Nghị sĩ Nga nói không nên gia hạn thỏa thuận ngũ cốc sau vụ tấn công cầu Crimea

Một chính trị gia cấp cao của Nga đã nói rằng Nga không nên gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen sau vụ tấn công cây cầu Crimea.

Theo hãng tin Reuters ngày 17/7, ông Sergei Mironov, lãnh đạo đảng "Một nước Nga công bằng" tại Quốc hội Nga, nói trên mạng xã hội Telegram: “Đó là những gì chúng ta cần làm, chứ không phải thảo luận về một thỏa thuận ngũ cốc giúp những người ở Kiev và phương Tây kiếm được nhiều tiền. Không thể có thỏa thuận ngũ cốc sau một cuộc tấn công khủng bố khác”.

Một năm trước, Nga đã đồng ý ký thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen để cho phép Ukraine tiếp tục vận chuyển lương thực từ các cảng phía Nam khi xung đột đang diễn ra. Nga đã nhiều lần đặt ra câu hỏi về việc có nên đồng ý gia hạn thỏa thuận này hay không vì các yêu cầu của Nga không được đáp ứng. Tình cờ là thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen hết hạn vào ngày 17/7 – ngày cây cầu Crimea bị tấn công một lần nữa.

Ngoài ra, nghị sĩ Sergei Mironov cũng cho rằng Nga nên đáp trả bằng cách phá hủy cơ sở hạ tầng của Ukraine.

Video cầu Crimea bị hư hỏng một nhịp sau khi bị tấn công (Nguồn: RT):

Trước đó cùng ngày, một quan chức do Nga bổ nhiệm tại Crimea là ông Vladimir Konstantinov, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Crimea, cáo buộc trên Telegram rằng Ukraine đã tấn công cây cầu nối bán đảo với Nga. Theo báo chí, cây cầu này đã bị tấn công vào đầu giờ sáng 17/7, khiến một cặp vợ chồng thiệt mạng và con gái bị thương.

Mặc dù Ukraine chưa nhận trách nhiệm trực tiếp về vụ tấn công nói trên, nhưng Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) đã đăng lên mạng xã hội những thông điệp ẩn ý và ngụ ý rằng chính phủ Ukraine đứng đằng sau vụ việc. Nội dung bài đăng là: “Chim sơn ca, người anh em thân mến. Cây cầu lại đi ngủ lần nữa”.

Tháng 10/2022, một vụ nổ lớn đã làm hư hỏng một phần cây cầu Crimea, khiến một số phần bị sập xuống biển. Đầu tháng 7, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar đã thừa nhận rằng các lực lượng Ukraine chịu trách nhiệm về cuộc tấn công cầu Crimea vào tháng 10/2022.

Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, ít nhất hai phương tiện truyền thông Ukraine dẫn các nguồn giấu tên cho biết cơ quan an ninh nội địa và hải quân Ukraine đã đứng sau vụ tấn công cầu Crimea ngày 17/7. Đài truyền hình Ukraine Suspilne và báo Pravda đã đưa ra một số chi tiết về hoạt động mà họ nói là có sự tham gia của SBU và hải quân nước này. Suspilne dẫn các nguồn tin tiết lộ cầu Crimea đã bị tấn công bằng thiết bị không người lái dưới nước. Các quan chức Ukraine chưa đưa ra bình luận về vụ việc.

Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã cáo buộc cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào cầu Crimea có sự tham gia của Anh và Mỹ. Bà Zakharova nói: "Có mọi dấu hiệu của một nhóm tội phạm có tổ chức quốc tế. Các quyết định được giới chức và quân đội Ukraine đưa ra với sự tham gia trực tiếp của các cơ quan tình báo cùng chính khách Mỹ và Anh". Mỹ và Anh chưa phản ứng gì về cáo buộc này.

Trong khi đó, hoạt động của các đoàn tàu trên cầu Crimea đã được nối lại và chuyến tàu đầu tiên đã khởi hành qua cầu hướng tới lãnh thổ Krasnodar của Nga. Kênh Telegram “Crimea 24” thông báo: “Hoạt động vận tải đường sắt trên cầu Crimea đã được nối lại”. Tin cho biết chuyến tàu Simferopol-Moskva, dừng trên cầu trong 5 giờ do tình trạng khẩn cấp, đã đi về phía Krasnodar.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Nga xác nhận một phần cầu Crimea bị phá hủy
Nga xác nhận một phần cầu Crimea bị phá hủy

Một số phương tiện truyền thông đưa tin một nhịp của cây cầu Crimea đã bị phá hủy, một phần khác bị hư hỏng trong một trường hợp khẩn cấp hôm 17/7 khiến 2 người thiệt mạng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN