Nam giới Trung Quốc phẫu thuật thẩm mỹ mong đổi đời

Lo lắng rằng hình thức có thể tác động đến nhiều cơ hội của bản thân trong xã hội đầy rẫy cạnh tranh, anh Xia Shurong quyết định nâng mũi. Xia Shurong là một trong hàng triệu nam giới Trung Quốc tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ.

Chú thích ảnh
Ngày càng có nhiều nam giới Trung Quốc lựa chọn phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: AFP

Hãng thông tấn AFP (Pháp) ngày 9/9 cho biết Xia Shurong (27 tuổi) muốn thay đổi diện mạo “mọt sách” để tăng thêm cơ hội trong cuộc sống.

Tiêu chuẩn cái đẹp ở Trung Quốc có thể cần rất nhiều nỗ lực, từ màu da, mắt và dáng mũi cho đến ngoại hình "tiểu tiên nhục" gây tranh cãi – cụm từ mới xuất hiện dùng để miêu tả những thanh niên đẹp trai với đường nét thanh tú.

Xia Shurong đang làm công việc nghiên cứu, giải thích: “Tôi cảm giác rằng ở độ tuổi này mình nên là ‘tiểu tiên nhục’ nhưng nay tôi như một ông chú trung niên vậy”. Xia Shurong quyết định phẫu thuật thẩm mỹ tại Bắc Kinh.

Anh chia sẻ: “Tôi lớn lên ở vùng nông thôn, da mặt ngăm đen và không đẹp, tôi cho rằng về tổng thể diện mạo của bản thân không đẹp”. Anh cũng đánh giá rằng mạng xã hội với các xu hướng về mỹ phẩm, hướng dẫn làm đẹp và lời khuyên về cách để trở nên có nhan sắc đã gây áp lực cho nhiều người.

Ngày càng có nhiều nam giới có học thức ở Trung Quốc lựa chọn các thủ thuật thẩm mỹ và phẫu thuật để làm mới diện mạo. Theo công ty iResearch có trụ sở tại Thượng Hải, khoảng 17% nam giới cổ cồn trắng ở Trung Quốc đã phẫu thuật thẩm mỹ và phần lớn họ đều phẫu thuật thẩm mỹ trước độ tuổi 30.

Bà Rose Han tại tổ chức đầu tư BeauCare Clinics cho biết nhiều nam giới là công chức muốn phẫu thuật thẩm mỹ bởi họ lo lắng vẻ ngoài nhìn bơ phờ hoặc già nua có thể khiến họ bỏ lỡ cơ hội thăng chức. Trong khi đó, ứng dụng So Young đã khảo sát 8,9 triệu người sử dụng và thu được kết quả nam giới ở độ tuổi 20 chủ yếu quan tâm đến phẫu thuật nâng mũi và mắt.

Theo số liệu của chính phủ Trung Quốc, thu nhập khả dụng trung bình quốc gia của nước này đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010, và tầng lớp trung lưu giàu hơn cũng thúc đẩy mối quan tâm đến phẫu thuật thẩm mỹ.

Zhang Xiaoma bỏ việc tại một công ty công nghệ thông tin để trở thành người nổi tiếng trên mạng xã hội toàn thời gian sau khi chia sẻ hành trình phẫu thuật thẩm mỹ của bản thân. Zhang nói: “Bạn có thể làm nhiều công việc trên máy quay hơn nếu bạn trở nên hấp dẫn”.

Người mẫu Nai Wen trong khi đó đã trải qua hơn 60 lần can thiệp trên gương mặt, bao gồm điều trị bằng laser. Nai Wen tin rằng phẫu thuật thẩm mỹ đã giúp anh thay đổi số phận.

Chú thích ảnh
Tầng lớp trung lưu Trung Quốc ngày càng giàu khiến họ quan tâm hơn đến phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: AFP
Chú thích ảnh
Người mẫu Nai Wen đã trải qua 60 lần can thiệp thẩm mỹ trên mặt. Ảnh: AFP
Chú thích ảnh
Xia Shurong muốn thay đổi dáng mũi. Ảnh: AFP
Chú thích ảnh
Ngành phẫu thuật thẩm mỹ của Trung Quốc có giá trị 30 tỷ USD. Ảnh: AFP

Theo iResearch, ngành phẫu thuật thẩm mỹ của Trung Quốc hiện trị giá 197 tỷ nhân dân tệ (30 tỷ USD) - tăng từ mức 64,8 tỷ nhân dân tệ năm 2015. Nhưng sự gia tăng nhanh chóng về nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ diễn ra vào thời điểm các nhà chức trách lo ngại rằng quốc gia này đang đối mặt với "cuộc khủng hoảng nam tính".

Chính phủ Trung Quốc đã chỉ trích vẻ ngoài "tiểu tiên nhục", đồng thời đề xuất tăng cường các lớp giáo dục thể chất cho học sinh nam để khuyến khích hình thức nam tính "truyền thống" trong xã hội. Đầu tháng này, các kênh truyền hình được chỉ đạo ngừng trình chiếu "phong cách thẩm mỹ bất thường" như nam giới "nữ tính”.

Ngoài ra còn có những lo ngại về an toàn và chất lượng. Hiệp hội Người tiêu dùng Quốc gia Trung Quốc ghi nhận hơn 7.200 đơn khiếu nại liên quan đến ngành thẩm mỹ. Tháng 7 vừa qua, cô Xiaoran (33 tuổi), một nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội đã tử vong do nhiễm trùng nặng sau khi hút mỡ. Theo tờ Global Times, phòng khám nơi Xiaoran phẫu thuật đã bị đóng cửa.

Những hình ảnh được chia sẻ bởi diễn viên Gao Liu đã lan truyền trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc trong năm nay, cho thấy phần da chết đen kịt trên mũi của cô sau khi phẫu thuật thẩm mỹ thất bại. Các nhà phê bình tin rằng cần phải có quy định tốt hơn đối với lĩnh vực này.

Quay trở lại Bắc Kinh, sau cuộc phẫu thuật, Xia lấy gương ngắm nghía khuôn mặt rồi thừa nhận: “Tôi thấy hơi khác biệt, không như những gì mình mong đợi. Tôi cho rằng để đạt được vẻ ngoài hoàn hảo cần có thêm thời gian”. Vào đầu năm nay, anh đã chi 40.000 nhân dân tệ (141 triệu đồng) để làm đầy khuôn mặt.

Hà Linh/Báo Tin tức
Bị trao nhầm mẹ lúc mới sinh 19 năm trước, cô gái khởi kiện đòi 3,5 triệu USD
Bị trao nhầm mẹ lúc mới sinh 19 năm trước, cô gái khởi kiện đòi 3,5 triệu USD

Một cô gái ở Tây Ban Nha đã đệ đơn khởi kiện cơ quan y tế khu vực đòi bồi thường 3,5 triệu USD sau khi biết rằng mình đã bị trao nhầm mẹ với một bé gái khác vào 19 năm trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN