Phát hiện kho báu dưới đáy biển ngoài khơi Ai Cập

Viện Khảo cổ Dưới nước châu Âu (IEASM) đã tìm thấy kho báu trong một ngôi đền dưới đáy biển Địa Trung Hải.

Chú thích ảnh
Ảnh: Egytourina

Theo đài Sputnik, nhóm thám hiểm - do nhà khảo cổ hải dương người Pháp Franck Goddio dẫn đầu - đã phát hiện nhiều cổ vật tại ngôi đền thờ thần Amun chìm dưới biển Địa Trung Hải. Ngôi đền này nằm ở ngoài khơi vịnh Abu Qir ở Thonis-Heracleion. Trước khi bị đại dương “nuốt chửng” trong một thảm họa thiên nhiên hàng trăm năm trước, ngôi đền này từng là cảng quan trọng của Ai Cập.

IEASM cho biết đoàn thám hiểm đã phát hiện nhiều “đồ vật quý giá” trong kho báu của ngôi đền - bao gồm các dụng cụ nghi lễ bằng bạc, đồ trang sức bằng vàng và hộp đựng thạch cao dễ vỡ để đựng nước hoa hoặc thuốc bôi.

“Những cổ vật này minh chứng sự giàu có của khu bảo tồn này và lòng sùng đạo của những cư dân của thành phố cảng trước đây. Thật ngạc nhiên khi những vật thể mỏng manh như vậy vẫn tồn tại nguyên vẹn, bất chấp mức độ tàn khốc của trận đại hồng thủy”, ông Goddio, Giám đốc và người sáng lập IEASM, chia sẻ.

Nhóm khảo cổ đã điều tra con kênh phía nam của thành phố cảng, nơi có một số khối đá khổng lồ của ngôi đền sập xuống trong trận đại hồng thủy.

Thành phố cảng này được IEASM phát hiện lần đầu vào năm 2000. Nhưng gần đây, tổ chức này mới có thể khám phá toàn bộ địa điểm nhờ công nghệ thăm dò mới. Công nghệ này đã giúp nhóm nghiên cứu nhìn thấy các vật thể và căn phòng được bao phủ bởi “các lớp đất sét dày tới vài mét”.

Cục Khảo cổ học dưới nước của Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập đã hỗ trợ nỗ lực này.

Theo IEASM, tại ngôi đền này, các Pharaoh đã nhận được “danh hiệu quyền lực của họ với tư cách là những vị vua toàn năng từ vị thần tối cao của đền thờ Ai Cập cổ đại”.

Nhóm các nhà khảo cổ cho biết ngôi đền này được xây dựng vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên và bị nhấn chìm xuống biển vào giữa thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên.

Phát hiện quan trọng này thể hiện những lý tưởng thiêng liêng của người Ai Cập cổ đại.

Ngoài ra, ở phía đông ngôi đền, nhóm nhà khảo cổ cũng phát hiện một một khu vực thờ thần Aphrodite của người Hy Lạp. Tại đây, họ đã tìm thấy những chiếc bình bằng đồng, gốm sứ và nhiều đồ tạo tác khác

Việc khai quật vũ khí của người Hy Lạp trong khu vực này cũng cho thấy sự hiện diện của lính đánh thuê Hy Lạp kiểm soát việc tiếp cận vương quốc ở đồng bằng sông Nile. Sau khi được phép định cư, người Hy Lạp có thể đã mang truyền thống tôn giáo của họ đến khu vực này trong triều đại Saïte của Ai Cập từ năm 664 đến năm 525 trước Công nguyên.

Vân Khánh/Báo Tin tức (Theo Sputnik)
Giải mã bí mật về quá trình ướp xác của người Ai Cập cổ đại
Giải mã bí mật về quá trình ướp xác của người Ai Cập cổ đại

Một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Ludwig Maximilian và Đại học Tübingen (Đức) hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Ai Cập đã thành công trong việc giải mã một số bí mật trong quá trình ướp xác của người Ai Cập cổ đại, cũng như các vật liệu được sử dụng cho quy trình này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN