Những lo ngại khiến các hãng bay né tránh không phận Afghanistan

Các hãng hàng không không muốn bay qua một quốc gia nơi ước tính có khoảng 4.500 vũ khí phòng không vác vai vẫn đang hoạt động.

Chú thích ảnh
Cờ Taliban treo bên ngoài sân bay Kabul, Afghanistan. Ảnh: AP

Hai năm sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan, Mỹ đã bắt đầu nới lỏng các quy tắc có thể cho phép các hãng hàng không thương mại bay qua đất nước này để cắt giảm thời gian và mức tiêu thụ nhiên liệu cho các chuyến bay tới Ấn Độ và Đông Nam Á.

Tuy nhiên, liệu các hãng hàng không có thể quản lý rủi ro khi bay trong không phận không được kiểm soát trên một quốc gia nơi ước tính có khoảng 4.500 vũ khí phòng không vác vai vẫn đang hoạt động? Và điều gì xảy ra nếu một máy bay gặp trường hợp khẩn cấp và cần hạ cánh đột ngột?

Theo OPSGroup - một tổ chức của ngành hàng không, gần như không có một hãng hàng không nào muốn bay qua một quốc gia như vậy.

“Không có dịch vụ kiểm soát không lưu ATC trên toàn quốc, lại có một danh sách vô tận các loại vũ khí đất đối không mà chúng có thể hạ gục bạn nếu bạn bay quá thấp, và nếu bạn phải chuyển hướng thì hãy chúc may mắn với không phận mà Taliban kiểm soát”, OPSGroup viết trong một khuyến cáo.

Mặc dù không giáp biển, vị trí của Afghanistan ở Trung Á đồng nghĩa với việc quốc gia này nằm dọc các tuyến đường trực tiếp nhất cho những người đi từ Ấn Độ đến châu Âu và châu Mỹ. Sau khi Taliban tiếp quản Kabul vào ngày 15/8/2021, ngành hàng không dân dụng đơn giản đã ngừng hoạt động do các cơ quan kiểm soát mặt đất không còn quản lý vùng trời. Những lo ngại về hỏa lực phòng không, đặc biệt là sau vụ bắn hạ chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines trên bầu trời Ukraine năm 2014, đã khiến các nhà chức trách trên khắp thế giới ra lệnh loại bỏ các tuyến đường thương mại qua Afghanistan.

Cũng kể từ đó, các hãng hàng không chủ yếu đi vòng quanh biên giới Afghanistan. Một số đi về phía Nam qua Iran và Pakistan. Các chuyến bay khác được cho là bay ngang qua không phận Afghanistan trong vài phút khi bay qua Hành lang Wakhan thưa thớt dân cư, một phần hẹp nhô ra khỏi phía Đông đất nước giữa Tajikistan và Pakistan.

Tuy nhiên, những chuyến bay buộc phải chuyển hướng này đều bị kéo dài thời gian bay cũng như tiêu thụ nhiên liệu nhiều hơn. Đây là một khoản chi phí lớn đối với bất kỳ hãng hàng không nào. Đó là lý do tại sao vào cuối tháng 7, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã ra một quyết định, thu hút sự chú ý của ngành khi tuyên bố các chuyến bay bay trên độ cao 9.750 m có thể bay qua không phận Afghanistan.

FAA cho biết họ tin rằng các chuyến bay ở độ cao hoặc trên 9.750m nằm ngoài tầm với của những vũ khímà Taliban sở hữu, ngay cả khi nó được bắn từ đỉnh núi.

Hãng hàng không United Airlines hiện có chuyến bay thẳng đến New Delhi từ Newark, bang New Jersey, sử dụng Hành lang Wakhan. Tuyến đường này có thể được rút ngắn nếu máy bay bay vào không phận Afghanistan.

“Theo quy định hiện hành của FAA, United điều hành các chuyến bay từ Newark đến New Delhi qua một khu vực nhỏ của Afghanistan, với việc kiểm soát không lưu được cung cấp bởi các quốc gia khác. Tuy nhiên, với quy định mới, chúng tôi không có kế hoạch mở rộng dịch vụ trên không phận Afghanistan vào lúc này”, phát ngôn viên của hãng hàng không United Josh Freed trả lời hãng tin AP.

Hãng hàng không Virgin Atlantic cũng sử dụng Hành lang Wakhan trong các chuyến bay đến New Delhi. Vương quốc Anh vẫn chưa thay đổi hướng dẫn yêu cầu các hãng hàng không tránh xa gần như toàn bộ không phận Afghanistan. Virgin Atlantic cho biết họ thực hiện “các đánh giá liên tục về các tuyến bay dựa trên các báo cáo tình hình mới nhất và luôn tuân theo lời khuyên nghiêm ngặt do Vương quốc Anh đưa ra”.

American Airlines và Air India – hai hãng hàng không khác sử dụng tuyến Hành lang Wakhan – từ chối đưa ra câu trả lời khi được hỏi về vấn đề.

Trong quá khứ, các hãng hàng không phía trên đều sử dụng tuyến đường qua không phận Afghanistan rất nhiều. Một báo cáo vào tháng 11/2014 của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế cho biết chỉ trong 12 năm, từ gần như không có chuyến bay nào vào năm 2002, các chuyến bay qua đã tăng lên hơn 100.000/năm. Trước khi lực lượng Taliban tiếp quản, chính phủ Afghanistam tính phí 700 USD/chuyến bay khi bay qua đất nước. Đây có thể là một khoản thu nhập đáng kể khi Afghanistan sa lầy trong cuộc khủng hoảng kinh tế.

Đứng trước câu hỏi yếu tố nào thúc đẩy FAA đưa ra quy định mới, cho phép các hãng bay sử dụng lại tuyến đường qua không phận Afghanistan, FAA đã đẩy trách nhiệm cho Bộ Ngoại giao. Bộ Ngoại giao cũng không đưa ra bất kỳ câu trả lời nào. Tuy nhiên, theo hãng tin AP, một phái viên của Bộ Ngoại giao FAA đã nhiều lần gặp gỡ các quan chức Taliban kể từ khi Mỹ và NATO rút khỏi Afghanistan.

Hiện tại, ngoài các hãng hàng không của Afghanistan và Iran, có vẻ như không có hãng hàng không nào nắm bắt cơ hội trở lại quốc gia này. Một phần nguyên do xuất phát từ nguy cơ hỏa lực của các tay súng, vì Afghanistan tràn ngập các tên lửa nhắm vào máy bay kể từ khi CIA trang bị cho các chiến binh thánh chiến mujahedeen để chống Liên Xô vào những năm 1980. Dylan Lee Lehrke, một nhà phân tích tại công ty tình báo nguồn mở Janes, cho biết Afghanistan vẫn còn có thể có súng phòng không KS-19 thời Liên Xô.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo AP)
Các tổ chức quốc tế kêu gọi đảm bảo quyền của nữ giới ở Afghanistan
Các tổ chức quốc tế kêu gọi đảm bảo quyền của nữ giới ở Afghanistan

Ngày 15/8, Cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế kiên trì ủng hộ sự thay đổi ở Afghanistan, nêu bật những hạn chế sâu sắc mà chính quyền Taliban áp đặt đối với quyền của phụ nữ và trẻ em gái ở quốc gia Tây Nam Á này. Giám đốc điều hành UN Women Sima Bahous đã đã đưa ra lời kêu gọi trên vào đúng ngày đánh dấu 2 năm lực lượng Taliban trở lại nắm quyền tại Afghanistan (15/8/2021-15/8/2023).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN