Syria 'phủ sóng' S-300 khắp lãnh thổ, Israel đối phó bằng loạt tiêm kích tàng hình tối tân

Quân đội Israel tuyên bố đã có giải pháp nhằm vượt qua hệ thống phòng không danh tiếng S-300 mà Nga vừa cung cấp cho Syria.

Chú thích ảnh
F-35 là máy bay tiêm kích tấn công hỗn hợp, có khả năng tàng hình, thực hiện đa nhiệm vụ.

 Đài phát thanh quân đội Israel Galei Tzahel ngày 3/10 cho biết, Israel sẽ sử dụng loạt tiêm kích tàng hình tối tân nhất do Mỹ sản xuất, F-35 để đối phó với việc Syria trang bị các hệ thống phòng không S-300 của Nga.

“Galei Tzahal dẫn một nguồn tin từ Không quân Israel cho biết, trước tình huống mới tại Syria, Israel đã quyết định tăng cường sử dụng tiêm kích tàng hình F-35 trong các cuộc tấn công trên lãnh thổ Syria.

"Các cuộc tấn công sắp tới sẽ không phải là đầu tiên, nhưng chúng sẽ an toàn hơn với các phi công trước thực tế mới trên bầu trời Syria", nguồn tin phát biểu với Galei Tzahal.

"Đây là loại vũ khí đắt đỏ nhất trên thế giới, và là máy bay hiện đại nhất thế giới. Israel đã chi 125 triệu USD cho mỗi chiếc, và Bộ Quốc phòng đã mua 50 chiếc Model A. Các máy bay của chúng tôi được gọi là F-35L. 8 chiếc đã được chuyển giao cho Israel và 33 chiếc tiếp theo sẽ được giao vào năm 2021", nguồn tin cho biết thêm.

Xem video màn trình diễn ấn tượng của siêu tiêm kích F-35 Israel:

Trên thực tế, Israel là quốc gia đầu tiên triển khai tiêm kích F-35 đến Syria tham gia sứ mạng thực chiến đầu tiên trên thế giới.

Tư lệnh không quân Israel Amikam Norkin hồi tháng 5 tuyên bố, tiêm kích tàng hình F-35I không tham gia nhiệm vụ không kích ồ ạt nhằm vào các mục tiêu tại Syria hôm 8/5, nhưng đã tham chiến tại quốc gia này trong hai đợt tấn công trước đó. Tuy nhiên, ông không tiết lộ nhiệm vụ của F-35 trong các cuộc không kích này, cũng như mục tiêu mà chúng nhắm vào.

Chú thích ảnh
Ngày 2/10, Nga tuyên bố đã hoàn tất chuyển giao các hệ thống S-300 cho Syria.

Quân đội Israel gần đây tiến hành nhiều cuộc không kích vào sâu trong lãnh thổ Syria, với lý do bảo vệ an ninh quốc gia và ngăn chặn việc Iran cùng Hezbollah thiết lập các căn cứ quân sự ở quốc gia này. Tel Aviv cáo buộc Iran lợi dụng các căn cứ ở Syria để thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát. Tuy nhiên cáo buộc này bị cả Syria và Iran bác bỏ.

Khác với các quốc gia đặt mua F-35, Israel yêu cầu được tích hợp nhiều công nghệ nội địa vào tiêm kích tối tân này. Nhà sản xuất Lockheed Martin đã chấp nhận yêu cầu, cho ra đời phiên bản riêng cho Israel với tên gọi F-35I "Adir" (Người vĩ đại) dựa trên biến thể F-35A cho không quân Mỹ. Israel trở thành quốc gia duy nhất ngoài Mỹ được quyền can thiệp và chỉnh sửa các hệ thống trên máy bay F-35.

Máy bay F-35 Lightning II được phát triển từ máy bay X-35 theo dự án máy bay tiêm kích tấn công kết hợp (JSF), là loại máy bay tiêm kích một chỗ ngồi, có khả năng tàng hình, đa năng, có thể thực hiện các nhiệm vụ như: yểm trợ trên không, ném bom chiến thuật, và chiến đấu không đối không.

Việc phát triển F-35 đã được đưa vào kế hoạch tài chính của Mỹ, Anh và các chính phủ liên minh khác. Nó được thiết kế và xây dựng bởi một tổ hợp công nghiệp hàng không do Lockheed Martin dẫn đầu và các thành viên khác là BAE Systems và Northrop Grumman.

Chú thích ảnh
Máy bay F-35B diễn tập hạ cánh trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh.

Tuy nhiên chương trình F-35 đã diễn ra không được như mong đợi và đang gặp nhiều vấn đề cũng như tranh cãi vì chi phí ngày càng bị đội lên cao cùng với việc không đạt tiêu chuẩn của quân đội đề ra và còn gặp nhiều vấn đề khi thử nghiệm. Tính tới năm 2014, chương trình đã vượt dự toán 163 tỷ USD và chậm 7 năm so với kế hoạch.

Kế hoạch chế tạo hàng loạt với F-35 phải dời đến năm 2019 vì chỉ mới thực hiện được 25% các cuộc bay thử nghiệm tính đến năm 2012. Đến năm 2016, quân đội Mỹ mới bắt đầu mua F-35 với số lượng nhỏ để hãng phát triển có thời gian khắc phục các lỗi phát sinh và hoàn thiện thiết kế.

Tính tới tháng 3/2018, mới chỉ có 280 chiếc F-35 được chế tạo, tính cả những mẫu thử nghiệm (trong khi kế hoạch ban đầu là chế tạo 2.183 chiếc cho quân đội Mỹ và gần 1.000 chiếc khác để xuất khẩu từ năm 2010 cho tới năm 2035). Các nhà phê bình cho rằng chi phí nghiên cứu đã tăng quá cao và động cơ chính trị khiến chính phủ Mỹ không dám đình chỉ dự án này, dù giá thành máy bay đắt hơn nhiều so với dự kiến và nhiều lỗi kỹ thuật liên tục phát sinh.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Trên đà kết thúc 7 năm nội chiến, Tổng thống Syria nói gì khi trả lời phỏng vấn độc quyền?
Trên đà kết thúc 7 năm nội chiến, Tổng thống Syria nói gì khi trả lời phỏng vấn độc quyền?

Lần đầu tiên trong suốt cuộc xung đột kéo dài hơn 7 năm qua, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã tham gia một cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền một tờ báo nước ngoài xoay quanh rất nhiều chủ đề.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN