Saudi Arabia nói ‘không có lỗi’ khi khan hiếm dầu mỏ toàn cầu

Saudi Arabia đang chịu sức ép lớn khi giá dầu mỏ tăng cao. Nhưng nước này cảnh báo các cuộc tấn công của phiến quân Houthi ở Yemen sẽ làm đứt gãy nguồn cung.

Chú thích ảnh
Công nhân làm việc tại nhà máy chế biến dầu thô Abqaiq thuộc Tập đoàn năng lượng quốc doanh Saudi Aramco của Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN

Saudi Arabia ngày 21/3 cho biết nước này không chịu trách nhiệm về thiếu hụt nguồn cung trên thị trường năng lượng toàn cầu, đồng thời cảnh báo các cuộc tấn công bằng tên lửa của Houthi nhằm vào các cơ sở dầu mỏ tại Saudi Arabia sẽ làm đứt gãy nguồn cung.

Thị trường năng lượng biến động mạnh sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Sức ép đối với Saudi Arabia về gia tăng sản lượng dầu thô cũng nhiều lên, khi quốc gia Trung Đông này là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Nhưng đến thời điểm này, cả Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đều từ chối đề nghị của Mỹ và Anh về tăng sản lượng khai thác, xuất khẩu giúp làm dịu đà tăng nóng của giá dầu. Chốt phiên giao dịch ngày 21/3, giá dầu Brent Biển Bắc được giao dịch tại mức giá 115,62 USD/thùng.

Trong tuyên bố được đăng tải trên truyền thông chính thống ngày 21/3, chính quyền Saudi Arabia khẳng định nước này sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trong thiếu hụt nguồn cung xăng dầu trên thị trường toàn cầu khi còn xuất hiện những cuộc tấn công của Houthi nhằm vào các cơ sở dầu mỏ của mình. Trước đó một ngày, phiên quân Houthi đã tiến hành loạt tấn công bằng tên lửa, máy bay không người lái nhằm vào một số cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia, trong đó có khu trung tâm phân phối dầu ở Jeddah, làm cháy một bồn chứa dầu.

Saudi Arabia và UAE ngày càng không hài lòng về việc thiếu ủng hộ của các đồng minh, nhất là Mỹ, trong cuộc đối đầu với Houthi. Hai nước từng yêu cầu Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa Houthi trở lại danh sách tổ chức khủng bố sau khi ông loại Houthi khỏi danh sách này lúc nhậm chức tại Nhà Trắng. Ông Biden cũng dừng hỗ trợ cho liên minh tại Yemen do Riyadh đứng đầu, ngừng việc bán, chuyển giao vũ khí cho Saudi Arabia.

Trong tuyên bố ngày 21/3, chính quyền Riyadh cũng cáo buộc Iran cung cấp tên lửa cho Houthi, nói rằng những vụ tấn công do lực lượng này tiến hành sẽ ảnh hưởng đến năng lực sản xuất dầu thô cũng như khả năng hoàn thành các cam kết, hợp đồng cung ứng dầu mỏ của Saudi Arabia với đối tác nước ngoài.

Chú thích ảnh
Phiến quân Houthi tại Yemen mở nhiều cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia và UAE. Ảnh: EPA

“Hành động đó gây ra những hệ quả nghiêm trọng đối với khu vực thượng nguồn và hạ nguồn trong ngành dầu mỏ của Saudi Arabia cũng như an ninh và ổn định của nguồn cung năng lượng đối với các thị trường toàn cầu... Cộng đồng quốc tế cần có trách nhiệm trong bảo vệ nguồn cung ứng năng lượng, kiên quyết chống lại Houthi”, tuyên bố nêu rõ.

Houthi, lực lượng đối đầu với liên minh quân sự do Riyadh đứng đầu tại Yemen từ năm 2015 đến nay, đã tiến hành nhiều vụ tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào Saudi Arabia và gần đây là UAE – cũng là một nước sản xuất và xuất khẩu dầu thô hàng đầu tại vùng Vịnh. Theo David Roberts, chuyên gia nghiên cứu về Trung Đông tại Đại học King’s College ở London, tuyên bố mới nhất của Saudi Arabia là cách để nước này gây sức ép lên Houthi, với thông điệp kiềm chế lực lượng này là việc làm hữu ích, giúp ổn định giá dầu và bình thường hóa nguồn cung quốc tế.

Cảnh báo của Saudi Arabia xuất hiện tại thời điểm nguồn cung năng lượng toàn cầu tiếp tục căng thẳng do nguy cơ đòn trả đũa, trừng phạt lẫn nhau giữa Nga với phương Tây. Phó thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 21/3 cho biết giá dầu có thể tăng lên 300 USD/thùng, thậm chí giá dầu có thể đạt 500 USD/thùng nếu phương Tây từ bỏ dầu của Nga.

Quan chức Nga đưa ra cảnh báo này trong bối cảnh phương Tây xem xét cấm vận ngành năng lượng của Nga. Tại cuộc gặp ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) ngày 21/2 tại Brussels (Bỉ), đại diện các nước thảo luận về việc áp đặt lệnh cấm vận với dầu thô của Nga, nằm trong vòng trừng phạt thứ năm của EU nhằm gây áp lực buộc Nga phải ngừng hoạt động quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, nội bộ EU hiện vẫn chưa đạt được thống nhất trong vấn đề này.

Ba Lan cùng với ba nước vùng Baltic là Estonia, Latvia và Lithuania ủng hộ lệnh cấm vận. Nhưng Đức, Hà Lan và một số thành viên khác cho rằng chưa thể sớm trừng phạt dầu mỏ Nga, bởi EU sẽ gặp khó khăn. Phát biểu trước báo giới ngày 21/3, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết câu hỏi về lệnh cấm dầu mỏ nhằm chống Nga không phải là việc châu Âu có muốn hay không, mà là mức độ phụ thuộc vào dầu thô của Nga. Ngoại trưởng Annalena Baerbock nêu quan điểm rằng Đức đang nhập khẩu khá lớn dầu mỏ của Nga, nhiều nước khác cũng vậy và không thể dừng nhập khẩu chỉ sau một ngày.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (FT, RT)
EU chia rẽ về lệnh trừng phạt dầu mỏ đối với Nga
EU chia rẽ về lệnh trừng phạt dầu mỏ đối với Nga

Các ngoại trưởng EU không đồng ý về các lệnh trừng phạt dầu mỏ. Lệnh cấm vận dầu mỏ có thể khiến cuộc xung đột ở Ukraine ngày càng tồi tệ hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN