Mỹ không thể tấn công bằng UAV nếu thiếu Đức

Có phải căn cứ Ramstein ở Đức đóng vai trò quyết định trong các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Mỹ? Một cựu phi công điều khiển máy bay không người lái Mỹ đã khẳng định không có Đức thì cuộc chiến bí mật bằng máy bay không người lái của Mỹ không thể thực hiện được.

Theo các nhà nghiên cứu thuộc đài truyền hình NDR, WDR và báo "Nam Đức", căn cứ không quân của Mỹ ở Ramstein (thuộc bang Rheinland-Pfalz) chính là trung tâm của các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vốn gây tranh cãi của Mỹ tại các nước như Pakistan, Yemen và Somalia. 

Căn cứ không quân của Mỹ ở Ramstein, Đức. Ảnh: DPA


Những hình ảnh sống động gửi về từ các UAV sẽ được phân tích tại Ramstein và sau đó thông tin sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với các dữ liệu về tình báo. Theo ba tổ chức truyền thông nêu trên, ngay từ tháng 2/2003, đã hình thành ở Ramstein một trong 5 đơn vị phân tích hình ảnh của máy bay không người lái trên toàn thế giới, có tên gọi Hệ thống Điều phối mặt đất (DGS). 

Một chiếc UAV "Predator" của Mỹ hoạt động ở Yemen. Ảnh: DPA


Chính Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper từng mô tả DGS như một "hệ thống thần kinh trung ương" đối với các hoạt động của UAV Mỹ. Ngoài ra, căn cứ này cũng được sử dụng như một trạm chuyển tiếp để truyền lệnh điều khiển tới các phi đội UAV đang hoạt động trên toàn thế giới.

Tại một phòng điều khiển UAV. Ảnh: Focus.de


Từ lâu, Mỹ đã sử dụng các UAV có trang bị tên lửa cho cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Các phi công điều khiển những chiếc UAV này thường ngồi trước những màn hình máy tính cách xa đó hàng nghìn km. Brandon Bryant, 28 tuổi, một cựu phi công điều khiển máy bay không người lái Mỹ nói: "Đức là nơi then chốt cho tất cả các chiến dịch máy bay không người lái của Mỹ. Không có căn cứ không quân Ramstein, các hoạt động đó không thể thực hiện được". 

Bryant cũng cho biết trong hơn 6.000 giờ (điều khiển) bay, chưa một lần nào anh không liên lạc với Ramstein để kết nối với chiếc UAV mà anh điều khiển. Bryant cũng cho biết Ramstein chính là trạm chuyển tiếp trung tâm để các phi công ở Mỹ có thể kết nối với các UAV tại các khu vực được triển khai như ở Pakistan hay Yemen. Do khoảng cách rất lớn giữa vùng triển khai UAV với điểm điều khiển của các phi công tại Mỹ nên tín hiệu của UAV phải chuyển qua Đức thông qua vệ tinh hoặc kết nối cáp ngầm.

Các phi công UAV tại Căn cứ không quân Holloman ở New Mexico, Mỹ. Ảnh: Zeit.de


Trong chuyến thăm Đức hồi tháng 6/2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khẳng định Đức không phải là cơ sở trung tâm cho các cuộc tấn công bằng UAV của Mỹ ở châu Phi. Trước thời điểm này đã có thông tin nói rằng các vụ tấn công bằng UAV của Mỹ ở châu Phi đều được phát lệnh từ Bộ Chỉ huy các lực lượng tác chiến của Mỹ ở châu Phi (Africom) đặt tại thành phố Stuttgart của Đức. 

Thời đó, các trạm vệ tinh ở Ramstein cũng được nhắc tới. Tuy nhiên, với các vụ tấn công chết người bằng UAV, Uỷ ban điều tra mới thành lập của Quốc hội Đức về các hoạt động của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) cũng có thể tiến hành điều tra các thông tin này. Hiện chính quyền bang Rheinland-Pfalz chưa đưa ra bình luận về các thông tin trên, trong khi một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ bang này thì nói đó là vấn đề của Chính phủ liên bang Đức.


Mạnh Hùng






Đức không có ý đồ khi tặng Trung Quốc bản đồ nhà Thanh
Đức không có ý đồ khi tặng Trung Quốc bản đồ nhà Thanh

Món quà mà Thủ tướng Đức Angela Merkel tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông tới thăm Đức đang được các mạng xã hội Trung Quốc đem ra tranh luận gay gắt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN