Quản lý súng đạn - Mỹ nên học các nước nào?

Không giống Mỹ, cơ quan lập pháp các nước dưới đây đều có phản ứng ngay, bằng cách thay đổi luật quản lý súng đạn nhằm ngăn chặn chuyện xấu tiếp diễn.

Học sinh Mỹ biểu tình yêu cầu chính phủ thắt chặt luật kiểm soát súng đạn. Ảnh: AP

Ngày 21/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump có dịp gặp gỡ một nhóm học sinh, giáo viên và phụ huynh thảo luận về vụ xả súng trường học mới nhất tại Parkland, bang Florida cũng như tình trạng xả súng tràn lan trong suốt lịch sử nước Mỹ.

Khi đề cập đến giải pháp, Tổng thống Trump hỏi các vị khách một câu: “Có ai nghĩ ra bất kỳ sáng kiến gì để ngăn chặn điều đó”.

Hầu hết những người tại cuộc gặp mặt chỉ ra vô vàn nguyên nhân dẫn đến tình trạng xả súng trường học mất kiểm soát tại Mỹ, bao gồm vấn đề sức khỏe tâm thần, bắt nạt, không nhận được sự hỗ trợ của các cố vấn chuyên gia, thiếu kiến thức trang bị an toàn cho học sinh, sơ suất của Cục Điều tra Liên bang (FBI) hay tình trạng thiếu hụt cảnh sát ngầm trong trường học.

Nổi bật trong số đó là câu trả lời của học sinh Sam Zeif, 18 tuổi, người sống sót trong vụ xả súng Parkland. Em cho rằng duy nhất có biện pháp – là thắt chặt hơn luật sở hữu và sử dụng súng đạn – là có tác dụng trong việc ngăn chặn các vụ xả súng ở Mỹ.

Các nghiên cứu chỉ ra những quốc gia nào sở hữu ít súng đạn hơn thì có tỷ lệ hành vi giết người cũng thấp hơn. Đơn giản, những quốc gia nào mà luật pháp nước họ hạn chế việc sở hữu súng đạn thì có tỷ lệ người chết vì súng ít hơn.

Tất nhiên, xả súng có xảy ra ở những nước đó. Đức, Trung Quốc, Nga và Thụy Sĩ đều trải qua các vụ xả súng trong một vài năm gần đây. Tuy nhiên, không giống Mỹ, đội ngũ lập pháp các nước đó đều có phản ứng ngay, bằng cách thay đổi luật súng đạn nhằm ngăn chặn chuyện xấu tiếp diễn.

Tại Đức, sau vụ xả súng đau lòng Erfurt năm 2002, khi một học sinh 19 tuổi dùng súng giết 17 người khác trong trường học, chính phủ nước này năm 2008 đã chính thức ra lệnh cấm súng tự động và súng bán tự động (với trường hợp ngoại lệ súng phục vụ cho săn bắn hoặc thể thao, cần phải có giấy phép).

Tại Thụy Sĩ, luật cũng thay đổi trong năm 2008 yêu cầu nghiêm ngặt hơn trong việc dự trữ súng đạn, sau vụ xả súng khiến 14 người thiệt mạng và 14 người khác bị thương.

Mặc dù Trung Quốc là một quốc gia vốn dĩ có quy định luật sở hữu súng đạn nghiêm ngặt song chứng kiến tình trạng sở hữu súng ngày một tăng, chính phủ nước này đã có những biện pháp mạnh hơn, bao gồm cấm cả súng trường săn bắn – một loại vũ khí rất phổ biến tại khu vực nông thôn.

Đối với người dân Nga, muốn mua súng là phải có giấy phép. Một trong những yêu cầu bắt buộc để được cấp giấy phép là có chứng nhận sức khỏe. Để kiểm soát tình trạng sở hữu súng trái phép, chính quyền Moskva cũng đang thảo luận một quy định trừng phạt bác sĩ cung cấp giấy chứng nhận sức khỏe giả mạo cho những đối tượng sở hữu súng đạn.

Quay trở lại năm 1996, chỉ mất có 12 ngày sau một vụ xả súng ở Australia, chính quyền nước này đã thông qua Luật Vũ khí Quốc gia – quy định cấm sở hữu và sử dụng các loại vũ khí tự động và bán tự động cho “mục đích tự vệ cá nhân”. Chính phủ thành lập một chương trình tạm thời mua lại súng, tăng cường kiểm tra sơ yếu lý lịch người sở hữu súng đạn. Kể từ đó, chưa hề xảy ra bất kỳ vụ xả súng trong trường học tại quốc gia này.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Sợ người nhà bệnh nhân đánh, bệnh viện thuê vệ sĩ cho bác sĩ
Sợ người nhà bệnh nhân đánh, bệnh viện thuê vệ sĩ cho bác sĩ

Người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ, như vụ việc mới xảy ở bệnh viện Sản Nhi Yên Bái khiến hai bác sĩ bị đánh trọng thương, là chuyện thường xuyên xảy ra tại các bệnh viện Ấn Độ. Thống kê cho thấy trong 2 năm qua, có tới 53 vụ bác sĩ bị đánh, khiến bệnh viện phải thuê cả vệ sĩ bảo vệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN