Mỹ mua ngũ cốc Ukraine để cứu đói cho châu Phi

Mỹ đang đẩy mạnh thu mua 150.000 tấn ngũ cốc của Ukraine trong thời gian tới cho chuyến hàng viện trợ lương thực gửi đến vùng Sừng châu Phi.

Chú thích ảnh
Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley nói chuyện với dân làng Wagalla ở phía Bắc Kenya. Ảnh: AP

Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc David Beasley cho biết chuyến hàng chở lượng ngũ cốc nhiều gấp sáu lần chuyến đầu tiên từ Ukraine do WFP bố trí đang được vận chuyển hướng tới những người dân có nguy cơ chết đói ở vùng Sừng châu Phi. Dù vậy, điểm đến cuối cùng của lô hàng ngũ cốc vẫn chưa được xác nhận. 

Ông Beasley đưa ra tuyên bố trên hôm 19/8 khi ông có mặt tại Kenya, nơi đang bị nạn hạn hán kéo dài hoành hành. Người dân ở đây nói rằng lần cuối cùng họ thấy trời mưa là vào năm 2019.

Các cộng đồng đang phải đối mặt với một mùa hạn hán nữa nếu trong vòng vài tuần tới trời không đổ mưa. Kịch bản này có thể khiến nhiều vùng châu Phi, đặc biệt là nước láng giềng Somalia, rơi vào nạn đói. 

Chú thích ảnh
Gia súc chết hàng loạt tại Ethiopia vì thiếu nước uống. Ảnh: UN

Theo WFP, khu vực này hiện có 22 triệu người thiếu ăn và hàng nghìn người đã chết. “Khả năng cao là chúng ta sẽ phải tuyên bố về nạn đói trong những tuần tới”, ông Beasley nói.

Giám đốc WFP đã miêu tả tình huống mà vùng Sừng châu Phi đối mặt là "cơn bão hoàn hảo trên đỉnh bão hoàn hảo, sóng thần trên đỉnh sóng thần" khi khu vực bị hạn hán nặng nề này còn hứng chịu thêm ảnh hưởng từ giá lương thực và nhiên liệu tăng cao kỷ lục.

Chú thích ảnh
Thời tiết khắc nghiệt làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo trên khắp vùng Sừng châu Phi. Ảnh: UN

Ông David Beasley cho biết con tàu cứu trợ từ Ukraine mang theo 23.000 tấn ngũ cốc, đủ để cung cấp cho 1,5 triệu người với khẩu phần đầy đủ trong một tháng.

Tàu dự kiến cập cảng Djibouti vào ngày 26/8 hoặc 27/8. Sau đó, lúa mì sẽ được vận chuyển qua đường bộ tới miền bắc Ethiopia, nơi hàng triệu người ở các vùng Tigray, Afar và Amhara không chỉ đối mặt với hạn hán mà còn là xung đột đẫm máu. 

Chú thích ảnh
Người dân tại ngôi làng Wagalla. Ảnh: AP

Ukraine là nơi cung cấp một nửa lượng ngũ cốc mà WFP đã mua vào năm ngoái để cấp cho 130 triệu người bị đói ăn. 

Theo ông Beasley, các nước giàu có nên hành động nhiều hơn nữa để duy trì dòng chảy ngũ cốc và hỗ trợ cho những vùng đói kém nhất thế giới. Ông cho rằng với nguồn lợi nhuận từ dầu mỏ đang cao kỷ lục lên đến hàng triệu USD mỗi tuần, các nước Vùng Vịnh cần tham gia giúp đỡ. 

Ông Beasley khẳng định WFP có thể cứu sống hàng triệu sinh mạng chỉ bằng nguồn lợi nhuận từ dầu mỏ của các nước vùng Vịnh trong một ngày. 

Chú thích ảnh
Một bà mẹ ở Wajir, Kenya, đưa con đến trung tâm y tế để kiểm tra cân nặng. Ảnh: WFP 

Ngoài ra, người đứng đầu WFP cho rằng Trung Quốc cũng cần tham gian nhiều hơn trong chiến dịch cứu đói châu Phi. Ông nói: “Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và chúng tôi nhận được rất ít từ Trung Quốc”.

Mặc dù ngũ cốc đã rời khỏi Ukraine và hy vọng ngày càng tăng rằng thị trường toàn cầu sẽ bắt đầu ổn định, nhưng những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới vẫn phải đối mặt với quá trình phục hồi khó khăn kéo dài.

“Ngay cả khi đợt hạn hán này kết thúc, chúng ta vẫn có nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu ít nhất 12 tháng nữa. Nhưng với những người nghèo nhất, sẽ mất vài năm để thoát khỏi điều này”, ông Beasley nói. 

Chú thích ảnh
Gia súc, vốn là nguồn của cải và dinh dưỡng của các gia đình, đang chết dần vì hạn hán. Ảnh: WFP

Những người nghèo nhất thế giới đang không có đủ thức ăn sống ở miền Bắc Kenya, nơi động vật đang chết khô, phơi xương trên nền đất cằn cỗi. Hàng triệu con gia súc, vốn là nguồn của cải và dinh dưỡng của các gia đình, đã chết vì hạn hán. Hàng nghìn trẻ em bị suy dinh dưỡng.

“Đừng quên lãng chúng tôi. Dưới thời tiết không có mưa này, ngay cả những con lạc đà cũng đã biến mất. Ngay cả những con lừa cũng phải chịu thua”, một người dân Kenya có tên Hasan Mohamud cầu cứu ông David Beasley.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo AP)
Nông sản Nga và khả năng thế giới đối mặt khủng hoảng lương thực vào năm 2023
Nông sản Nga và khả năng thế giới đối mặt khủng hoảng lương thực vào năm 2023

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, phân bón và lương thực của Nga phải đến được với các thị trường thế giới, nếu không cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu có thể sớm xảy ra vào năm tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN