Taliban đã cảnh báo trước vụ đánh bom đẫm máu tại sân bay Kabul

Một lãnh đạo của Taliban đã cảnh báo "những kẻ hiểm độc" đang chuẩn bị tấn công khủng bố, vài giờ trước hai vụ đánh bom khiến hàng chục người chết ở Kabul.

Chú thích ảnh
đã cảnh báo trước vụ đánh bom đẫm máu tại sân bay Kabul. Ảnh: Reuters

Theo đài Sputnik (Nga), nhà lãnh đạo của Taliban đã nói với tờ New York Post rằng họ đang "làm mọi thứ có thể" để ngăn chặn một cuộc tấn công khủng bố ở Kabul.

“Chúng tôi đã nhận được thông tin cho thấy các phần tử xấu đang lên kế hoạch tấn công khủng bố nhằm vào dân thường. Chúng tôi đang tích cực làm mọi thứ có thể để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào xảy ra”, Abdul Qahar Balkhi, người đứng đầu Ủy ban Văn hóa của Taliban, nói với New York Post chỉ vài giờ trước khi xảy ra hai vụ đánh bom liều mạng làm rung chuyển thủ đô Afghanistan hôm 26/8.

Chú thích ảnh
Khói bốc lên từ một vụ nổ bên ngoài sân bay ở Kabul. Ảnh: AP

Trước đó, Mỹ cũng cảnh báo ISIS-K, một nhánh của IS ở Afghanistan, có thù địch với cả Mỹ và Taliban, đã gây ra mối đe dọa “nghiêm trọng” và “liên tục” đối với quân đội Mỹ đóng tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai ở phía bắc Kabul, cũng như đám đông bên ngoài chờ được vào sân bay để sơ tán.

Hai vụ đánh bom liên tiếp, một vụ tại cổng phụ phía đông sân bay và vụ còn lại tại một khách sạn gần sân bay mà lực lượng Mỹ và Anh sử dụng, được cho là đã khiến ít nhất 60 dân thường Afghanistan và 13 quân nhân Mỹ thiệt mạng. Ngoài ra, hàng trăm người khác bị thương trong các vụ tấn công này. Trong số 13 quân nhân Mỹ thiệt mạng có 11 lính thủy đánh bộ. Đây có thể coi là vụ tấn công khiến nhiều quân nhân Mỹ thiệt mạng tại Afghanistan nhất kể từ sau vụ trực thăng quân sự Mỹ bị bắn rơi hồi tháng 8/2011 khiến 30 quân nhân Mỹ thiệt mạng.

Chú thích ảnh
Một người đàn ông bị thương gần nơi xảy ra vụ nổ. Ảnh: AP
Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chăm sóc một người bị thương trong một vụ nổ. Ảnh: AP
Chú thích ảnh
Một người bị thương gần nơi xảy ra vụ nổ bên ngoài sân bay ở Kabul, Afghanistan. Ảnh: AP

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã lên tiếng thừa nhận tiến hành vụ tấn công. IS cho biết một kẻ đánh bom liều chết thuộc tổ chức này đã kích hoạt vụ tấn công nhằm vào các phiên dịch viên và người làm việc cho quân đội Mỹ.

Taliban đã lên án các vụ tấn công trong một tuyên bố, cho rằng việc "nhắm mục tiêu vào dân thường vô tội là một hành động khủng bố" mà cả thế giới cần lên án. Đồng thời, lực lượng này nói thêm rằng vụ nổ diễn ra tại một "khu vực do lực lượng Mỹ chịu trách nhiệm về an ninh". Tuy nhiên, họ được cho là không biết ai đứng sau vụ tấn công.

Chú thích ảnh
Những người Afghanistan bị thương trong vụ nổ đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: AP

Trả lời riêng kênh truyền hình Haberturk của Thổ Nhĩ Kỳ, một quan chức Taliban cho rằng "các vụ tấn công này xảy ra là do sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài". Các tay súng nhấn mạnh khi tình hình tại sân bay được kiểm soát và các lực lượng nước ngoài rời đi, các cuộc tấn công khủng bố cũng sẽ kết thúc.

Kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul, sân bay quốc tế Hamid Karzai luôn chìm trong hỗn loạn do dòng người ồ ạt đổ tới đây nhằm tìm kiếm cơ hội sơ tán khỏi Afghanistan.

Đầu tuần này, Taliban đã chỉ dẫn người dân tránh xa cổng sân bay, trừ khi họ đã được chấp thuận sơ tán, nhưng chỉ cho phép người nước ngoài rời đi. Mỹ, Anh và các quốc gia khác có công dân tại Afghanistan đang nỗ lực tìm kiếm thông tin cần thiết cho người dân của họ để đến sân bay và rời đi trước hạn chót ngày 31/8 khi lực lượng NATO rút khỏi đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết hôm 25/8 rằng trên 82.000 người đã được sơ tán khỏi Kabul đến các quốc gia khác, phần lớn trong số họ là người Afghanistan.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Balkhi cho biết: "Tất cả mọi người, bao gồm cả những người Afghanistan có giấy tờ tùy thân, đều có thể rời đi. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng họ nên ở lại và phục vụ quê hương bằng chuyên môn và kiến thức của mình".

Hải Vân/Báo Tin tức
Tổ chức và chiến lược của ISIS-K, nhóm khủng bố tấn công sát hại 13 binh sĩ Mỹ
Tổ chức và chiến lược của ISIS-K, nhóm khủng bố tấn công sát hại 13 binh sĩ Mỹ

Trong ngắn hạn, ISIS-K có thể sẽ tiếp tục gieo rắc hỗn loạn, cản trở quá trình rút quân và chứng tỏ rằng Taliban không có khả năng bảo đảm an ninh cho dân chúng. Xa hơn, chúng có thể gây ra các mối đe dọa ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN