Nóng trong tuần: Nghi vấn Israel tung đòn trả đũa Iran; Mưa lũ bất thường tại vùng khô hạn

Nghi vấn Israel tung đòn trả đũa Iran, mưa lũ bất thường tấn công các vùng sa mạc khô hạn, Ấn Độ tổ chức tổng tuyển cử và Triều Tiên thử nghiệm đầu đạn tên lửa là tâm điểm chú ý của dư luận trong tuần qua.

Căng thẳng Trung Đông giảm bớt với đòn trả đũa giới hạn của Israel vào Iran

Chú thích ảnh
Hình ảnh đăng trên website của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cho thấy máy bay không người lái được cho là của Israel bị bắn rơi gần cơ sở hạt nhân Natanz của Iran. Ảnh: AFP/TTXVN 

Rạng sáng 19/4, một loạt tiếng nổ đã được nghe thấy tại thành phố Isfahan – nơi đặt cơ sở hạt nhân Natanz của Iran. Truyền thông địa phương xác nhận hệ thống phòng không tại tỉnh này đã bắn hạ các thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ xâm nhập vào lãnh thổ Iran.

Theo một quan chức Mỹ nói với tờ ABC News, đây là cuộc tấn công của Israel vào Iran để trả đũa Iran đã tập kích Iran bằng UAV và tên lửa vào đêm 13/4 trước đó. Tuy nhiên, phản ứng của hai bên trực tiếp tham gia xung đột lại dường như khá dè chừng. Trong suốt quá trình đưa tin về vụ tấn công, phía Iran không hề chỉ đích danh Israel đứng sau vụ việc, cũng như khẳng định Tehran không có ý định trả đũa ngay lập tức.

Ngày 19/4, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian cho biết Iran đang điều tra vụ tấn công vào thành phố Isfahan. Trả lời phỏng vấn hãng tin NBC News, Ngoại trưởng Amirabdollahian nêu rõ thiết bị bay không người lái xuất phát từ bên trong Iran và bay được vài trăm mét trước khi bị bắn hạ. Ông cho biết vụ việc không gây thiệt hại hay thương vong cho Iran và hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy mối liên quan giữa các thiết bị này với Israel. Tuy nhiên, ông cảnh báo Iran sẽ có biện pháp đáp trả nếu Israel có hành động đi ngược lại lợi ích của Iran.

Về phần mình, Israel cũng không đưa ra bất kỳ bình luận nào về cuộc tấn công sáng 19/4. Văn phòng Thủ tướng Israel từ chối xác nhận với tờ Thời báo Israel rằng nước này đứng sau các vụ nổ ở Isfahan. Trước đó, sau cuộc tấn công trả đũa của Iran vào tối 13/4, giới chức Israel đã nhiều lần tuyên bố sẽ đáp trả thích hợp bất chấp kêu gọi kiềm chế từ các đồng minh thân cận. Ngày 18/4, hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết nước này sẽ tự ra quyết định riêng rẽ về cách tự vệ.

Quy mô hạn chế của cuộc tấn công và phản ứng im lặng của Iran dường như báo hiệu nỗ lực thành công của các nhà ngoại giao - những người đã làm việc suốt ngày đêm để ngăn chặn một chiến tranh toàn diện kể từ cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên vào Israel của Iran trong nhiều thập kỷ.

Hiện tượng mưa lụt bất thường tấn công các vùng khô hạn

Chú thích ảnh
Cảnh ngập lụt đường phố Dubai. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhiều nơi vốn nổi tiếng khô hạn như Dubai, Pakistan, Afghanistan... gần đây hứng chịu những trận mưa bão có sức tàn phá nặng nề, gây thiệt hại nghiêm trọng đến người và của.

Cụ thể, theo trung tâm khí tượng quốc gia, vào ngày 16/4, UAE đã ghi nhận lượng mưa kỷ lục 254 mm tại Al Ain trong chưa đầy 24 giờ. Đây là lượng mưa lớn nhất kể từ khi công tác thống kê bắt đầu vào năm 1949. Cơn mưa lớn đã khiến một người thiệt mạng, nhiều công trình ngập trong nước, gây gián đoạn kinh doanh và hàng không. Nước láng giềng của UAE là Oman, đã có 19 người thiệt mạng, sau 3 ngày mưa lớn liên tiếp.

Trong khi đó, lũ quét do mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày tại một số khu vực ở Pakistan đã khiến ít nhất 65 người thiệt mạng, trong bối cảnh nước này đang trải qua tháng 4 với lượng mưa cao hơn bất thường so với các năm khác.

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ở Afghanistan hôm 16/4 cho biết mưa lớn và lũ lụt đã ảnh hưởng đến hơn 1.200 gia đình và làm hư hại gần 1.000 ngôi nhà.

Mưa rất hiếm ở UAE và những nơi khác trên Bán đảo Arab, nơi thường được biết đến với khí hậu sa mạc khô hạn. Nhiệt độ không khí mùa Hè có thể lên tới trên 50 độ C. Các chuyên gia khí hậu giải thích sự nóng lên toàn cầu là nguyên nhân gây ra những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như các trận lụt lịch sử vừa qua. Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng biến đổi khí hậu sẽ khiến nhiệt độ tăng cao, độ ẩm tăng và nguy cơ lũ lụt cao hơn ở các vùng của vùng Vịnh. Các quốc gia như UAE, nơi thiếu cơ sở hạ tầng thoát nước để đối phó với mưa lớn, có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Triều Tiên thử nghiệm tên lửa hành trình ‘siêu lớn’

Chú thích ảnh
Triều Tiên thử nghiệm "đầu đạn siêu lớn" được thiết kế cho tên lửa hành trình chiến lược Hwasal-1 Ra-3 và phóng thử tên lửa phòng không thế hệ mới Pyoljji-1-2 tại Biển Hoàng Hải, ngày 19/4/2024. Ảnh: KCNA/TTXVN

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 20/4 đưa tin nước này đã tiến hành thử nghiệm một đầu đạn tên lửa hành trình “siêu lớn” và một tên lửa phòng không mới ở khu vực ven biển phía Tây trước đó một ngày. Cuộc thử nghiệm diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên tăng cường năng lực quân sự trước căng thẳng ngày càng gia tăng với Hàn Quốc và Mỹ.

Bình Nhưỡng đã tiến hành thử nghiệm đầu đạn được thiết kế cho tên lửa hành trình chiến lược Hwasal-1 Ra-3 và tên lửa phòng không Pyoljji-1-2. KCNA khẳng định các cuộc thử nghiệm ngày 19/4 là một phần trong hoạt động phát triển quân sự thường xuyên của Triều Tiên và không liên quan gì đến tình hình xung quanh.

Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, với việc Bình Nhưỡng tăng cường thử nghiệm vũ khí. Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã phản ứng bằng cách mở rộng các cuộc tập trận.

Ấn Độ bước vào cuộc tổng tuyển cử quy mô lớn nhất thế giới

Chú thích ảnh
Cử tri Ấn Độ chờ bỏ phiếu tổng tuyển cử tại huyện Nagaon, bang Assam ngày 19/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 19/4, cử tri Ấn Độ đi bỏ phiếu trong đợt đầu cuộc tổng tuyển cử gồm 7 giai đoạn, để bầu ra 102 trong tổng số 543 thành viên Lok Sabha (Hạ viện) khóa mới.

Theo tiến trình, mỗi giai đoạn bầu cử được tiến hành trong một ngày và kết thúc vào ngày 1/6 tới.

Trong giai đoạn này, cử tri tại 17 bang và 4 vùng lãnh thổ liên bang của Ấn Độ đã tham gia bỏ phiếu để lựa chọn 102 thành viên cho Lok Sabha (Hạ viện) từ tổng số 1.625 ứng cử viên. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ tham gia bỏ phiếu cao nhất thuộc về bang Tripura với 79,9%, tiếp theo là Tây Bengal với 77,57%. Trong khi đó, bang Bihar ghi nhận tỷ lệ tham gia bỏ phiếu thấp nhất, chỉ 47,49%.

Năm nay, Ấn Độ chứng kiến cuộc tổng tuyển cử lớn nhất trong lịch sử Ấn Độ với khoảng 969 triệu người đủ điều kiện bỏ phiếu. Phiếu bầu sẽ được tính vào ngày 4/6.

Theo hệ thống nghị viện của Ấn Độ, đảng nào giành được đa số trong số 543 ghế ở Lok Sabha, sẽ thành lập chính phủ và bổ nhiệm ứng cử viên của đảng giữ chức vụ thủ tướng.

Đảng Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của Thủ tướng đương nhiệm Narendra Modi đã giành được 303 ghế tại Lok Sabha trong cuộc bầu cử năm 2019. Nhiệm kỳ của Lok Sabha đương nhiệm dự kiến hết hạn vào ngày 16/6.

Giới phân tích dự đoán đảng BJP của Thủ tướng Narendra Modi sẽ một lần nữa giành chiến thắng áp đảo. Trong 2 nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ do Thủ tướng Modi lãnh đạo đã đưa nền kinh tế Ấn Độ tăng trưởng với mức đột phá, giúp nước này trở thành một trong những nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Iran điều tra vụ tấn công tại Isfahan 
Iran điều tra vụ tấn công tại Isfahan 

Ngày 19/4, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian cho biết Iran đang điều tra vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái nhằm vào thành phố Isfahan, miền Trung nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN