Những vấn đề nghị sự chính tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hàn sắp tới

Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Hàn Quốc mới nhậm chức Yoon Suk-yeol và người đồng cấp Mỹ Joe Biden dự kiến tập trung vào các vấn đề như mối đe dọa tên lửa và hạt nhân Triều Tiên, đồng thời tăng cường an ninh kinh tế giữa các đồng minh.

Chú thích ảnh
Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên Tổng thống Mỹ Joe Biden tới thăm trong chuyến công du châu Á sắp tới. Ảnh: Yonhap

Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, Tổng thống Mỹ Biden dự kiến tới Soeul vào ngày 20/5. Đây là chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên của nhà lãnh đạo này kể từ khi ông nhậm chức và sự kiện diễn ra 10 ngày sau khi chính quyền Tổng thống Yoon tiếp quản việc điều hành đất nước.

Theo lịch trình, cuộc gặp thượng định giữa hai nhà lãnh đạo sẽ được tổ chức vào ngày 21/5. Triều Tiên được cho là vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự thượng đỉnh trong bối cảnh Tổng thống Hàn Quốc muốn Mỹ tái khẳng định cam kết trong việc bảo vệ đồng minh châu Á.

Đầu tuần qua, một quan chức thân cận với Tổng thống Hàn Quốc cho biết hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ tập trung “bình thường hóa quan hệ đồng minh” bằng cách tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Hàn Quốc và "tái xây dựng thế trận phòng thủ liên hợp”.

Xây dựng lại liên minh là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Yoon, sau khi chính quyền mới tin rằng quan hệ đối tác quân sự giữa hai nước đã bị ảnh hưởng dưới thời chính quyền ông  Moon Jae-in do những nỗ lực tạo điều kiện cho đối thoại liên Triều.

“Phần quan trọng nhất của thượng đỉnh là hai nhà lãnh đạo sẽ thiết lập mối quan hệ tin cậy và đặt nền móng cho liên minh Hàn-Mỹ trở lại đúng hướng”, quan chức tiết lộ.

Như một phần nỗ lực, hai nhà lãnh đạo có thể thảo luận việc nối lại các cuộc tập trận quy mô lớn và tái kích hoạt Nhóm Tham vấn và Chiến lược Răn đe Mở rộng cấp cao – một cơ chế tham vấn song phương đã ngưng hoạt động trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Moon. Cơ chế này cho phép quân đội Mỹ triển khai đầy đủ khí tài, bao gồm cả năng lực hạt nhân, để bảo vệ đồng minh.

Hội nghị thượng đỉnh cũng có thể đề cập đến việc hai nước thúc đẩy tăng cường hợp tác về "an ninh kinh tế", với trọng tâm là thiết lập chuỗi cung ứng ổn định trong chất bán dẫn, pin và các vật liệu quan trọng khác.

Trong bài phát biểu trước quốc hội tuần này, Tổng thống Yoon cho biết ông sẽ thảo luận về sáng kiến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) với người đồng cấp Biden. Đây là một sáng kiến ​​do Mỹ đề xuất nhằm tìm cách cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu liên quan đến Mỹ và các quốc gia đối tác để ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Tham gia IPEF được kỳ vọng sẽ giúp Hàn Quốc dẫn đầu trong cuộc thảo luận toàn cầu về các lĩnh vực quan trọng, như nền kinh tế kỹ thuật số, trung lập carbon và năng lượng sạch. Tuy nhiên, tham gia sáng kiến có thể làm tổn hại đến mối quan hệ của nước này với Trung Quốc.

Tổng thống Yoon đã nhiều lần kêu gọi mở rộng "liên minh chiến lược toàn diện" giữa Hàn Quốc và Mỹ ngoài lĩnh vực quân sự sang các lĩnh vực bao gồm kinh tế, công nghiệp và thương mại.

Các quan chức Hàn Quốc hy vọng hội nghị thượng đỉnh sẽ là bước đầu tiên đưa đất nước trở thành "quốc gia nòng cốt toàn cầu", đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết các thách thức thế giới và khu vực.

Trong lần tới Hàn Quốc lần này, Tổng thống Biden cân nhắc thăm Khu phi quân sự Triều Tiên (DMZ) trước khi tiếp tục hành trình công du châu Á sang Nhật Bản vào ngày 22/5.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Yonhap)
Hàn Quốc sẽ tham gia tập trận Vành đai Thái Bình Dương trong tháng 6
Hàn Quốc sẽ tham gia tập trận Vành đai Thái Bình Dương trong tháng 6

Hải quân Hàn Quốc ngày 17/5 thông báo sẽ cử 1 tàu tấn công đổ bộ và 1 tàu ngầm tham gia cuộc tập trận hải quân đa quốc gia Mỹ dẫn đầu ở vùng biển ngoài khơi Hawaii (Mỹ) vào tháng 6 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN