Sách giáo khoa - 'thủ phạm' gây bất bình đẳng giới

Ít ai ngờ chính những quyển sách giáo khoa khắp nơi trên thế giới lại vô tình "tiếp tay" cho tình trạng bất bình đẳng giới.

Minh họa trong sách giáo khoa của Tanzania là hình ảnh nam giới khỏe mạnh và lực lưỡng trong khi nữ giới tự hào về bộ váy đẹp. 

Ở trường tiểu học tại Haiti, học sinh được dạy rằng các bà mẹ “chăm sóc con và nấu nướng” trong khi những ông bố làm việc tại văn phòng.

Hình ảnh trong sách giáo khoa của Tanzania.

Trong sách của Pakistan, tất cả các chính trị gia đều là nam giới. 

Sách ở Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện hình vẽ một cậu bé với giấc mơ trở thành bác sĩ, trong khi cô bé lại tưởng tượng bản thân là cô dâu mặc váy cưới màu trắng.

Danh sách những quốc gia có sách giáo khoa minh họa mang tính rập khuôn như trên tiếp tục nối dài và không có giới hạn về địa lý.

Bức hình về giấc mơ khác biệt của bé trai và bé gái trong cuốn sách tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Đài BBC (Anh) cho biết thành kiến giới tính trong sách giáo khoa đã hiện hữu tại nhiều trường tiểu học trên khắp các lục địa. Nhà xã hội học Rae Lesser Blumberg tại Đại học Virginia (Mỹ) từng nghiên cứu về sách giáo khoa trên khắp thế giới trong hơn một thập niên và kết luận rằng luôn có sự rập khuôn về vai trò của nữ giới và nam giới.

Giáo sư Blumberg nhận xét: “Chúng ta không thể giáo dục thế hệ trẻ của tương lai bằng các cuốn sách giáo khoa từ quá khứ”.

Bên cạnh đó, bà Bumberg nói: “Có một cuốn sách về các nhà khoa học mà tôi đặc biệt ghi nhớ, người phụ nữ duy nhất xuất hiện là Marie Curie. Nhưng trong cuốn sách này Marie Curie không gắn liền với việc phát hiện ra phóng xạ mà là hình ảnh bà đứng sau lưng chồng là nhà khoa học Pierre Curie”.

Ngoài ra, còn có khuôn mẫu nghề nghiệp liên quan tới phụ nữ và nam giới được áp dụng khi minh họa sách giáo khoa. Theo đó, phái mạnh thường làm các nghề nghiệp như bác sĩ, lính cứu hỏa, cảnh sát, người đưa thư… trong khi phụ nữ lại đảm nhiệm công việc nội trợ.

Minh họa về nghề nghiệp trong sách của Kenya.

Ước tính mỗi học sinh trong khoảng thời gian từ cấp tiểu học cho tới trung học phổ thông sẽ phải đọc 32.000 trang sách giáo khoa.

Trong nghiên cứu năm 2011 do Mỹ thực hiện, xem xét hơn 5.600 cuốn sách dành cho trẻ em trong thế kỷ 20, kết quả được đưa ra là nam giới đóng vai trò nhân vật trung tâm gấp 1,6 lần nữ giới.

Các nhà nghiên cứu nhận định tình trạng này xảy ra tại cả những nước phát triển và đang phát triển. 80% các nhân vật trong sách do Bộ Giáo dục Iran thiết kế là nam giới. Sách về khoa học tại Anh và Trung Quốc có tới 87% nhân vật là phái mạnh. Nghiên cứu tiến hành tại Australia trong năm 2009 cho kết quả 57% nhân vật trong sách giáo khoa là nam giới.

Điều này vô tình đã hình thành cho trẻ em cái nhìn khuôn mẫu về xã hội. Một nghiên cứu của Israel về học sinh lớp một cho thấy những em được đọc sách minh họa về nữ giới và nam giới bình đẳng sẽ có xu hướng suy nghĩ mọi nghề nghiệp đều phù hợp với cả hai giới. Trong khi đó, những em tiếp cận với sách có định kiến về giới lại hình thành chấp nhận kiểu rập khuôn được đưa ra.

Sách của Bangladesh đã có sự khác biệt với minh họa phụ nữ chơi bóng đá và nam giới rửa bát.

Năm 2016, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã cảnh báo định kiến về giới tính trong sách giáo khoa có thể dẫn đến hạn chế về ước mơ nghề nghiệp và cuộc sống của các bé gái. Điều này còn là “vật cản vô hình” với bình đẳng giới tính.

Trong thập niên qua, đã có nhiều nỗ lực để thay đổi tình trạng này. UNESCO ghi nhận nội dung liên quan đến bình đẳng giới đã gia tăng trong các sách giáo khoa trên khắp thế giới. Nội dung về nữ quyền và chống phân biệt giới được đề cập tới thường xuyên hơn trong sách tại châu Âu, Bắc Mỹ và châu Phi.

BBC cho biết thay đổi tích cực này còn xuất hiện tại Việt Nam, Jordan, Palestine, Ấn Độ, Pakistan, Costa Rica và Argentina.

Mặc dù việc tiếp cận với giáo dục đã thay đổi rõ rệt từ năm 2000 nhưng UNESCO ước tính rằng trên khắp thế giới có hơn 60 triệu trẻ em vẫn chưa từng được đến trường, trong đó 54% là các bé gái.


Hà Linh/Báo Tin tức
Cần xem chỉ tiêu về bình đẳng giới đã trở thành lạc hậu
Cần xem chỉ tiêu về bình đẳng giới đã trở thành lạc hậu

Thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, trong tổng số 22 chỉ tiêu của 7 mục tiêu, chỉ có 4 chỉ tiêu đạt và 1 chỉ tiêu tiệm cận kế hoạch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN