Kịch bản nào cho quan hệ Mỹ-Triều Tiên cuối năm 2019

Mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên vào cuối năm 2019 đã gia tăng căng thẳng, khiến các nhà phân tích cảnh báo rằng đó có thể là dấu hiệu khép lại triển vọng ngoại giao giữa hai quốc gia.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 tại Hà Nội vào tháng 2/2019. Ảnh: AFP 

Hồi tháng 4, Chủ tịch Kim Jong-un từng nói ông sẽ cho Mỹ hạn chót đến cuối năm để thay đổi chiến thuật đàm phán. Trong trường hợp Mỹ không thay đổi, lãnh đạo Triều Tiên khẳng định ông sẽ tìm con đường khác. Đàm phán trong tháng 10/2019 tại Thụy Điển cũng không thu được kết quả và Triều Tiên còn miêu tả Mỹ có “quan điểm và thái độ lạc hậu”.

Đến ngày 7/12, truyền thông nhà nước Triều Tiên đăng tin tuyên bố đã tiến hành một “thử nghiệm rất quan trọng” tại bãi phóng vệ tinh Sohae. Điều đáng chú ý đây cũng chính là địa điểm thử rocket mà Triều Tiên cam kết dỡ bỏ sau cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhất giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un vào tháng 6/2018.

Đáp lại, Tổng thống Trump đăng trên mạng xã hội Twitter rằng Chủ tịch Kim Jong-un sẽ mất tất cả nếu hành động với thái độ thù địch. Nhà lãnh đạo Mỹ đồng thời tái nhắc nhở rằng Triều Tiên phải “phi hạt nhân như đã cam kết”. Đến ngày 9/12, truyền thông nhà nước Triều Tiên gọi Tổng thống Trump là “lơ đễnh và thất thường”.

Bà Ankit Panda tại Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ nhận định với kênh CNBC: “Cuộc thử vũ khí này là cảnh báo về những hành động khác, có thể bao gồm thử tên lửa tầm xa, sắp xảy ra”. Trước đó, ngày 5/12, Triều Tiên đã phóng hai vật thể ra ngoài khơi nước này.

Nhiều nhà phân tích cho biết vẫn chưa rõ liệu cả Triều Tiên và Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận hạt nhân vào cuối tháng 12 hay không. Các nhà phân tích cho rằng Triều Tiên đã đặt ra hạn chót cho Mỹ với hy vọng Washington nhượng bộ để khởi động đàm phán hạt nhân. Nhưng bà Ankit Panda nói: “Bình Nhưỡng mặc dù đặt hạn chót cuối năm từ tháng 4 nhưng về cơ bản nước này đã đóng hoàn toàn cánh cửa ngoại giao với Mỹ”.

Cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ chuyên về Bán đảo Triều Tiên dưới thời Tổng thống Barack Obama – ông Mintaro Oba cho rằng cả Bình Nhưỡng và Washington đã lặp lại thất bại trong việc tạo ra linh hoạt cần thiết để đạt được thỏa thuận bền vững.

Cũng theo ông Mintaro Oba, Triều Tiên đang tìm cách để đến thời hạn cuối năm giảm lệnh trừng phạt. Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng có thể yêu cầu đảm bảo về an ninh là cơ sở của thỏa thuận.

Chuyên gia Harry Kazianis tại Trung tâm Quyền lợi quốc gia trụ sở ở Washington dự đoán Tổng thống Trump có thể không đạt được thỏa thuận với Chủ tịch Kim Jong-un vào cuối năm 2019. Theo chuyên gia Harry Kazianis, Tổng thống Trump không muốn mất đi sự ủng hộ từ đảng Cộng Hòa tại Thượng Viện do vậy sẽ không hề nhượng bộ cho đến cuối tháng 1/2020.

Học giả Shawn Ho tại Viện nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cho rằng nếu không đạt được thỏa thuận vào cuối tháng 12, Triều Tiên có thể thử tên lửa tầm xa.

Theo ông Shawn Ho, sau đó Triều Tiên có thể xây dựng mối quan hệ thân thiết hơn với đồng minh Trung Quốc và Nga với hy vọng giảm được áp lực từ lệnh trừng phạt. Ông Shawn Ho nói: "Đến nay phương pháp của Triều Tiên mới tập trung vào đàm phán song phương với Mỹ để giải quyết vấn đề nhưng Bình Nhưỡng có thể có kế hoạch B với Bắc Kinh và Moskva".

Hà Linh/Báo Tin tức
Mỹ tăng cường hoạt động bay giám sát trên Bán đảo Triều Tiên
Mỹ tăng cường hoạt động bay giám sát trên Bán đảo Triều Tiên

Trang theo dõi hoạt động hàng không Aircraft Spots cho biết ngày 11/12, Mỹ đã triển khai 1 máy bay trinh sát Global Hawk trên bầu trời Bán đảo Triều Tiên và một máy bay ném bom chiến lược B-52 trên bầu trời thuộc vùng biển gần Nhật Bản. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN