASBM do lực lượng Houthi bắn không gây nguy hiểm và hậu quả nghiêm trọng vì chúng còn thô sơ. Lực lượng Houthi cho biết tất cả tên lửa của họ đều là tự sản xuất.

Bên lề Triển lãm hàng không Singapore tổ chức trong tuần này, một giám đốc điều hành cấp cao của một nhà thầu quốc phòng Mỹ cho biết hoạt động của hệ thống phòng không ở Biển Đỏ và Ukraine đã thu hút sự chú ý của các khách hàng tiềm năng châu Á.

Vị giám đốc điều hành giấu tên chia sẻ: “Theo chúng tôi thấy, nhu cầu đối với hệ thống phòng không và tên lửa tích hợp ở châu Á ngày càng tăng”. Ông này cũng chỉ ra các loại thiết bị với nhu cầu lớn bao gồm các cảm biến để phát hiện mục tiêu, vũ khí để bắn hạ tên lửa và hệ thống chỉ huy và kiểm soát liên kết tất cả lại với nhau.

Trong khi đó, Giám đốc truyền thông Robert Hewson của nhà thầu quốc phòng Saab (Thụy Điển) cho hay tại triển lãm hàng không Singapore, không chỉ đối phó với tên lửa đạn đạo, các khách hàng châu Á giờ đây quan tâm nhiều hơn đến các mối đe dọa trên không nhỏ, cấp thấp như máy bay không người lái.

Trong một thông báo, CENTCOM cho biết họ không có số liệu đầy đủ về các ASBM được bắn, các lần đánh chặn và các nỗ lực đánh chặn. Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng Mỹ khẳng định bất cứ khi nào Hải quân Mỹ phát hiện ra ASBM và nó nằm trong tầm bắn của tàu Hải quân, chúng đều bị tiêu diệt.

Vốn dĩ các tàu khu trục của Hải quân Mỹ được trang bị hệ thống phòng không Aegis, với các bộ phận do nhà thầy uy tín Lockheed Martin sản xuất được thiết kế để bắn hạ máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Hệ thống Aegis sử dụng tên lửa SM-2, SM-3 và SM-6 của công ty con RTX Raytheon để ngăn chặn các mối đe dọa.

Trước câu hỏi liệu công ty có nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa kể từ khi Houthi tấn công trên Biển Đỏ, người phát ngôn của Raytheon từ chối bình luận, trong khi người phát ngôn của Lockheed Martin công khai về việc tăng cường sản xuất một số hệ thống.

Tại triển lãm, người phát ngôn của tập đoàn quốc phòng châu Âu MBDA lưu ý chính phủ Anh đã trao cho tập đoàn này một hợp đồng trị giá 400 triệu bảng Anh vào tháng 1 để nâng cấp hệ thống phòng không Sea Viper để xử lý tên lửa đạn đạo.

Đô đốc Hải quân Mỹ Mark Melson, chỉ huy Tập đoàn Hậu cần Tây Thái Bình Dương, cho biết trong khuôn khổ triển lãm hàng không, quân đội đang nghiên cứu những bài học từ các cuộc giao tranh tên lửa có thể áp dụng ở châu Á và các nơi khác. “Trong một môi trường rất cạnh tranh, khi chúng ta có thể gặp phải một kịch bản mà vũ khí được sử dụng với tỷ lệ cao, rõ ràng, chúng tôi muốn hiểu thách thức đó trông như thế nào”, quan chức quân sự chia sẻ.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Jerusalem)
Mỹ đã dùng khoảng 100 tên lửa trị giá 400 triệu USD để đối phó với Houthi trên Biển Đỏ
Mỹ đã dùng khoảng 100 tên lửa trị giá 400 triệu USD để đối phó với Houthi trên Biển Đỏ

Theo một thông tin gần đây, Hải quân Mỹ đã bắn khoảng 100 tên lửa đất đối không Standard vào các tên lửa và máy bay không người lái mà lực lượng Houthi phóng từ Yemen kể từ tháng 10/2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN