Nhiệt độ cao thiêu đốt nhiều nơi tại Đông Nam Á

Daryl Siongco (7 tuổi) đổ mồ hôi ướt trán khi đang làm bài tập về nhà ở thành phố Quezon (Philippines) ngày 2/4. Trường của Siongco đóng cửa vì nhiệt độ tăng cao, gần đây đã lên tới 35 độ C.

Chú thích ảnh
Tài xế xe công nghệ trang bị trang phục chống nắng dưới tiết trời nóng gay gắt ở Bangkok, Thái Lan ngày 20/4/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Cậu học sinh lớp hai chia sẻ với Straits Times rằng việc học ở trường trong những tháng hè từ tháng 3 đến tháng 5 rất khó khăn vì lớp 40 học sinh chỉ có hai chiếc quạt điện.

Nắng nóng gay gắt khiến Bộ Giáo dục Philippines cho phép các trường dạy học từ xa hoặc cho học sinh nghỉ học. Quốc gia Đông Nam Á này cũng đang trong quá trình chuyển năm học vốn kéo dài từ tháng 8 đến tháng 5 thành từ tháng 6 đến tháng 3, bởi học sinh và giáo viên phàn nàn về việc học trong mùa hè.

Hiện tượng El Nino khiến thời tiết nóng hơn, khô hơn ở Đông Nam Á do thay đổi nhiệt độ nước biển và gió bề mặt trên Thái Bình Dương. Tổ chức Khí tượng Thế giới ngày 5/3, nhận định mặc dù hiện tượng này đã bắt đầu suy yếu nhưng nó sẽ tiếp tục gây ra nhiệt độ trên mức trung bình trên toàn cầu.

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA), trong tuần từ 17-23/3, nhiều khu vực tại Thái Lan, Campuchia, Lào và Myanmar đã chạm ngưỡng 40 độ C trong khi một số nơi thuộc Malaysia, Indonesia và Philippines ghi nhận mức 35 độ C.

Nhiệt độ cao đã khiến một thanh niên 22 tuổi người Malaysia tử vong vì say nắng ở Pahang ngày 2/2. Tổng cộng 27 trường hợp khác đổ bệnh vì nhiệt độ đã được ghi nhận ở Malaysia trong ba tháng đầu năm 2024. Bên cạnh đó, còn xảy ra cháy rừng ở các bang Selangor, Johor và Sarawak.

Phó giám đốc Cục Khí tượng Malaysia Mohd Hisham Anip cảnh báo: “Không nên tiếp xúc nhiều với ánh nắng Mặt Trời vào buổi chiều, đặc biệt là ở khu vực ngoài trời, tránh các con sông và thác nước bởi nguy cơ nước dâng đột ngột do mưa lớn”.

Trong khi đó, vào ngày 1/4, giới chức Thái Lan dự báo nhiệt độ tại nước này có thể leo lên ngưỡng 43 - 44,5 độ C trong tháng tới. Cục Khí tượng Thái Lan cũng cảnh báo rằng nhiệt độ sẽ cao hơn 30% so với bình thường.

Mức nhiệt cao cũng tác động mạnh đến người nông dân trong khu vực khi nhiều khu vực trồng trọt khô hạn nứt nẻ.

Nông dân tại Kedah (Malaysia) phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước và sản lượng thấp.

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam đã chịu đợt nắng nóng kéo dài trong tháng 2 dẫn đến khô hạn gây khó khăn cho người nông dân vận chuyển nông sản bởi mực nước các con kênh xuống thấp.

Đáng chú ý, do lo ngại thiếu gạo bởi thời tiết khô hạn, Tổng thống Indonesia Joko Widodo vào tháng 12/2023 đã chỉ thị quân đội tham gia vào hoạt động nông nghiệp và tận dụng đất quân sự để không để trồng trọt.

Chuyên gia về biến đổi khí hậu người Philippines Rose Perez cho rằng người dân nên chú ý hơn đến các cảnh báo của chính phủ về thời tiết cực đoan, bên cạnh đó, các công ty cần tạo khoảng thời gian nghỉ ngơi cho người lao động phải làm việc trong điều kiện nắng nóng.

Ông Dave Sivaprasad tại công ty tư vấn Boston Consulting Group nhận định Đông Nam Á vẫn dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu do vậy các quốc gia tại đây cần lên kế hoạch, xây dựng các biện pháp để thích nghi và phục hồi.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Straits Times)
Thủ đô Nhật Bản ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục trong tháng 3
Thủ đô Nhật Bản ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục trong tháng 3

Ngày 31/3, khu vực trung tâm thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục trong tháng 3, ở mức 27,7 độ C, khi khối áp suất cao gây thời tiết nóng bức như giữa mùa hè cho nhiều khu vực của quần đảo Nhật Bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN