Một năm xung đột Nga - Ukraine - Bài 2: Đa dạng hóa để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng

Xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra một năm trước đã gây ra những tác động lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu về năng lượng, lương thực, nguyên liệu thô cũng như linh kiện đầu vào. Để đối phó với những "cơn bão" có thể ập đến trong tương lai, chính phủ các nước trên thế giới và công ty đa quốc gia đã đẩy mạnh các biện pháp quản trị và phòng ngừa rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng, cũng như tái định hình mạng lưới sản xuất và phân phối theo hướng chủ động và đa dạng hóa hơn.

Chú thích ảnh
Tàu neo tại cảng Mariupol trên biển Azov. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Xung đột gây xáo trộn nguồn cung

Xung đột Nga-Ukraine nổ ra đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường biển và đường hàng không. Xung đột đã cắt đứt nhiều tuyến đường vận chuyển quan trọng, buộc các công ty logistics tạm ngừng dịch vụ và giá cước hàng không đang tăng vọt.

Theo các công ty, do không phận Ukraine đóng cửa với các chuyến bay dân sự và các hãng hàng không tránh bay qua không phận Nga, giá cước vận chuyển hàng không đã tăng đột biến. Điều này làm giảm đáng kể lượng cung cấp hàng hóa từ các hãng hàng không.

Ông Judah Levine, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của công ty Freightos Group, cho biết khi các hãng hàng không tránh không phận Nga, họ sẽ thực hiện các đường bay thay thế, dài hơn, từ đó làm tăng chi phí nhiên liệu. Điều này cũng góp phần khiến giá cả hàng hóa tăng vọt.

Ngoài ra, nhiều chuyến bay đã bị hủy hoặc phải đổi tuyến bay, gây áp lực lên khả năng vận chuyển hàng hóa và làm gia tăng lo ngại về sự cố gián đoạn chuỗ i cung ứng. Nhiều sản phẩm nguyên, nhiên liệu đầu vào không được cung cấp kịp thời như hợp chất platinum, nhôm, dầu hướng dương, dầu thô và thép, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các nhà máy ở châu Âu, Nga và Ukraine.

Ukraine và Nga đều là những quốc gia đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới cung cấp hợp chất palladium và platinum cho thế giới. Các hợp chất này được sử dụng trong bộ chuyển đổi xúc tác của động cơ, cũng như nhôm, thép và chrome. Các doanh nghiệp có chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp như các nhà sản xuất ô tô đã và đang cảm nhận được một loạt tác động tiêu cực do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào ở tất cả các khâu sản xuất.

Các nhà sản xuất chất bán dẫn thận trọng theo dõi lượng dự trữ neon, xenon và palladium toàn cầu, vì vai trò thiết yếu của chúng trong những sản phẩm của họ. Các nhà sản xuất khoai tây chiên và mỹ phẩm lo ngại trước tình trạng thiếu dầu hướng dương, mà phần lớn trong số đó được sản xuất ở Nga và Ukraine.

Ngoài ra, căng thẳng leo thang còn làm cho giá năng lượng tăng vọt, đẩy chi phí vận chuyển lên cao hơn. Đầu năm 2022, giá dầu thô Brent được giao dịch trong khoảng 78-80 USD/thùng. Giá dầu đã đạt đỉnh gần 140 USD/thùng vào tháng 3/2022 sau khi xung đột nổ ra, sau đó giao dịch ở mức khoảng 122 USD/thùng. Trong giai đoạn từ đó đến tháng 8/2022, giá dầu vẫn vượt mốc 100 USD/thùng trước khi giảm nhẹ.

Giá dầu tăng cao kỷ lục làm xấu đi triển vọng vốn đã tồi tệ của các hãng vận tải khi chi phí nhiên liệu tăng lên. Cước vận chuyển từ Trung Quốc đến châu Âu của Freightos Air Index đã tăng hơn 80% vào cuối tháng 2/2022, lên 11,36 USD/kg, khi việc một số hãng vận tải đã áp dụng phụ phí rủi ro do chiến sự.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine cùng với những biện pháp trả đũa lẫn nhau giữa các bên trong năm qua đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu và logistics, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp lương thực.

Cả Nga và Ukraine đều là những nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 30% sản lượng lúa mỳ và 17% sản lượng ngô xuất khẩu, 32% lúa mạch và 75% dầu hướng dương. Hai nước đều thuộc top 3 trong bảng xếp hạng các nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới.

Kể từ sau khi nổ ra xung đột, Ukraine đã ra lệnh cấm xuất khẩu lương thực, ưu tiên cung cấp lương thực cho người dân ở các vùng chiến sự. Nga cũng hành động tương tự khi cấm xuất khẩu lúa mỳ cho một số nước láng giềng đến tháng 6/2022.

Nhưng chưa hết, Nga lại là nhà xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới và nước này đã tạm ngừng xuất khẩu cho đến khi dịch vụ vận chuyển ra vào nước Nga được khôi phục.

Đặc biệt, sau xung đột, các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất, dầu mỏ lớn thứ hai và than đá lớn thứ ba thế giới, đã đẩy giá dầu và khí đốt liên tiếp tăng vọt, góp phần làm tăng chi phí sản xuất trong nhiều ngành công nghiệp và khiến sự cân bằng trên thị trường thế giới một lần nữa bị phá vỡ. 

Chạy đua để phòng ngừa rủi ro đứt gãy

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp, các quốc gia đã có những biện pháp thích nghi khác nhau để đa dạng hóa sản xuất và không phụ thuộc vào một nguồn cung ứng hay quốc gia nào. Việc xây dựng một mạng lưới cung ứng thay cho một chuỗi cung ứng duy nhất sẽ làm tăng độ phức tạp vì có nhiều nhà cung cấp các sản phẩm giống nhau. Tuy nhiên, lựa chọn này lại có thể làm giảm rủi ro một khi xảy ra cú sốc về nguồn cung.

Chú thích ảnh
Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất ô tô ở thành phố Toyota, tỉnh Aichi, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong thời gian tới, cạnh tranh tham gia chuỗi cung ứng sẽ diễn ra quyết liệt hơn, nhất là giữa các nước đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động. Các doanh nghiệp có xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các nước trong cùng khu vực địa lý để giảm phụ thuộc hoặc tránh rủi ro từ chiến tranh thương mại hoặc các đòn trừng phạt lẫn nhau giữa các nền kinh tế.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng dịch chuyển chuỗi cung ứng đòi hỏi thực hiện đầu tư, thường gắn với hoạt động sản xuất có công nghệ cao, sản phẩm hàng hóa chiến lược có giá trị gia tăng cao, liên quan tới bí mật công nghệ và an ninh quốc gia. Hướng dịch chuyển này đưa đến việc doanh nghiệp di chuyển toàn bộ hoặc một phần sản xuất về nước.

Chiến lược về chuỗi cung ứng, đặc biệt là các mặt hàng chiến lược và thiết yếu, ngày càng đóng vai trò lớn hơn trong các chương trình nghị sự kinh tế. Chính phủ các nước quan tâm hơn đến việc thúc đẩy sản xuất trong nước, nhằm giảm tính dễ tổn thương của mình trước các gián đoạn nguồn cung nước ngoài.

Tháng 4/2022, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua dự luật thúc đẩy an ninh kinh tế, trong đó kêu gọi tăng cường các chuỗi cung ứng để đảm bảo ổn định nguồn cung các mặt hàng quan trọng như chip bán dẫn, dược phẩm và kim loại hiếm. Các mặt hàng mang tính chiến lược sẽ được giám sát chặt chẽ và Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ tài chính cho các nhà cung ứng trong nước có nguồn cung ổn định. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng thúc giục các nhà chế tạo đưa hoạt động sản xuất trở lại nước Mỹ, quốc gia từng đi đầu trong việc chế tạo chip cho mọi sản phẩm điện tử, từ máy hút bụi, tivi cho đến ô tô. Trong bối cảnh đại dịch bộc lộ rõ sự phụ thuộc của ngành công nghiệp vào các sản phẩm nhập khẩu, chính phủ các nước, đặc biệt là Mỹ và châu Âu, đã tập trung vào việc đảm bảo nguồn cung chất bán dẫn sau nhiều năm ngành sản xuất này chuyển sang các nước châu Á có chi phí thấp hơn. Chính quyền của Tổng thống Biden muốn đầu tư 52 tỷ USD vào nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn trong nước.

Ông Scott Price, Chủ tịch Công ty chuyển phát nhanh quốc tế UPS International, cho rằng một hệ quả được nhìn thấy rõ nhất trong thời gian qua là "sự chuyển đổi sang các mô hình chuỗi cung ứng mới", với việc các công ty chuyển dây chuyền sản xuất hàng hóa phức tạp đến nơi gần hơn với người dùng để đối phó với môi trường chi phí vận tải cao và sự chấm dứt của kỷ nguyên lao động giá rẻ tại Trung Quốc.

Trước đây, việc đưa cơ sở sản xuất ra nước ngoài để tiết kiệm nhân lực và các chi phí kinh doanh khác từng được nhiều nhà sản xuất lựa chọn. Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều biến số khó lường khiến chuỗi cung ứng trở nên mong manh, việc "hồi hương" hoạt động sản xuất về trong nước và địa phương hóa sản xuất hay lựa chọn các nhà cung cấp thay thế gần hơn là những giải pháp an toàn hơn. 

Mặc dù mặt hạn chế của xu hướng dịch chuyển hoạt động sản xuất là chi phí xây dựng các cơ sở vật chất sản xuất mới khá cao, song đây là giải pháp mang tính dài hạn và giúp doanh nghiệp xây dựng một chuỗi cung ứng hiệu quả và linh hoạt. Mục tiêu của các công ty đa quốc gia hiện nay không chỉ là tối ưu hóa chi phí mà còn là đa dạng hóa mạng lưới nhà cung cấp, phân tán rủi ro theo khu vực để giảm thiểu thiệt hại khi một "mắt xích" trong chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Ngoài ra, tăng lượng hàng dự trữ cũng là chiến lược đang được áp dụng rộng rãi để tăng cường "sức đề kháng" của chuỗi cung ứng. Đây cũng là ưu tiên hàng đầu đối với các nhà sản xuất và bán lẻ trong ngắn hạn. Mô hình sản xuất tức thời để tiết kiệm chi phí dần được thay thế bằng mô hình tích trữ để phòng ngừa cho những "cú sốc" trong tương lai.

Tuy nhiên, lượng hàng dự trữ cao lại ảnh hưởng đến nguồn vốn lưu động của doanh nghiệp và cũng có nguy cơ lỗi thời do những tiến bộ về công nghệ hay nhu cầu khách hàng thay đổi. Điều này dẫn đến lãng phí nguồn tài nguyên quý giá và mất doanh thu nếu không quản lý thận trọng.

Bài cuối: Tương lai toàn cầu hóa

Lê Minh/TTXVN (Tổng hợp)
Một năm xung đột Nga - Ukraine - Bài 1: Khủng hoảng năng lượng đã nhìn thấy hồi kết?
Một năm xung đột Nga - Ukraine - Bài 1: Khủng hoảng năng lượng đã nhìn thấy hồi kết?

Xung đột Nga - Ukraine không chỉ tác động bất lợi tới hai nền kinh tế được coi là nguồn cung dầu khí hàng đầu và vựa ngũ cốc của thế giới, mà còn gây ra những biến động khó lường trên các thị trường năng lượng, lương thực, hàng hóa, tài chính toàn cầu. Trong bối cảnh khủng hoảng chưa có hồi kết, các nước đã nhanh chóng định hình lại chuỗi cung ứng và sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh liên kết khu vực để sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, tăng tốc chuyển đổi số trong các ngành nghề.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN