Lầu Năm Góc bắt đầu hạn chế người tiếp cận tài liệu quân sự tối mật

Lầu Năm Góc đã bắt đầu hạn chế những người trong toàn chính phủ nhận được các bản tóm tắt tình báo tối mật hàng ngày sau vụ rò rỉ thông tin trên mạng xã hội.

Chú thích ảnh
Trụ sở Lầu Năm Góc. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kênh CNN ngày 13/4, một số quan chức Mỹ từng nhận tài liệu tóm tắt hàng ngày đã không nhận được nhận tài liệu này trong những ngày gần đây. Điều này diễn ra khi Bộ tổng tham mưu của Lầu Năm Góc tiếp tục cắt giảm danh sách phân phát tài liệu.

Bộ tổng tham mưu đã bắt đầu kiểm tra danh sách phân phát tài liệu ngay sau khi biết về vụ tài liệu mật bị rò rỉ. Có dấu hiệu cho thấy nhiều tài liệu trong số đó là sản phẩm của J2 - bộ phận tình báo của Bộ tổng tham mưu.

Một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho biết họ đã xem xét tất cả danh sách thư điện tử và một số lệnh cấm có thể chỉ là tạm thời. Quan chức này nói thêm rằng mọi người trong danh sách đều có quyền tiếp cận hợp lý, nhưng không phải ai cũng cần nhận thông tin đó hàng ngày.

Trong một cuộc phỏng vấn với News Nation ngày 12/4, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Pat Ryder thông báo Lầu Năm Góc đang xem xét các biện pháp có thể thực hiện để ngăn chặn các vụ rò rỉ trái phép có thể xảy ra trong tương lai.

Các tài liệu mật vừa bị phát tán trực tuyến dường như đã được in phần lớn từ các cuốn sách tóm tắt mà các nhân viên đã tập hợp lại cho các quan chức cấp cao trong Bộ tổng tham mưu của Lầu Năm Góc.

Các quan chức cho biết trước đây, hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn người trong toàn chính phủ Mỹ có thể truy cập các trang tóm tắt của Bộ tổng tham mưu. Lầu Năm Góc đã ngừng phân phát các bản cập nhật cho nhiều người trong các cơ quan chính phủ khác nhau.

Một quan chức cấp cao Mỹ nói với CNN: “Quá nhiều người có quyền truy cập vào thông tin rất nhạy cảm”. Ông này cho biết hàng nghìn người có thể đã xem những tài liệu này trước khi chúng xuất hiện trên internet.

Không rõ Bộ Quốc phòng Mỹ đã cắt giảm các danh sách phân phát tài liệu ở mức độ nào và liệu có thêm người nào bị từ chối quyền tiếp cận các tài liệu tóm tắt tình báo khi cuộc điều tra tiếp tục hay không.

Ngoài nhận tài liệu mật qua email, các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc còn được phát máy tính bảng mỗi ngày để xem thông tin tình báo mới nhất. Tuy nhiên, các bản in ra giấy cũng rất phổ biến. Nhiều quan chức cũng nhận các bản in thông tin tình báo hàng ngày.

Vì các tài liệu bị rò rỉ dường như là các bản in rồi được chụp lại, nên các nhà điều tra chắc chắn sẽ kiểm tra nhật ký máy in từ vài tháng trước.

Trước vụ rò rỉ, bộ phận tình báo của Bộ tổng tham mưu đã tìm cách yêu cầu các ban tham mưu khác nâng cao bảo mật thông tin.

Kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine năm 2022, nhu cầu về báo cáo tình báo hàng ngày của Lầu Năm Góc đã tăng lên, vì nhiều người ở các cơ quan trong chính phủ đang muốn cập nhật về khả năng và kế hoạch quân sự của Ukraine.

Các nhà điều tra viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ cũng đang làm việc với các quan chức Lầu Năm Góc để đánh giá thiệt hại. Điều này sẽ trở thành một phần bằng chứng được sử dụng khi truy tố được đối tượng liên quan.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: clearancejobs

Các tài liệu vừa bị rò rỉ đã cho thấy những lỗ hổng tồn tại dai dẳng trong quy trình quản lý bí mật của chính phủ Mỹ, ngay cả sau khi các cơ quan đại tu hệ thống máy tính sau vụ rò rỉ của Edward Snowden năm 2013.

Khi đó, các cơ quan liên bang đã thay đổi hệ thống máy tính để theo dõi tốt hơn quyền truy cập vào các tài liệu nhạy cảm. Một số hệ thống hiện lưu lại thông tin nhân viên nào truy cập vào các tài liệu nào và các cơ quan nào sử dụng máy in sẽ ghi lại nhân viên nào in tài liệu nào.

Trong cuộc điều tra hiện nay, các nhà điều tra FBI đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn khi phải sàng lọc dấu vết của hàng ngàn người có quyền truy cập vào các tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Trước đó, vào tối 12/4, tờ Washington Post đưa tin rằng người đứng sau vụ rò rỉ mới nhất làm việc trong một căn cứ quân sự và đã chia sẻ các tài liệu tóm tắt nhạy cảm cho một phòng trò chuyện gồm khoảng 20 người trên Discord – một nền tảng mạng xã hội phổ biến với người chơi điện tử.

Theo nguồn tin này, nghi phạm là thanh niên trẻ, đam mê súng, có xu hướng phân biệt chủng tộc. Người này đã đăng các tài liệu mật trên nhóm trò chuyện của ứng dụng Discord. Một thành viên trong nhóm trò chuyện trên tiết lộ nghi phạm có biệt danh là OG. Anh ta nhiều lần nhấn mạnh trong nhóm rằng mình đã làm việc tại một căn cứ quân sự của Mỹ. Tại đây, công việc chính của OG cho phép anh ta tiếp cận và đọc một số lượng lớn tài liệu mật.

Theo những người trong nhóm trò chuyện, OG đã chia sẻ tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ lên nhóm nhằm “gây ấn tượng” với các thành viên khác. Người này đã đăng tổng cộng 300 bức ảnh về các tài liệu mật, gấp 3 lần con số được cho là đang bị phát tán trước đó.

Hiện không rõ OG đang lẩn trốn ở đâu. Thành viên nhóm trò chuyện nói rằng anh ta “dường như rất bối rối và không biết phải làm gì”. Trong tin nhắn cuối cùng gửi bạn bè trên nhóm trò chuyện, OG nói: “Hãy xóa các thông tin có liên quan và tránh kể về những chuyện này”.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Mỹ chưa cấp phép để máy bay chở Ngoại trưởng Lavrov tới New York dù Nga làm Chủ tịch HĐBA
Mỹ chưa cấp phép để máy bay chở Ngoại trưởng Lavrov tới New York dù Nga làm Chủ tịch HĐBA

Phía Nga đã lên tiếng chỉ trích Mỹ về cách đối xử với Ngoại trưởng nước này, ông Sergey Lavrov.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN