Ngành du lịch khu vực Trung Đông - Bắc Phi khốn đốn vì xung đột Hamas - Israel

Do lo ngại cuộc xung đột Hamas - Israel diễn biến ngày càng trầm trọng, khách du lịch tiếp tục hủy hoặc tạm hoãn các chương trình nghỉ dưỡng tại Trung Đông và Bắc Phi mà họ đã lên kế hoạch từ trước. Trong khi đó, các công ty lữ hành cũng thay đổi hành trình du lịch và hủy nhiều chuyến bay đến khu vực này. 

Chú thích ảnh
Hành khách tại sân bay Ben Gurion, Israel ngày 19/5/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Chỉ riêng ở Israel, ngành du lịch nước này ghi nhận lượng khách quốc tế trong tháng 10 sụt giảm mạnh do lo ngại cuộc xung đột Hamas - Israel diễn biến ngày càng xấu đi. 

Theo số liệu Cục thống kê trung ương của Israel công bố ngày 6/11, lượng khách du lịch đến Israel trong tháng 10 chỉ gần 99.000 lượt. Con số này so với tháng 10/2022 là 369.000. Tháng 10/2019, tức thời kỳ tiền đại dịch, quốc gia Trung Đông ghi nhận 485.000 khách du lịch đến nước này. 

Mặc dù khó có thể xác định cuộc xung đột sẽ kéo dài bao lâu, song ngành du lịch của Israel vốn là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, có thể sẽ phục hồi chậm chạp. Đây là xu hướng đã từng xảy ra sau các cuộc xung đột trong quá khứ. 

Nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới đã kéo dài lệnh tạm dừng các chuyến bay đến Israel, cho đến cuối năm nay. Nhiều công ty điều hành du lịch tàu biển cũng đang thay đổi hành trình đến cả những nước láng giềng của Israel trong khu vực Trung Đông - Bắc Phi. Du lịch vốn là nguồn thu ngoại tệ lớn ở cả Liban, Jordan, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên triển vọng lúc này khá mờ mịt. Theo các công ty điều hành du lịch, cuộc xung đột Hamas - Israel đang ảnh hưởng đến ngành du lịch của cả những quốc gia láng giềng này. 

Ví dụ, một nền tảng đặt phòng khách sạn có trụ sở ở Washington cho biết số lượng đặt phòng tại các nước trong khu vực đã giảm 70%. Trong khi đó, hơn 40% chuyến đi đến Ai Cập vào tháng 11 và 12 đã bị hủy trên nền tảng này. Nhà điều hành chuỗi khách sạn Marriott International cho biết nhu cầu đặt phòng đã giảm và đã nhận được những yêu cầu hủy phòng tại 27 khách sạn của tập đoàn ở Liban, Jordan và Ai Cập. Hãng lữ hành Tây Ban Nha có tên là Essentialist cho biết đã hủy 75% số chuyến đi đến khu vực Trung Đông và Bắc Phi.

Ở Jordan, khung cảnh tại các điểm du lịch khá ảm đạm. Tại Jerash, phía Bắc Jordan, người dân cho biết tuần này chỉ thỉnh thoảng mới có du khách, so với hàng trăm khách du lịch châu Âu thường đến mỗi ngày. Ở phía Nam tại Petra - điểm đến chính ở Jordan, một đại lý du lịch cho biết 80% số lượt đặt phòng khách sạn đã bị hủy và 2/3 số du khách phương Tây đã không đến nơi này nữa. Tại tỉnh Aqaba liền kề - cửa ngõ biển duy nhất của Jordan, các tàu du lịch đã ngừng cập bến. Theo dữ liệu của công ty phân tích du lịch ForwardKeys, lượng đặt vé máy bay đến Jordan đã giảm 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Các điểm đến ở Jordan như di tích Petra từ lâu đã rất phổ biến với khách du lịch, du khách thường kết hợp Israel và Jordan trong một chuyến du lịch trọn gói. 

Theo các chuyên gia, nếu không có giải pháp ngoại giao cụ thể để giải quyết cuộc xung đột trước mắt, không rõ khi nào du khách nước ngoài mới có thể quay trở lại Israel và các nước trong khu vực.

Nguyễn Hà (TTXVN)
Không có việc làm, người Palestine mất 16 triệu USD/ngày vì xung đột Israel - Hamas
Không có việc làm, người Palestine mất 16 triệu USD/ngày vì xung đột Israel - Hamas

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) của Liên hợp quốc, Dải Gaza đã mất ít nhất 61% việc làm kể từ khi bắt đầu cuộc chiến giữa Israel và Hamas, đồng thời cảnh báo rằng tình trạng sụp đổ kinh tế sẽ còn ảnh hưởng trong nhiều năm tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN