Nền kinh tế Hàn Quốc trước nguy cơ suy thoái 'kép' 

Truyền thông Hàn Quốc những ngày gần đây đã đề cập đến nguy cơ nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái trong quý III này do tình hình dịch COVID-19 đã vượt quá tầm kiểm soát trong khi nguồn cung vaccine bị gián đoạn. 

Chú thích ảnh
Phố mua sắm Myeongdong ở Seoul, Hàn Quốc ngày 27/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) đã ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao kỷ lục với 2.223 ca ngày 11/8, một ngày sau khi hãng dược Moderna (Mỹ) thông báo các lô hàng vaccine hãng dự kiến bàn giao cho Hàn Quốc trong tháng 8 sẽ giảm hơn một nửa.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, làn sóng lây nhiễm thứ tư đang diễn ra ở Hàn Quốc nhiều khả năng làm giảm chi tiêu tư nhân và đầu tư của doanh nghiệp, khiến nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này rơi vào suy thoái "kép". Nói cách khác, nền kinh tế Hàn Quốc suy thoái lần thứ hai sau một đợt phục hồi ngắn hạn.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc quý II vừa qua tăng 0,7% so với quý trước đó. Đây là quý thứ 4 tăng liên tiếp kể từ quý III/2020, sau khi giảm 3,2% trong quý II/2020 và 1,3% trong quý I/2020.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã dự báo nền kinh tế nước này năm 2021 có thể đạt mức tăng trưởng 4%, nâng mức tăng trưởng quý II (từ tháng 4-tháng 6) lên 0,7% trong bối cảnh tâm lý người tiêu dùng vẫn vững chắc bất chấp làn sóng lây nhiễm thứ tư đang diễn ra. Tuy nhiên, triển vọng khả quan này được đề ra trên cơ sở nền kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng trung bình 0,7% theo quý trong thời gian còn lại của năm 2021. Nếu tăng trưởng quý III chậm lại 0,5%, tăng trưởng trong quý IV phải đạt 1,1% hoặc cao hơn để có thể đáp ứng dự báo tăng trưởng năm 2021 của BoK.

Trong khi đó, nhà kinh tế Lee In-ho của Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) cho rằng quan điểm về mức tăng trưởng 0,7% trong quý III là "đòi hỏi hơi cao". Ông cho rằng nền kinh tế Hàn Quốc có thể sẽ suy yếu nếu các quy tắc giãn cách xã hội hiện tại vẫn áp dụng trong vài tuần tới. 

Nền kinh tế Hàn Quốc thực tế đang có những dấu hiệu rõ ràng về sự suy giảm mạnh hơn, thể hiện qua các khoản chi trả bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng lên tới hơn 1.000 tỷ won (863,6 triệu USD) tháng thứ 6 liên tiếp vào tháng 7 vừa qua. Theo số liệu của Cơ quan thống kê Hàn Quốc (SK), trong tháng 7 vừa qua, Hàn Quốc có thêm 542.000 việc làm mới song tăng trưởng việc làm đã chậm lại trong tháng thứ 3 liên tiếp do đại dịch COVID-19. Trong đó, ngành khách sạn giảm 12.000 việc làm và bán lẻ mất 186.000 việc làm.

Một báo cáo của BoK được công bố vào tháng 6 vừa qua cho thấy trong số 2.520 công ty được thành lập vào năm 2020, hơn 1/3 (tương đương 39,7%) không đạt được lợi nhuận hoạt động đủ để trang trải chi phí lãi vay của họ. Đáng chú ý là áp lực lạm phát đang gia tăng, với tỷ lệ lạm phát ở mức cao hơn mục tiêu bình ổn giá của BoK là 2% trong tháng thứ 4 liên tiếp. 

Trong tháng 7 vừa qua, tổng cộng có 141 mặt hàng được mua thường xuyên, trong đó có cả hàng tạp hóa, ghi nhận mức tăng giá 3,4% so với cùng kỳ năm 2020. Lạm phát cơ bản - không bao gồm mặt hàng thực phẩm và năng lượng - tăng 1,7%, tiếp tục xu hướng tăng bắt đầu từ giữa năm ngoái. Giá các mặt hàng thiết yếu sử dụng hằng ngày ở Hàn Quốc cũng đang tăng do giá dầu thô và nguyên liệu thô tăng cao. Xuất khẩu cũng có thể bị ảnh hưởng nếu biến thể của virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan rộng, dẫn đến nhu cầu hàng hóa và dịch vụ giảm mạnh.

Anh Nguyên (TTXVN)
Cảnh báo nguy cơ Hàn Quốc mất kiểm soát làn sóng lây nhiễm thứ 4
Cảnh báo nguy cơ Hàn Quốc mất kiểm soát làn sóng lây nhiễm thứ 4

Đại dịch COVID-19 nguy cơ vượt tầm kiểm soát ở Hàn Quốc khi số ca nhiễm mới trong ngày lần đầu tiên vượt 2.000 ca vào ngày 11/8. Các chuyên gia y tế sở tại cũng đưa ra cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ 4 hiện nay dường như đang khó kiềm chế hơn những làn sóng trước đây và thậm chí vẫn chưa đạt đỉnh dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN