Lý do kế hoạch áp đặt giá trần với dầu Nga không khả thi

Mỹ đang tích cực nghiên cứu đề xuất giới hạn giá dầu Nga ở mức trong khoảng 40 - 60 USD/thùng. Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên đưa ra ý tưởng này tại hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới G7 vào tháng trước, nhưng các chuyên gia cho rằng kế hoạch không khả thi.

Chú thích ảnh
Một cơ sở khai thác dầu ở ngoài khơi Astrakhan, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang oilprice.com, giới hạn giá dầu là vũ khí năng lượng lớn nhất mà Mỹ có để chống lại Nga. Lần đầu tiên được Thủ tướng Italy Mario Draghi đưa ra vào đầu năm nay, ý tưởng này sau đó đã được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đưa ra trong các cuộc thảo luận với Liên minh châu Âu về cách thức trừng phạt Nga.

Hiện nay, ý tưởng đã được G7 xem xét. Thông tin rằng G7 đang xem xét áp trần giá đối với dầu thô xuất khẩu của Nga đã xuất hiện nhiều trên truyền thông, nhưng hầu như không có nhiều giải thích về kế hoạch này sẽ hoạt động ra sao. Đề xuất cụ thể duy nhất là gắn giá dầu với bảo hiểm, để Nga chỉ có thể bảo hiểm dầu của mình ở một mức giá nhất định.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong tuần này đề nghị đặt ra giới hạn giá dầu Nga bằng một nửa giá hiện tại. Dầu Nga đã được bán với giá giảm mạnh so với các lựa chọn thay thế.

Các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục giữa các quan chức G7, nhưng các nhà phân tích cho rằng kế hoạch này khó khả thi.

Ông Neil Atkinson, một nhà phân tích dầu độc lập, nói với CNBC: “Những thứ như thế này chỉ có thể có tác dụng nếu bạn khiến tất cả các nhà sản xuất chủ chốt và quan trọng là tất cả những người tiêu dùng cùng phối hợp và sau đó tìm ra cách nào đó để thực thi kế hoạch đưa ra”.

Đây có vẻ là một công việc khó khăn. Khiến toàn bộ tổ chức OPEC+ chống lại đối tác Nga chắc chắn nói dễ hơn làm. Thuyết phục Trung Quốc và Ấn Độ ủng hộ kế hoạch này cũng nói dễ hơn làm, mặc dù cả hai đều là những nhà nhập khẩu lớn và chắc chắn sẽ thích giá dầu thấp hơn nữa.

Nhưng có một vấn đề lớn hơn nhiều với đề xuất giới hạn giá. Bà Amrita Sen tại công ty Energy Aspects nói với CNBC: “Chúng ta có thực sự nghĩ rằng Nga sẽ chấp nhận điều này và không trả đũa? Tôi nghĩ điều này nghe có vẻ là khái niệm lý thuyết rất hay nhưng sẽ không hiệu quả trong thực tế”.

Bà Sen cũng đưa ra một nhận xét quan trọng trong nhận định của mình về mức trần giá dầu. Theo bà Sen, ý tưởng rằng các quốc gia trên thế giới có cùng quan điểm với các chính trị gia phương Tây về bất kỳ điều gì, đặc biệt là an ninh năng lượng, là quan niệm sai lầm lớn nhất hiện nay.

Điều này về cơ bản cho thấy rằng các tổng thống và thủ tướng G7 có thể đưa ra ý tưởng giới hạn giá dầu để trừng phạt Nga, nhưng phần còn lại của thế giới có quan điểm khác và có thể khó thay đổi.

Trong một phân tích gần đây cho Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, chuyên gia tư vấn về các vấn đề quốc tế Sergei Vakulenko đã nhận định rằng giả định Nga sẽ không trả đũa đối với động thái giới hạn giá dầu có thể là sai.

Do đó, có hai trở ngại khá lớn đối với các nguyên thủ quốc gia G7 và chính phủ của các nước này. Đầu tiên là tìm ra chính xác cách áp đặt trần giá dầu. Kịch bản về bảo hiểm nghe có vẻ hợp lý, mặc dù có những nghi ngờ rằng kịch bản này cuối cùng sẽ có hại cho các công ty bảo hiểm thay vì Nga.

Trở ngại thứ hai là giả định rằng Nga sẽ không làm gì cả. Đó là một giả định nguy hiểm. Báo cáo của JP Morgan đã ước tính rằng nếu Nga quyết định ngừng xuất khẩu để đáp trả, giá dầu có thể tăng lên 380 USD/thùng.

Ngoài ra còn có một vấn đề khác: G7 đang hết thời gian để giới hạn giá dầu của Nga. EU sẽ thực hiện lệnh cấm vận đối với tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu từ đường biển của Nga vào cuối năm nay. Mỹ đã cấm nhập khẩu hydrocacbon của Nga. Giới hạn giá sau khi lệnh cấm vận của châu Âu có hiệu lực sẽ không có ý nghĩa gì.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Bloomberg: Kinh tế Nga chống chọi với các lệnh trừng phạt tốt hơn dự báo
Bloomberg: Kinh tế Nga chống chọi với các lệnh trừng phạt tốt hơn dự báo

Trang Bloomberg dẫn lời các chuyên gia nhận định Nga dường như đang trải qua cuộc suy thoái nhẹ nhàng hơn nhiều so với dự đoán ​​ban đầu trong năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN