Máy bay Trung Quốc bám sát siêu tàu sân bay Mỹ vừa tập trận trên Biển Đông

Trong bối cảnh căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên vẫn đang leo thang, siêu tàu sân bay của Mỹ USS Ronald Reagan ngày 30/9 đã tiến hành một cuộc tập trận định kỳ trên Biển Đông và phát hiện ra có hai tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc theo dõi.

Chiến chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet hạ cánh trên boong tàu USS Ronald Reagan tại Biển Đông ngày 30/9. Ảnh: Bobby Yip/Reuters

Theo hãng tin Reuters, khi các chiến đấu cơ F-18 Super Hornet cất cánh từ boong tàu sân bay USS Ronald Reagan, đơn vị đã phát hiện ra hai tàu khu trục nhỏ đang ngầm theo dõi buổi tập trận của Mỹ.

Các sĩ quan trên tàu sân bay Reagan miêu tả tàu chiến của Lực lượng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thường xuyên giám sát cự li gần trong vùng biển quốc tế. Thậm chí thi thoảng các tàu này của Trung Quốc còn bám chặt theo tàu sân bay trên đường tới địa điểm khác.

Để phản ứng lại đoàn “hộ tống” không hề mong đợi từ phía Trung Quốc, tàu Mỹ quyết định thay đổi hướng đi và phát tín hiệu cảnh báo nhằm đảm bảo đường đi an toàn.

“Chúng tôi không có vấn đề. Họ cũng rất chuyên nghiệp. Chúng tôi cũng thường xuyên thấy họ”, Chuẩn Đô đốc Marc Dalton – chỉ huy nhóm tàu tấn công do tàu sân bay USS Ronald Reagan dẫn đầu, cho biết.

Hiện Mỹ vẫn thường xuyên thực hiện các buổi tập trận với các quốc gia đồng minh – Hàn Quốc và Nhật Bản – như một động thái phô trương sức mạnh trước Triều Tiên. Sau các buổi tập trận với Nhật Bản cuối tuần qua, tàu USS Ronald Reagan sẽ cập cảng Hong Kong trong tuần nay, trước khi lên đường tham gia tới sát Bán đảo Triều Tiên tập trận cùng quân đội Hàn Quốc dự kiến vào ngày 15/10.

Tuy nhiên theo nhận xét từ một nhà ngoại giao cấp cao Nga, những buổi tập trận như vậy chỉ càng làm cho tình hình trở nên căng thẳng, khiêu khích lãnh đạo Triều Tiên hướng tới quan điểm đối đầu.

Mikhail Ulyanov - Giám đốc Vụ không phổ biến vũ khí của Bộ Ngoại giao Liên bang Nga – ngày 25/9 trả lời hãng Interfax: “Những buổi tập trận quy mô lớn dàn dựng ở sát vùng biển Triều Tiên rõ ràng nhằm mục đích muốn khiêu khích lãnh đạo Triều Tiên (Kim Jong-un) khiến ông ấy sẽ có hành động tùy tiện”.

Tuần trước, siêu tàu sân bay Ronald Reagan tải trọng 100.000 tấn của Hải quân Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận với tàu chiến Nhật Bản ở khu vực vùng biển phía nam Bán đảo Triều Tiên. Ngay sau đó, Bình Nhưỡng đã tung lời đe dọa thử “bom nhiệt hạch” trên vùng Biển Thái Bình Dương.

Nhằm giúp khủng hoảng Triều Tiên chấm dứt, Nga và Trung Quốc đề xuất kế hoạch “đóng băng kép”, gợi ý Bình Nhưỡng tạm dừng các buổi phóng thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân, đồng thời đổi lại Washington cũng phải ngừng tập trận với Seoul.

Song đề xuất đó nhanh chóng bị Mỹ bác bỏ, cho rằng Washington có quyền tập trận với đồng minh. Không chỉ có vậy, Mỹ còn yêu cầu thêm các lệnh trừng phạt, kêu gọi Nga dừng cung cấp dầu cho Triều Tiên. Phía Nga cũng từ chối lời kêu gọi, nhấn mạnh thay vì trừng phạt, đối thoại mới là phương án giải quyết duy nhất cho khủng hoảng.

Trong ngày 30/9, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận về những nỗ lực kìm chế tham vọng hạt nhân Triều Tiên và chuẩn bị cho chuyến công du tới Trung Quốc sắp tới của Tổng thống Donald Trump.

Trong phiên điều trần trước Thượng viện đầu tuần trước, Trợ lý Ngoại trưởng Susan Thornton cũng khẳng định chính sách của Trung Quốc đang có sự thay đổi trong việc xử lý vấn đề Triều Tiên.

Hồng Hạnh/Báo Tin Tức
Tổng thống Mỹ không muốn 'tốn thời gian' đàm phán với Triều Tiên
Tổng thống Mỹ không muốn 'tốn thời gian' đàm phán với Triều Tiên

Ngày 1/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã nói với nhà ngoại giao hàng đầu của nước này không nên phí thời gian tìm cách đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, người mà ông gán cho cái tên "Người tên lửa".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN