Nghiên cứu về sự tiến hóa của loài chim cánh cụt

Một nhóm nghiên cứu do Trung Quốc dẫn đầu đã phân tích gene của chim cánh cụt để xem loài chim này đã tiến hóa như nào từ ông bà tổ tiên biết bay của chúng cách đây hơn 60 triệu năm thành các "vận động viên" bơi lội như ngày nay.

Chú thích ảnh
Chim cánh cụt. Ảnh: Reuters

Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature Communications đã phân tích bộ gene của tất cả các loài chim cánh cụt hiện nay và những loài đã tuyệt chủng cùng với dữ liệu hóa thạch của chúng. Kết quả nghiên cứu đã đem lại những thông tin mới về cơ sở di truyền đối với sự tiến hóa của loài chim cánh cụt và sự thích nghi của chúng đối với môi trường biển. 

Theo nghiên cứu, chim cánh cụt cổ đại có nguồn gốc từ Zealandia, lục địa chìm ở phía Nam Thái Bình Dương, cách đây khoảng 65 triệu năm. Trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Viện Động vật học Côn Minh (Kunming) của Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc cho biết tổ tiên của loài chim cánh cụt ngày nay đã xuất hiện cách đây 14 triệu năm, sau đó biến đổi khí hậu toàn cầu đã thúc đẩy quá trình tiến hóa của chim cánh cụt và góp phần tạo ra các loài mới. Nghiên cứu cũng phát hiện 1 bộ gene giúp chim cánh cụt có thể sinh sống ở cả trên cạn và dưới nước, trong đó có những gene liên quan đến khả năng thích nghi với sự thay đổi của nhiệt độ, khả năng lặn và nhìn dưới nước, chế độ ăn và kích thước cơ thể. 

Nhà nghiên cứu trên cho biết thêm trải qua hơn 60 triệu năm, kích thước cơ thể chim cánh cụt đã dần nhỏ hơn, mỏ và các chi của chúng cũng đã tiến hóa để thích nghi với môi trường biển. 

Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra rằng chim cánh cụt sống ở vĩ độ cao, ví dụ như chim cánh cụt hoàng đế, có tốc độ tiến hóa nhanh hơn đáng kể so với những loài sống ở vĩ độ thấp. Điều này cho thấy môi trường Nam cực khắc nghiệt đang gây ra áp lực môi trường lớn hơn đối với chim cánh cụt và ở một mức độ nào đó đã giúp chim cánh cụt ở vĩ độ cao thích nghi tốt hơn với môi trường khắc nghiệt. Phát hiện này cũng giúp hiểu rõ những gene nào là cơ sở để chim cánh cụt thích nghi với môi trường biển cực lạnh trên Trái Đất. 

Nghiên cứu còn cho thấy chim cánh cụt đã thích nghi với một thế giới luôn thay đổi trong suốt hơn 60 triệu năm qua và con người có thể lạc quan về cách loài này ứng phó với các kịch bản biến đổi khí hậu trong tương lai.

Trần Quyên (TTXVN)
Sự sống của chim cánh cụt hoàng đế lâm nguy
Sự sống của chim cánh cụt hoàng đế lâm nguy

Chim cánh cụt hoàng đế, vốn sống ở vùng biển lạnh Nam Cực, đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trong từ 30-40 năm nữa do biến đổi khí hậu. Đây là cảnh báo vừa được chuyên gia của Viện Nam Cực Argentina (IAA) đưa ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN