Lẩu - món ăn gắn kết thế hệ GenZ gốc Á xa xứ

Món ăn cho phép mọi người quây quần bên một chiếc nồi duy nhất và nấu ăn cùng nhau, thúc đẩy sự gắn kết giữa những người xa gia đình.

Chú thích ảnh
Người trẻ gốc Á tại nước ngoài quây quần bên nồi lẩu trong dịp lễ Tết. Ảnh: New York Times 

Trong một bữa tối tiếp đón vài ba vị khách, tiếng nhạc khe khẽ vang lên, Jenna Zhang và Irene Kim sinh sống tại Astoria, quận Queens (New York, Mỹ) bắt đầu bày biện các đĩa thực phẩm chưa nấu: thịt bò thái lát, đậu phụ, chả cá, bắp cải, bánh gạo và mì ăn liền. Họ cùng nhau chuẩn bị cho bữa ăn trước Tết Nguyên đán – một dịp để hỏi thăm bạn bè lâu không có cơ hội gặp mặt. Quây quần với nhau xì xụp bên nồi nước lẩu khói bốc nghi ngút đã khiến lẩu trở thành món ăn được cộng đồng giới trẻ người Mỹ gốc Á yêu thích trong mỗi dịp Tết đến xuân về.

Tại một số quốc gia châu Á, Tết Nguyên đán bắt đầu vào ngày 10/2 năm nay là một ngày lễ lớn. Trong dịp này, mọi người có thời gian nghỉ dài và dành thời gian về thăm gia đình, người thân. Đối với những người sống ở nước ngoài, việc trở về quê hương là một niềm mong ước khi tài chính không cho phép cũng như thời gian hạn hẹp.

Zhang chia sẻ đối với bố mẹ cô và sáu anh chị em, Tết Nguyên đán là ngày lễ duy nhất họ tổ chức và là lần duy nhất trong năm họ ở cùng nhau. Cứ đến dịp họp mặt, lẩu luôn là món ăn được lựa chọn.

Bữa lẩu mang đến cơ hội cho những người thân yêu quây quần bên một nồi, thả các nguyên liệu vào nước dùng chung để mọi người cùng lấy và chia sẻ thức ăn với nhau. Đó vừa là bữa ăn vừa là một tập tục nuôi dưỡng tình thân, gợi lại hoài niệm.

Tansy Huang (22 tuổi), làm việc tại chợ Pike Place (Seattle), cho biết mẹ anh luôn nấu món lẩu cho gia đình khi thời tiết trở lạnh. Anh nói: “Lẩu là một cách thể hiện sự quan tâm lẫn nhau, giữ ấm và khỏe mạnh cho nhau”.

Không giống như các món ăn Tết truyền thống như bánh bao và cá, lẩu rất dễ làm. Đây cũng là một điểm cộng cho những bạn trẻ không có đủ không gian hoặc kinh nghiệm nấu nhiều món. Bạn chỉ cần rửa sạch và chuẩn bị nguyên liệu. Khách tham gia bữa lẩu sẽ làm phần còn lại.

Giống như nhiều bạn bè đồng trang lứa, Zoey Gong (27 tuổi), một đầu bếp chuyên về y học cổ truyền Trung Quốc chuyển đến Mỹ từ 11 năm trước, không có gia đình ở đây. Trong dịp tết năm ngoái, sinh nhật và lễ tạ ơn, Zoey đều làm lẩu đãi bạn bè.

“Việc nấu một bữa ăn năm mới truyền thống với cá và mọi thứ tốn rất nhiều công sức, vì vậy ănlẩu sẽ dễ dàng hơn rất nhiều”, Zoey chia sẻ.

Zhang và Kim năm nay đã sắm một nồi lẩu truyền thống có nhiều ngăn để đựng nước dùng riêng, phù hợp khẩu vị mỗi vị khách. Gia vị lẩu cũng có thể dễ dàng mua gói đóng sẵn.

Michelle King, giáo sư lịch sử tại Đại học Bắc Carolina, giải thích: “Sức hấp dẫn chính của món lẩu là nó thuận tiện cho các bữa tụ tập. Điều này được thể hiện trong cách bạn ăn và tương tác với nhau trong bữa ăn”.

Bạn có thể chọn nguyên liệu theo ý muốn, gắp mì cho nhau, không ngại chung đụng đũa và nước dùng. Các bữa lẩu cũng kéo dài thời gian trò chuyện trên bàn ăn hơn vì mọi người phải nấu tại chỗ.

“Không cần phải là gia đình mới làm được điều đó. Nhưng cũng không thể ăn lẩu một mình. Đây là món ăn mà chúng ta phải ăn cùng người khác”, Giáo sư King lý giải.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo New York Times)
Hoa đào trong ngày Tết cổ truyền của người Việt
Hoa đào trong ngày Tết cổ truyền của người Việt

Hoa đào từ lâu đã là loại hoa truyền thống không thể thiếu vào ngày Tết cổ truyền, đặc biệt là các tỉnh, thành phía Bắc. Hoa đào sở hữu vẻ đẹp rực rỡ và đến nay, loại hoa này trở thành biểu tượng đặc trưng trong ngày Tết cổ truyền của người Việt, mang ý nghĩa thu hút may mắn, tài lộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN