Nghề rà phá bom mìn tạo hiệu ứng tích cực tại Campuchia

6 năm trước, anh Soy Kossal vô tình dẫm chân vào mìn khi trên đường đến cánh đồng tại tỉnh Battambang, Campuchia.

Chú thích ảnh
Mìn được phá nổ tại tỉnh Kampong Speu, Campuchia. Ảnh: AFP

Anh Soy Kossal đã mất chân phải trong tai nạn này và mất đi cả hy vọng kiếm tiền nuôi gia đình. Soy Kossal nói: “Tôi rất tuyệt vọng. Tôi xấu hổ và tự xa lánh mọi người. Tôi không muốn sống nữa. Mọi người nói với vợ tôi rằng cô ấy nên ly dị tôi”.

Nhưng vợ của anh Soy Kossal, cô Kolab đã không làm như vậy. Cô đồng hành, giúp anh vượt qua khó khăn đồng thời khích lệ anh tìm công việc khác thay thế. Soy Kossal sau đó tìm được công việc là người rà phá bom mìn và từ đây bước sang trang mới.

Soy Kossal nói: “Tôi đã mất rất nhiều thời gian để vượt qua khó khăn tâm lý. Tôi biết rằng mình phải tiếp tục hỗ trợ gia đình nhưng đồng thời tôi không muốn người khác phải chịu chung số phận của mình. Tôi muốn Campuchia không còn bom mìn”.

Soy Kossal là một trong 64.000 nạn nhân bom mìn tại Campuchia, tàn tích từ xung đột tại quốc gia này trong thế kỷ trước. Hiện tại có một bệnh viện tại Battambang chuyên điều trị miễn phí cho những người bị thương vì vật liệu chưa nổ (UXO).

Một trong những bãi mìn lớn nhất thế giới nằm ở khu vực biên giới Thái Lan-Campuchia. Hiện nay, hàng chục tổ chức phi chính phủ đang tham gia vào việc rà phá bom mìn tại khu vực ước tính còn 20 triệu vật liệu chưa nổ này.

Chú thích ảnh
Từng là nạn nhân của bom mìn, nay anh Soy Kossal đảm nhận công việc rà phá bom mìn. Ảnh: AFP

Khoảng một nửa bãi mìn tại Campuchia đã được dọn sạch bom mìn và số còn sót lại chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn. Khi dân số tăng nhanh, các gia đình không có nhiều lựa chọn và buộc phải sống gần khu vực có bom mìn, điều này gây nhiều rủi ro đến cuộc sống của họ.

Tổ chức từ thiện của Anh mang tên HALO Trust đã tuyển dụng hơn 1.000 lao động nam và nữ Campuchia để làm việc rà phá bom mìn dọc biên giới nước này với Thái Lan, từ Koh Kong đến Preah Vihear và ở tỉnh Tboung Khmum. Ngoài ra, HALO Trust sẵn sàng xử lý khi có cuộc gọi từ người dân ở bất cứ đâu tại Campuchia thông báo về vật liệu chưa phát nổ.

Chú thích ảnh
Một chuyên gia hướng dẫn phương pháp rà phá bom mìn tại Campuchia. Ảnh: AFP

Lực lượng lao động rà phá bom mìn này đang tạo ra thay đổi tích cực trong xã hội Campuchia.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) dẫn trường hợp của cô Ruot Sreyla - người thường dành nhiều ngày làm việc trên cánh đồng để nhận mức tiền công 20 USD/tuần. Khi nghe tin về đào tạo người dò mìn, cô đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội.

Cô Ruot Sreyla cùng người bạn có tên Song Sreymao tham gia khóa đào tạo 6 tuần tại Trung tâm Hành động về Mìn Campuchia (CMAC) ở tỉnh Kompong Chhnang. Họ nhận được mức lương 200 USD/tháng, bên cạnh đó là bảo hiểm y tế và 3 tháng chế độ thai sản được trả lương.

Cô Song Sreymao chia sẻ: “Không có gì đáng sợ cả vì việc đào tạo rất tốt. Bạn cần cẩn thận và làm theo quy trình tiêu chuẩn.

Nông dân Yuth Voung trong khi đó nói: “Hiện nay mảnh đất này đã không còn bom mìn và chúng tôi thấy tự tin hơn, có thêm thời gian để học làm nghề nông bền vững, một số người bạn của tôi đã chuyển từ gạo sang trồng loại cây khác, như xoài chẳng hạn”.

Hà Linh/Báo Tin tức
Báo nước ngoài viết về những cô gái rà phá bom mìn tại Quảng Trị
Báo nước ngoài viết về những cô gái rà phá bom mìn tại Quảng Trị

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết ngày càng có nhiều phụ nữ Việt Nam tham gia dự án rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN